Số phận đồng USD sẽ được định đoạt trong 10 năm nữa?

PV
17:00 - 14/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Với vị thế của đồng đô la Mỹ, Hoa Kỳ có thể sử dụng sức mạnh áp đảo của đồng đô la để chuyển cuộc khủng hoảng của mình sang phần còn lại của thế giới, bất kể các nhà kinh tế đã cảnh báo nhiều lần rằng việc tăng giá sẽ phá vỡ nền kinh tế thế giới và báo trước một cuộc suy thoái.

Số phận đồng USD sẽ được định đoạt trong 10 năm nữa? - Ảnh 1.

Đồng đô la Mỹ đứng trước nhiều thách thức trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Hồi kết của đồng bạc xanh?

Trên thực tế, tỷ lệ dự trữ quốc tế của đồng đô la đang giảm. Vào giữa những năm 1980, đồng đô la Mỹ chiếm 86% dự trữ của thế giới. Đến đầu những năm 2000 là 72% và chỉ còn 59% vào nửa đầu năm 2022, đây là giá trị thấp nhất trong 25 năm qua.

Trong lịch sử, dầu đã được thanh toán bằng USD như là đồng tiền dự trữ an toàn nhất. Ngành năng lượng nói chung đã hỗ trợ mạnh mẽ cho tiền tệ và nền kinh tế Hoa Kỳ. Do đó, động thái chuyển sang thực hiện các giao dịch liên quan đến dầu mỏ bằng đồng tiền quốc gia (không phải đồng đô la Mỹ như trước đây) sẽ làm suy yếu sức mạnh của đồng đô la Mỹ.

Nga là quốc gia đầu tiên thực hiện bước đi như vậy với quyết định chỉ nhận thanh toán bằng đồng Ruble trong các giao dịch dầu mỏ và khí đốt từ EU.

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế, tiến sĩ Nouriel Roubini, người dự báo chính xác thời điểm khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu (2007-2008) và rất nổi tiếng với những dự báo có phần bi quan thái quá về những rủi ro của các nền kinh tế dự đoán số phận đồng USD sẽ được định đoạt chỉ trong vòng 10 năm nữa.

Mặc dù vậy ở thời điểm hiện nay, người ta vẫn chưa thể tin, đồng USD sẽ "kết thúc" trong thời gian ngắn như vậy.

Hiện nay, sự suy giảm vị thế của đồng USD đang được nhắc tới không chỉ ở Nga, mà còn ở cả phương Tây. Theo tiến sĩ Roubini, điều này sẽ xảy ra do sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng sự xuất hiện không thể tránh khỏi của hai loại tiền tệ dự trữ toàn cầu cạnh tranh. Ông Roubini cho biết, quá trình phi USD hóa đang được đẩy nhanh nhờ một số yếu tố.

Nhiều nước từ bỏ đồng USD

Ngày càng có nhiều nước từ bỏ đồng USD để dự trữ cho các mục đích an ninh quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng giữa một bên là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), còn bên kia là Trung Quốc, Nga và Iran.

Nga đã từ bỏ hoàn toàn đồng USD và đồng Euro trong kho dự trữ của mình để ủng hộ vàng và Nhân dân tệ. Và đây là một thông lệ bình thường – các ngân hàng trung ương giữ tiền của những quốc gia có hoạt động giao dịch tích cực nhất.

Vào cuối năm ngoái, Trung Quốc và Saudi Arabia đã tiến hành giao dịch đầu tiên bằng đồng Nhân dân tệ. Chuyên gia Roubini cho biết các quốc gia khác có thể sẽ làm theo.

Theo ông Vladimir Evstifeev, Trưởng bộ phận phân tích của ngân hàng Zenit: "Chúng ta đang nói về các giao dịch trị giá hàng chục tỷ USD, vì Saudi Arabia là nhà xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc, bao gồm cả dầu thô". Trung Quốc trước đây đã mở các dòng trao đổi thương mại bằng đồng tiền quốc gia với các nước láng giềng về địa lý, nhưng số tiền vẫn còn ở mức nhỏ.

Nga - nhà xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới đã trở thành quốc gia đầu tiên chuyển sang thực hiện các giao dịch liên quan đến năng lượng bằng đồng nội tệ quốc gia (thay vì đồng USD), với quyết định "chỉ nhận thanh toán bằng đồng Ruble trong các giao dịch dầu mỏ và khí đốt từ EU".

Và Trung Quốc đã đi theo con đường tương tự để nâng cao uy tín của đồng tiền dự trữ và nền kinh tế của mình. Với quy mô thương mại toàn cầu của Trung Quốc, những hành động này có thể gây tổn hại cho đồng USD. Càng ít giao dịch diễn ra bằng đồng USD, các quốc gia này sẽ mua càng ít USD để dự trữ và đồng USD sẽ càng suy yếu.

Cũng theo chuyên gia Vladimir Evstifeev, một số quốc gia đã chuyển sang giao dịch với Trung Quốc bằng đồng tiền Nhân dân tệ nên tỷ lệ dự trữ bằng Nhân dân tệ sẽ tăng tương ứng với cơ cấu tiền tệ trong kim ngạch ngoại thương.

Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden "băn khoăn" về ý tưởng chấp nhận đồng Nhân dân tệ trong các thỏa thuận dầu mỏ với Trung Quốc và họ không tin vào điều đó. Tuy nhiên lần này, có vẻ như họ đã nhầm.

