Sau 6 năm hoang hóa, số phận đất vàng 231 Nguyễn Trãi được định đoạt thế nào?

Vân Anh
11:31 - 20/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

6 năm hoang hóa sau cái bắt tay giữa Cao su Sao Vàng và Tập đoàn Hoành Sơn, số phận đất vàng rộng 6,2ha tại 231 Nguyễn Trãi nhận được sự quan tâm lớn của người dân thủ đô.

Long đong số phận đất vàng 231 Nguyễn Trãi

“Xí” đất vàng rồi “bỏ hoang” là hiện tượng đã trở nên phổ biến trên địa bàn Hà Nội.

Năm 2021, UBND thành phố Hà Nội lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng đất.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội có báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Theo đó, qua rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.

Dự án “Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn" tại 231 Nguyễn Trãi không có tên trong danh sách này. Nhưng “bằng mắt thường”, không khó để nhận ra dự án này đã “đóng băng” suốt 6 năm qua. 

Sau 6 năm hoang hóa, số phận đất vàng 231 Nguyễn Trãi được định đoạt thế nào? - Ảnh 1.

Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng tại khu "đất vàng" 231 Nguyễn Trãi, thành phố Hà Nội. Ảnh: Lê Tiên/Báo Đấu thầu

Dự án “Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn" do Công ty TNHH Sao vàng – Hoành Sơn (Sao vàng – Hoành Sơn) xây dựng và phát triển. Sao vàng – Hoành Sơn ra đời dựa trên cái bắt tay của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (thành viên của Vinachem) và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn.

Công ty Sao Vàng – Hoành Sơn thành lập năm 2016 với vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Tập đoàn Hoành Sơn góp 74% (tương đương 74 tỉ đồng), SRC góp 26% (tương đương 26 tỉ đồng).

Tới năm 2017, vốn điều lệ công ty tăng lên 500 tỉ đồng. Tỉ lệ nắm giữ của Hoành Sơn và SRC giữ nguyên nên phần vốn góp của hai đơn vị lần lượt là 370 tỉ đồng và 130 tỉ đồng.

Tuy nhiên, phần vốn góp của SRC vào Sao Vàng – Hoành Sơn lại đến từ nguồn vay Tập đoàn Hoành Sơn. 

Thế nhưng, cái bắt tay giữa SRC và Hoành Sơn chưa mang lại tín hiệu tốt đẹp cho dự án “Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn". Sau 6 năm hai bên hợp tác, dự án vẫn là bãi đất trống.

Số phận đất vàng 231 Nguyễn Trãi được định đoạt thế nào?

Đầu tháng 6 năm nay, Hà Nội đã công bố Kế hoạch số 160 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, Hà Nội sẽ công khai các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn thành phố để tạo sự đồng thuận, giám sát của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm đối với các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng; các trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi các dự án đủ điều kiện theo quy định của pháp luật…

Với việc hoang hóa suốt 6 năm qua, chưa rõ số phận dự án “Tổ hợp thương mại và nhà ở Cao su Sao Vàng - Hoành Sơn" trên đất vàng 231 Nguyễn Trãi sẽ như thế nào. Đây cũng là vấn đề được cổ đông SRC quan tâm.

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của SRC, cổ đông cũng đặt ra câu hỏi liên quan đến 231 Nguyễn Trãi. Lãnh đạo SRC cho biết “Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Công ty vẫn đang chờ hướng dẫn của Nhà nước, đúng quy định của pháp luật”.

Có thể thấy, vẫn mù mờ về số phận đất vàng 231 Nguyễn Trãi. 

Chỉ biết rằng dù nắm trong tay lợi thế quỹ đất vàng này nhưng SRC kinh doanh không có nhiều khởi sắc, thậm chí đi lùi sau cả thập kỷ. 

Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của SRC chỉ đạt 40 tỉ đồng, giảm 33,5 tỉ đồng, tương đương 45,6% so với năm 2020 và giảm 7,5 tỉ đồng, tương đương 15,8% so với năm 2012.