Động đất liên tiếp ở Kon Tum: Động đất là gì và tác hại của động đất?
Động đất diễn ra hàng ngày trên Trái Đất. Chúng có thể là sự rung động rất nhỏ mà con người có thể cảm nhận cho tới những chấn động rất lớn có thể phá hủy hoàn toàn các thành phố, cướp đi tính mạng của hàng triệu người.
Động đất là gì?
Động đất là sự rung động mặt đất bởi sự giải phóng đột ngột năng lượng trong vỏ trái đất dưới dạng sóng địa chấn, có thể gây ra biến dạng trên mặt đất, phá hủy nhà cửa, công trình, của cải và sinh mạng con người.
Động đất xảy ra hằng ngày trên trái đất, nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, nếu động đất lớn, có thể gây thiệt hại trầm trọng và gây tử vong bằng nhiều cách.
Nguyên nhân của động đất?
Các nguyên nhân tạo ra động đất có nội sinh, ngoại sinh và nhân sinh.
Nguyên nhân nội sinh là do vận động của các mảng kiến tạo trong vỏ trái đất, dẫn đến các hoạt động đứt gãy hoặc phun trào núi lửa ở các đới hút chìm.
Nguyên nhân ngoại sinh là do thiên thạch va chạm vào trái đất, các vụ trượt lở đất đá với khối lượng lớn; do sụp lở các hang động ngầm dưới mặt đất và động đất do các vụ trượt lở đất đá tự nhiên với khối lượng lớn (loại động đất này thường chỉ làm rung chuyển một vùng hẹp và chiếm khoảng 3% tổng số trận động đất thế giới).
Nguyên nhân nhân sinh dẫn đến động đất là do hoạt động làm thay đổi ứng suất đá gần bề mặt, đặc biệt là các vụ thử hạt nhân, nổ nhân tạo dưới lòng đất hoặc tác động của áp suất cột nước của các hồ chứa nước, hồ thủy điện.
Tại Việt Nam, các tỉnh như Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum hay Hà Nội… là những tỉnh thành đã từng đón nhận các trận động đất hay rung chấn nhỏ xảy ra trong thời gian qua.
Nguyên nhân động đất liên tiếp ở Kon Tum
Ngày 23/8/2022, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 11 trận động đất được Viện Vật lý địa cầu ghi nhận. Lúc 1 giờ sáng 24/8, tại khu vực này tiếp tục xảy ra 1 trận động đất có độ lớn 2.5. Trong đó, đáng chú ý nhất là trận động đất số 1 ngày 23/8 được ghi nhận tại đây vào lúc 14 giờ 8 phút 4 giây (giờ Hà Nội). Trận động đất có độ lớn 4.7, là trận động đất có độ mạnh lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kon Tum.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, bước đầu đánh giá những trận động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum vừa qua là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Nhận định sơ bộ các trận động đất tại khu vực này sẽ không quá 5,5 độ Richter.
Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện cần có những khảo sát, triển khai trạm quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.
Tác hại của động đất?
Động đất có thể gây ra những tác hại sau:
Động đất có thể gây ra đất lở, đất nứt, sóng thần, nước triều giả, đê vỡ, và hỏa hoạn…
Các công trình xây dựng bị phá huỷ, dẫn tới thiệt hại nhiều về người và tài sản.
Theo sau động đất còn có các dư chấn có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân.
Hiện tại, các trận động đất xảy ra liên tiếp ở Kon Tum ngày 23/8 chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất tại Kon Tum.
Tuy nhiên, trên thế giới đã từng xảy ra các trận động đất có cường độ rất lớn, được xem là "đại địa chấn" với sức tàn phá vô cùng khủng khiếp như trận động đất năm 1960 ở Chile.
Động đất mạnh 9,5 độ richter kèm theo sóng thần, phun trào núi lửa năm 1960 ở Chile
Được gọi là "Đại địa chấn" Chile, trận động đất xảy ra ngày 22/5/1960 tại vùng Valdivia (Chile) nhưng có sức tàn phá trải rộng tới phần lớn miền Nam Chile, cướp đi sinh mạng của 1.600 người và làm hơn 3.000 người bị thương, hơn 2 triệu dân Chile rơi vào tình trạng mất nhà cửa.
