Tại sao chúng ta thường "lười” hơn sau Tết?
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã chính thức kết thúc. Nhiều người cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thậm chí “lười” hơn khi quay trở lại công việc.
Theo chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, đây là hiện tượng tâm lý bình thường.
"Những năm vừa qua, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, có nơi nghỉ đến 2 tuần. Chưa kể trước đó chúng ta có nghỉ Tết dương lịch cũng nghỉ mấy ngày liền. Khoa học tâm lý nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi chúng ta làm một việc gì đó lặp đi lặp lại liên tục trong khoảng hai tuần trở lên, đến tuần thứ 3, thói quen mới sẽ được hình thành", chuyên gia tâm lý trị liệu Bùi Thị Hải Yến giải thích.
Trong những ngày Tết, mọi người hầu như không phải giải quyết công việc như thường nhật mà dành thời gian chủ yếu cho giải trí, đi chơi, du lịch. Giờ giấc sinh hoạt bị thay đổi nhiều, không còn là 5, 6 giờ dậy nữa mà có thể đến 9, 10 giờ sáng mới dậy.
Và với kỳ nghỉ kéo dài khoảng 2 tuần, tức 2/3 thời gian hình thành thói quen mới, cơ thể dần thích nghi.
"Chúng ta thường dễ thoải mái với những thói quen, nhất là thói quen liên quan đến vui chơi, giải trí. Khi quay lại guồng công việc, cơ thể phải thiết lập hành vi mới. Đây là thách thức với mỗi người cả về mặt tâm trí lẫn cơ thể vật lý", Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam nhận định.
Chuyên gia Bùi Thị Hải Yến cũng cho rằng, lý do lớn nhất của hiện tượng này là mọi người đã quá "nuông chiều" để bản thân được ăn chơi thoải mái trong ngày Tết mà không theo kế hoạch khoa học.
Để tránh sự mệt mỏi, uể oải sau kỳ nghỉ dài, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến đưa ra hai trường hợp. Thứ nhất, mỗi người cân nhắc việc phải nghiêm khắc với bản thân trong những ngày Tết, vẫn tiếp tục luyện tập thể thao, dậy sớm.
Thay vì làm việc, có thể dọn dẹp nhà cửa, tham gia các hoạt động như đọc sách, nghiên cứu tài liệu để vận động đầu óc.
Trong trường hợp này, khi trở lại với công việc thường nhật, mọi người sẽ không cảm thấy vất vả, khó khăn nữa bởi nếp sinh hoạt vẫn được duy trì.
Thứ 2, có thể lựa chọn việc "buông thả" bản thân, tận hưởng những ngày Tết nhẹ nhàng, thoải mái và chấp nhận sau Tết sẽ có sự trì trệ. Lúc này, bản thân cần có thời gian, 1 hoặc 2 tuần để thích nghi lại với cuộc sống thường nhật.
Trong trường hợp thứ 2, chuyên gia Bùi Thị Hải Yến gợi ý, mỗi người nên đặt ra cho mình những mục tiêu nhỏ ngay khi kỳ nghỉ kết thúc.
"Mục tiêu chính là động lực để đẩy tinh thần của chúng ta lên. Bánh xe cuộc đời căn bản có 8 khía cạnh: sức khỏe; học tập phát triển bản thân; thấu hiểu chính mình; sự nghiệp thăng tiến; tài chính; gia đình; mối quan hê bạn bè, đồng nghiệp; mối quan hệ yêu đương. Mình sẽ chọn một trong những mục tiêu đó để phấn đấu", Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam chia sẻ.
Ví dụ, có người đặt mục tiêu là quan hệ yêu đương. Vậy họ sẽ lên kế hoạch và nỗ lực thực hiện các hoạt động. Có người đặt mục tiêu về học tập phát triển bản thân, họ sẽ phải đặt ra một số điểm cụ thể và vạch ra chiến lược thực hiện, nâng cấp bản thân hàng ngày. Sau đó đối chiếu, kiểm tra thường xuyên xem bản thân đã đi đúng hướng chưa.
"Mỗi ngày như vậy sẽ góp phần giúp mọi người khởi động một cách dễ dàng và nhanh chóng lấy lại tinh thần làm việc", chuyên gia Bùi Thị Hải Yến khẳng định.
Chia sẻ về giải pháp khắc phục tình trạng nhiều người cảm thấy mệt mỏi, uể oải khi quay trở lại công việc sau kỳ nghỉ Tết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng mỗi người cần có những động tác chuẩn bị khi bắt đầu guồng làm việc.
Chẳng hạn thực hiện khai bút đầu xuân, đọc thêm một tài liệu nào đó, viết ra những kết hoạch trong năm mới,… Hoặc có thể tự nhủ nhủ bản thân bằng những lời tích cực như: cảm xúc hoang mang khi mới đi làm ngày Tết này cũng là điều mình thường, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi.
Tất cả những điều trên là cách đánh dấu về mặt tâm lý để mỗi người chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác, giúp nhanh chóng thích nghi và sớm quay lại hoạt động học tập, lao động thường ngày.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google