Sau khi Phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và đóng băng 300 tỷ USD tài sản dự trữ, của nước này, Trung Quốc và các nước khác đã lo ngại về khả năng bất kỳ ai trong số họ cũng có thể rơi vào tình trạng tương tự trong thời gian tới.

Thách thức từ công nghệ mới

Sự thống trị của đồng USD đang đối mặt với thách thức đến từ các công nghệ mới, đặc biệt là vai trò ngày càng tăng của các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, hệ thống thanh toán Alipay và WaChat Pay, công cụ hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, hay hệ thống thanh toán thay thế Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT). Chuyên gia Roubini dự đoán: "Điều này có thể dẫn đến việc tạo ra một loại tiền tệ đa cực thay thế và một chế độ thanh toán quốc tế".

Còn một mối nguy khác đối với đồng USD. Ông Roubini nhớ lại tình thế tiến thoái lưỡng nan về tiền tệ Triffin. Nghịch lý Triffin là xung đột lợi ích kinh tế giữa các mục tiêu quốc tế ngắn hạn và dài hạn của các quốc gia có đồng tiền đóng vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Mỹ, với tư cách là một quốc gia cung cấp tiền tệ của mình làm dự trữ toàn cầu, có thâm hụt tài khoản vãng lai thường xuyên. Chuyên gia Roubini cho biết, điều này cuối cùng sẽ làm suy yếu vị thế của đồng USD với tư cách là một loại tiền tệ dự trữ, vì sự gia tăng của các nghĩa vụ quốc tế sẽ khiến đồng tiền trở nên không bền vững.

Như chuyên gia Vladimir Evstifeev giải thích, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tích cực tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát và tránh khủng hoảng. Điều này sẽ dẫn đến việc các nước khác, đặc biệt là các nước đang phát triển, cũng phải tăng lãi suất, ngay cả khi họ không gặp vấn đề về lạm phát, để vốn nước ngoài không bắt đầu tháo chạy khỏi đất nước.

Chuyên gia Evstifeev kết luận: "Sẽ có sự suy giảm dần của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu và dự trữ quốc tế. Chất xúc tác cho quá trình này có thể là sự phát triển của các hệ thống thanh toán thay thế và tự do hóa Nhân dân tệ, điều này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến với đồng tiền Trung Quốc.

Lý do đầu tiên liên quan đến những thay đổi dần dần là sự phát triển của hệ thống thanh toán thay thế, trong khi lý do tự do hóa đồng Nhân dân tệ có thể làm giảm đáng kể tỷ trọng của đồng USD trên thế giới".

Động lực phi đô la hóa

Jomai Gasmi, một nhà phân tích kinh tế và chính trị người Tunisia, cho biết lạm phát tăng vọt ở nước ông có liên quan chặt chẽ đến việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ.

"Nếu so sánh thời gian biểu, có thể thấy lạm phát ở Tunisia đột ngột tăng sau khi Fed tăng lãi suất".

Với đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ có thể sử dụng sức mạnh áp đảo của đồng đô la để chuyển cuộc khủng hoảng của mình sang phần còn lại của thế giới, bất kể các nhà kinh tế đã cảnh báo nhiều lần rằng việc tăng giá sẽ phá vỡ nền kinh tế thế giới và báo trước một cuộc suy thoái.

Gasmi nói rằng "thật đáng thất vọng và tức giận khi Hoa Kỳ đang xuất khẩu lạm phát vì lợi ích của chính mình và khiến thế giới phải trả giá cho điều đó".

Sức mạnh của đồng đô la cũng làm tăng gánh nặng trả nợ và làm tăng tình trạng nghèo đói ở nhiều nước đang phát triển, chẳng hạn như Lebanon, quốc gia đang bị đẩy đến bờ vực phá sản quốc gia, Gasmi nói thêm.

Adnan Bourji, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Lebanon, cho biết thật đáng tiếc khi khu vực Trung Đông, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí chiến lược, lại phải hứng chịu tình trạng lạm phát đang vượt khỏi tầm kiểm soát.

Waleed Gaballah, giáo sư về tài chính và kinh tế tại Đại học Cairo ở Ai Cập, cho biết các quốc gia như Tunisia và Ai Cập không thể không tính đến các chính sách tiền tệ của Fed khi đưa ra lựa chọn vì vị thế bá chủ của đồng đô la. Theo ông Gaballah, "không hợp lý khi ngân hàng trung ương của Ai Cập tiếp tục tăng lãi suất và tuân theo Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ."

Ông kêu gọi một cách tiếp cận "phi đô la hóa" để hạn chế việc Mỹ nới lỏng hoặc thắt chặt chính sách tiền tệ một cách vô trách nhiệm vì lợi ích của chính mình.

Để chống lại nguy cơ rơi vào bẫy tài chính, nhiều quốc gia đang bắt tay vào quá trình phi đô la hóa...

Ví dụ, Ấn Độ đang thảo luận kế hoạch với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để giải quyết các giao dịch song phương bằng đồng nội tệ của họ. Các ngân hàng trung ương của Hàn Quốc và Úc cũng đã gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ của họ thêm 5 năm đến năm 2028.

Michael Hudson, giáo sư kinh tế tại Đại học Missouri-Kansas City, lưu ý rằng việc đưa ra một hệ thống tiền tệ thay thế sẽ mất thời gian.

"Toàn bộ cấu trúc sẽ thay đổi và vẫn sẽ có nhiều quốc gia sử dụng đồng đô la. Nhưng đồng đô la sẽ giống như (tiền tệ) của các quốc gia khác. "Nó không thể chỉ phát hành nợ mà không có áp lực", Hudson nói.

Nguồn: Tổng hợp