Trận động đất được ghi nhận là lớn nhất trong thế kỷ 20 với cường độ lên tới 9,5 độ richter xảy ra trong 10 phút kèm theo sóng thần dọc bờ biển Chile đã tạo nên thảm họa "kép" gây thiệt hại khủng khiếp trong lịch sử động đất ở quốc gia này và trên thế giới.
Sóng thần cao tới 25m xuất hiện ngay sau cơn đại địa chấn, gây hư hại nghiêm trọng ở cảng Puerto Saavedra thuộc khu vực miền nam Chile và nhiều quốc gia như Nhật Bản, Philippines, phía đông New Zealand và vùng đông nam Australia.
Theo ước tính, miền Nam của Chile bị thiệt hại về tài sản tới 550 triệu USD.
Cơn địa chấn 9,5 độ richter được cho là nguyên nhân khiến sóng thần xuất hiện và "càn quét" đảo Phục Sinh nằm cách bờ biển Thái Bình Dương của Chile tới vài nghìn km và tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến các khu vực như Nhật Bản, Philippines và Hawaii.
2 ngày sau khi xảy ra thảm họa động đất - sóng thần kinh hoàng, ngọn núi lửa Volcán Puyehue bất ngờ "tỉnh giấc" và phun trào mạnh mẽ, tạo thành cột tro bụi 6.000m sau gần 40 năm ngừng hoạt động. Biến cố bất ngờ này đã gây ra nhiều thiệt hại trong nhiều tuần liên tiếp ở Chile.
Trong khoảng thời gian một tháng trước và sau Đại địa chấn Chile, có tổng cộng 225 lần xảy ra các trận động đất và dư chấn lớn nhỏ ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có hơn 10 trận hơn 7 độ richter và 3 trận hơn 9 độ richter.
Theo tính toán của các nhà khoa học, năng lượng giải phóng từ thảm họa động đất-sóng thần-núi lửa ước tính lớn hơn 200 lần so với quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945 trong Thế chiến thứ II.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng núi lửa phun trào ở Chile vào năm 1960 là do có liên quan tới trận động đất 9,5 độ richter.
Chile là quốc gia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương. Đây là khu vực bao quanh Thái Bình Dương, có chiều dài lên tới 40.000 km, nơi xảy ra rất nhiều trận động đất và phun trào núi lửa thuộc hàng mạnh nhất trên Trái Đất.
Theo các thống kê, khoảng 90% các trận động đất trên Trái Đất đều xảy ra tại vành đai lửa này.
Hơn 60 năm trôi qua, kể từ sau khi thảm họa khủng khiếp về động đất – sóng thần – núi lửa phun trào xảy ra ở Chile, dư âm về sự mất mát, thiệt hại nghiêm trọng vẫn khiến cho nhiều người bàng hoàng về sức tàn phá khốc liệt của thiên tai.
Động đất có dự báo trước được không?
Theo các nhà địa chất, hiện trên thế giới chưa có nước nào dự báo được chính xác thời điểm xảy ra hiện tượng thiên tai này. Các chuyên gia đều cho rằng rất khó dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể dự báo được độ lớn của động đất ở một khu vực, hay đạt mức cực đại là bao nhiêu.
Không giống như mưa bão có thể dự báo trước vài ngày thậm chí cả tuần, hiện tượng động đất chỉ có thể được thông báo nhận định về địa điểm, độ lớn khi nó đã xảy ra.
Một số hiện tượng khác lạ trong tự nhiên cũng đã được ghi nhận trước khi xảy ra động đất như ếch nhái di cư, chó nằm trong nhà chạy ra sân… nhưng không thể dùng những hiện tượng này để khuyến cáo người dân hay tổ chức sơ tán người dân được.
Theo các chuyên gia, tùy thuộc vào hệ thống kỹ thuật, từ lúc phát hiện động đất tới khi ra được bản tin thông báo nhanh cũng phải mất từ 15-30 phút.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google