Nguyên nhân ban đầu trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại Nha Trang

06:56 - 22/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tối 21/11, đã có thông báo Kết luận công tác kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh công tác thu dung, chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang.

Ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa vừa ký công văn khẩn số 4723/SYT- NVYD thông báo Kết luận công tác kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh công tác thu dung, chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang.

Báo cáo ban đầu về nguyên nhân gây bệnh trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại Nha Trang - Ảnh 1.

Tác nhân gây bệnh là Salmonella group, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh. Ảnh minh họa: IT

Trong thông báo nêu rõ: kết quả phân lập nguyên nhân ban đầu từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (cấy phân) của các bệnh viện cho thấy, tác nhân gây bệnh là Salmonella group, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh. Ghi nhận một trường hợp kháng với các kháng sinh là Gentamicin, Amikacin, Tobramicin.

Lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa tập huấn cho các đơn vị y tế trên địa bàn. Sở cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục tiếp nhận các trường hợp mới (nếu có), theo dõi, chăm sóc, điều trị các bệnh nhân theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, hiện tại đang hướng nhiều đến tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella group, nhạy cảm và kháng với kháng sinh đã đề cập ở trên.

Trước đó, sáng 21/11, Sở Y tế đã thành lập Đoàn kiểm tra tại các bệnh viện để kiểm tra công tác tiếp nhận, chấn chỉnh công tác tác thu dung, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại trường iSschool Nha Trang. Đoàn đã kiểm tra thực tế tại các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, 21-12, Quân y 87, Vinmec Nha Trang, Đa khoa Sài Gòn Nha Trang, Tâm Trí Nha Trang.

Từ tối 17/11 đến sáng 21/11, các bệnh viện của tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 648 ca học sinh trường iSchool Nha Trang nghi ngộ độc thực phẩm. Các bệnh viện hiện đang điều trị 211 ca và ghi nhận một ca tử vong.

Do phần lớn bệnh nhân đã được điều trị ổn định và cho xuất viện nên hiện tại không ghi nhận tình trạng bệnh nhân quá tải tại các cơ sở y tế trong quá trình đoàn đi kiểm tra.

Nhiều bệnh nhân được các bác sỹ cho xuất viện, tuy nhiên với tình trạng tâm lý lo lắng nên xin ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi và sẽ xuất viện trong thời gian tới. Các bệnh nhân ra viện được kết nối và theo dõi sát sau khi xuất viện để có hướng dẫn kịp thời khi cần thiết. Tính đến 15 giờ cùng ngày, tình trạng của tất cả bệnh nhân đã ổn định.

Các bệnh nhân đã được điều trị tại các cơ sở y tế đều được các nhân viên y tế theo dõi, chăm sóc điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế và xử lý tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc do ngộ độc thực phẩm.

Được biết, vi khuẩn salmonella là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn trên thế giới. Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

Vi khuẩn salmonella có thể gây ngộ độc từ nhẹ đến nghiêm trọng. Trong đó, trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch kém là nhóm rất dễ bị tổn thương khi nhiễm khuẩn này.

Nhiễm khuẩn Salmonella thường do ăn thịt sống hoặc nấu chưa chín, gia cầm, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng hoặc uống sữa chưa tiệt trùng. Thời gian ủ bệnh - khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến khi phát bệnh - có thể là từ 6 giờ đến 6 ngày. 

Các dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm khuẩn salmonella bao gồm: tiêu chảy, đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn, lớn lạnh, đau đầu, phân có máu... Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm khuẩn salmonella thường kéo dài vài ngày đến một tuần. Tiêu chảy có thể kéo dài đến 10 ngày, nhưng có thể mất vài tháng trước khi ruột trở lại thói quen đại tiện bình thường.

Nguồn: TTXVN