Sơ cứu trẻ đúng cách khi bị tai nạn do vật nhọn đâm

Quang Minh
05:00 - 04/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trẻ có thể gặp các tai nạn này ở trường học, các khu vui chơi, thậm chí ngay ở nhà.

Sơ cứu trẻ đúng cách khi bị tai nạn do vật nhọn đâm - Ảnh 1.

Bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, thoát chết trong gang tấc. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội đã tiếp nhận một trường hợp bị tai nạn do vật nhọn đâm khá hi hữu. Bệnh nhi nam 10 tuổi (huyện Thạch Thất) khi đang trèo lên ghế, vô tình ngã vào một chiếc que têm trầu để ở bình vôi. Đầu que nhọn, gây ra vết thương rất sâu, gần tim, khiến bệnh nhân mất máu nhiều, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Thoát chết trong gang tấc

Các bác sĩ cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân rất nặng, tràn máu màng phổi, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo chị Đỗ Thị Năm, mẹ bệnh nhân, khi thấy con bị ngã vào que têm trầu của bình vôi gia đình hốt hoảng nên đã rút que nhọn ra. Máu chảy trong ổ bụng, người cháu trắng bệch rồi chuyển sang tím tái. Khi đó, gia đình mới đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất để cấp cứu. Do tình trạng nặng bệnh nhân được Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất chuyển lên Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Đức Thắng - Trưởng khoa Tim Mạch lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết cho biết: "Đây tai nạn rất hi hữu, bệnh nhân ngã, bị dụng cụ têm trầu đâm phải. Dụng cụ nhọn, nên đường vào rất khó để kiểm soát, khác với những vết thương khi bị đâm, hay tai nạn".

Vết thương đi từ khoảng khoang liên sườn số 6, số 7 ở vùng lưng đi xiên thẳng xuống động mạch chủ ngực. Các bác sĩ phẫu thuật đã cố gắng kẹp cầm máu và khâu cầm máu ở vị trí vết thương.

Với những vết thương bình thường cùng vị trí rất hiếm khi phải mở ngực, tuy nhiên, vết thương động mạch chủ là vết thương lớn, máu chảy nhanh, tính  mạng bị đe dọa.

Quá trình cầm máu khó khăn bởi vì động mạch chủ khâu lâu rất phức tạp, sau đó bệnh nhân đã được cầm máu và tiếp máu ngay trong mổ.

Ca phẫu thuật đã thành công, bệnh nhân về phòng hồi sức và tỉnh lại sau một ngày, đến ngày thứ 5, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn.

Lưu ý một số bước trong việc sơ cứu

Theo bác sĩ Đỗ Đức Thắng, với những trường hợp có vết thương trong cơ thể, nên để nguyên hiện trạng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu.

Không nên rút vật nhọn ra, vì có thể gây chảy máu ra ồ ạt, dẫn đến tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng hơn. Đây là một trong những sai lầm của người dân khi cấp cứu người gặp tai nạn.

Khi có vật nhọn đâm vào người tốt nhất không nên rút ra khỏi cơ thể người bệnh, chỉ nên cố định hoặc làm ngắn vật gây thương tích để dễ dàng vận chuyển tới bệnh viện.

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý một số bước trong việc sơ cứu, dùng băng gạc hoặc vải sạch để bó chặt quanh vết thương và giữ vật nhọn ở vị trí cố định.

Trong trường hợp vật nhọn đã rút ra khỏi cơ thể, người sơ cứu nên dùng băng gạc hoặc vải sạch để tạo áp lực lên vết thương, ngăn chảy máu, nếu băng thấm máu, không nên gỡ ra để thay băng khác mà đặt thêm băng gạc mới lên và tiếp tục tạo áp lực.

Gọi cấp cứu hoặc đưa người bị thương đến bệnh viện ngay lập tức. Trong khi chờ cấp cứu, nên giữ ấm cho người bị thương, không nên cho người bị thương uống hoặc ăn gì vì có thể ảnh hưởng đến việc phẫu thuật sau này.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội/Tổng hợp