Tái diễn hành vi lừa đảo làm dịch vụ bảo hiểm xã hội nhằm chiếm đoạt tài sản

Hồng Ngọc
06:00 - 23/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, gần đây liên tiếp nhận phản ánh của người lao động về việc bị lừa đảo số tiền lớn khi nhờ tư vấn giải quyết các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội trên mạng.

Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, mới đây, chị M.T.H (trú tại tỉnh Nam Định) đã bị lừa đảo số tiền hơn 100 triệu đồng.

Cụ thể, tháng 7/2023, chị M.T.H đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn MSL Việt Nam (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Tuy nhiên, do cần tiền, nên chị H muốn được hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, tại thời điểm tháng 7/2023, chị H đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì không thuộc đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

Liên tục tái diễn hành vi lừa đảo làm dịch vụ bảo hiểm xã hội trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Làm giả thông báo của cơ quan quan Bảo hiểm xã hội để lừa đảo người lao động. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Tuy nhiên, chị H đã truy cập Facebook “Dịch vụ BHXH” và trao đổi với đối tượng Kim Oanh - “Tư vấn viên thuộc Cổng thông tin điện tử trung tâm bảo hiểm xã hội Việt Nam”. Sau đó, người này lại chuyển cho “tư vấn viên” khác là Trần Minh Hoàng để tư vấn cho chị H về quy trình thủ tục nhận bảo hiểm xã hội 1 lần qua số điện thoại trên Zalo là 0927057505. Nhóm đối tượng này đã lừa chị H chuyển cho chúng số tiền lên tới 100 triệu đồng.

Ngoài vụ việc trên, có nhiều trường hợp người lao động bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng khi nhờ giải quyết các thủ tục hành chính bảo hiểm xã hội trên mạng xã hội.

Lừa đảo giải quyết các dịch vụ bảo hiểm xã hội có thu phí

Theo Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các đối tượng lừa đảo thường lập các Facebook có hình ảnh logo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn về việc thực hiện các thủ tục hành chính của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (như giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, chốt sổ bảo hiểm xã hội, thoái thu do đóng trùng bảo hiểm xã hội, giải quyết chế độ thai sản…). 

Khi người lao động tương tác với Facebook này qua messenger thì các đối tượng tự giới thiệu là nhân viên tư vấn của cơ quan Bảo hiểm xã hội và hướng dẫn người lao động tương tác với Fanpage của cá nhân khác chuyên hỗ trợ về các dịch vụ của bảo hiểm xã hội.

Đối tượng lập Fanpage dùng hình ảnh của người khác trên mạng xã hội. Để tạo sự tin tưởng, các đối tượng lấy hình ảnh của chủ Fanpage gắn vào hình ảnh căn cước công dân, thay đổi thông tin cá nhân cho trùng khớp. Ngoài ra, các đối tượng còn cung cấp các số điện thoại giả để người lao động liên hệ trao đổi thông tin.

Liên tục tái diễn hành vi lừa đảo làm dịch vụ bảo hiểm xã hội trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Tin nhắn mạo danh và giấy tờ giả mạo lừa đảo người lao động. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Sau đó, những đối tượng này yêu cầu người lao động cung cấp mã số bảo hiểm xã hội và căn cước công dân. Sau khi nhận được thông tin của người lao động, chúng gửi cho bị hại hình ảnh (được chúng chế ra) thể hiện thông tin cá nhân và mức hưởng các chế độ (mức hưởng mà những kẻ lừa đảo chế ra thường cao hơn thực tế rất nhiều) và tình trạng hồ sơ chưa được giải quyết…

Tiếp đến, những đối tượng lừa đảo yêu cầu người lao động, nếu muốn được giải quyết cần chi trả phí hồ sơ. Nếu nạn nhân chưa tin tưởng hoặc tỏ ý nghi ngờ, những đối tượng này sẽ dùng hình ảnh Fanpage của cơ quan Bảo hiểm xã hội có dấu tích xanh để tạo lòng tin, hoặc giới thiệu người lao động vào các nhóm kín của ứng dụng Telegram để trao đổi thông tin. 

Trong các nhóm kín này, các đối tượng đã tạo niềm tin bằng cách cho đồng bọn gửi tin nhắn có hình ảnh những hồ sơ đã được chúng giải quyết thành công.

Khi người lao động đồng ý thực hiện dịch vụ, các đối tượng sẽ gửi cho người lao động những hình ảnh giả mạo, trong đó có dấu và chữ ký của lãnh đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chứng minh việc cơ quan bảo hiểm xã hội đã nhận được hồ sơ. Sau đó, bọn chúng yêu cầu người lao động phải chuyển tiền đóng phí hồ sơ.

Tuy nhiên, sau khi người lao động chuyển tiền, các đối tượng lập tức thông báo tin nhắn của người lao động sai cú pháp, rồi yêu cầu người lao động nộp thêm tiền và ghi đúng lại cú pháp hoặc bọn chúng cho người gọi điện, nhắn tin cho người lao động giờ giải ngân của hồ sơ sắp hết để yêu cầu đóng thêm tiền.

Để tạo niềm tin, đối tượng cũng chuyển cho người lao động một số điện thoại ghi kèm theo tên người và giới thiệu là cán bộ của cơ quan Bảo hiểm xã hội đang giải quyết hồ sơ để người lao động liên hệ. Đến khi người lao động biết mình bị lừa và liên hệ lại, bọn chúng lập tức khóa các trang cá nhân, chặn số điện thoại.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo người dân cẩn trọng khi tương tác trên mạng xã hội để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định cơ quan này không có hình thức làm dịch vụ các thủ tục hành chính của bất kỳ lĩnh vực nào hay yêu cầu người dân chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân.

Người dân không phải trả phí dịch vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục của Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, hiện nay, tất cả các dịch vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang triển khai, người dân đều không phải trả phí, do đó bất kỳ trường hợp nào yêu cầu người dân trả phí dịch vụ như trên đều là hành vi lừa đảo.

Trường hợp khi thực hiện các thủ tục hành chính của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam nếu gặp vướng mắc, người dân có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương nơi gần nhất, hoặc liên hệ trực tiếp tới Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) qua số hotline: 1900.9068; hoặc số 0243.7899999 (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ.