Sinh viên ra trường làm việc trái ngành: Nên hay không?

Lam Linh
10:05 - 15/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Học một ngành, làm một ngành luôn là vấn đề nhức nhối đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thực tế câu chuyện về làm trái ngành không còn xa lạ mà dần trở nên phổ biến và thậm chí tỉ lệ này ngày càng tăng.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành lên tới 60%. Vậy rốt cuộc có nên làm việc trái ngành hay không?

Nguyên nhân do đâu?

Lựa chọn sai ngành học là một trong những lý do cơ bản của các bạn sau khi đã "lỡ" chọn một ngành học mà không có sự tính toán kỹ lưỡng. 

Từ những năm học ở trường THPT, học sinh chưa có nhiều nhận thức, hiểu biết, thiếu định hướng từ nhà trường và gia đình dẫn đến việc không biết tương lai mình sẽ làm nghề gì, nhiều bạn tốt nghiệp xong cấp 3 rồi chọn đại cho mình một ngành học nào đó theo cảm tính hoặc chạy theo tâm lý đám đông. Hậu quả là sinh viên không hứng thú với ngành học của mình và đã nhen nhóm lên ý định về làm việc trái ngành khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Không có định hướng về công việc rõ ràng cũng là một lý do khiến các bạn trẻ sau khi ra trường cũng chưa biết "đi về đâu"...

Thực tế, nhiều sinh viên sắp ra trường vẫn mơ hồ không biết mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Tình trạng này xảy ra với cả những bạn học đúng chuyên ngành mình yêu thích. Một khi không có kế hoạch cụ thể sau khi kết thúc việc học thì sinh viên rất dễ làm trái ngành. Do không biết chính xác mình muốn làm gì nhưng cũng muốn tìm một công việc nào đấy để không còn phải phụ thuộc vào bố mẹ nên nhiều bạn sinh viên dễ dàng lựa chọn những công việc có lợi trước mắt mà bỏ quên đi những gì mình đã được học trong 4 – 5 năm đại học.

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều vị trí việc làm đòi hỏi có kinh nghiệm. Trong khi đó, đa số các nhà tuyển dụng yêu cầu người ứng tuyển vào vị trí việc làm phải có kinh nghiệm. Do đó, đối với một sinh viên mới ra trường thì không thể nào có kinh nghiệm để đáp ứng đáp ứng được điều kiện của các nhà tuyển dụng nhân sự. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều vị trí công việc như sale, nhân viên thu hồi nợ, nhân viên tư vấn bảo hiểm,... đều không yêu cầu bằng cấp và kinh nghiệm nên việc các bạn cử nhân lựa chọn làm trái ngành vì cuộc sống mưu sinh là điều dễ hiểu.

Chọn theo đuổi đam mê: có những bạn sinh viên sau vài năm học đại học mới nhận ra ngành mình đang học không phù hợp với bản thân. Sau một khoảng thời gian khám phá được đam mê, sở thích của mình, các bạn ấy quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp mơ ước thay vì phụ thuộc vào tấm bằng đại học.

Làm việc trái ngành: ưu điểm và hạn chế

Bạn học luật nhưng ra trường lại dấn thân vào con đường truyền thông – báo chí? Bạn học công nghệ thông tin nhưng sau tốt nghiệp lại làm kinh tế? Không phải ai sau khi tốt nghiệp cũng đều tìm được cho mình một công việc đúng chuyên ngành.

Làm trái ngành lấy đi của bạn những gì? Có người có khả năng thích nghi, hòa nhập tốt khi lựa chọn làm trái ngành nhưng cũng phải mất nhiều thời gian hơn người khác để tiếp xúc với những kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghiệp vụ mới mẻ. Do đó, hiệu quả làm việc trong giai đoạn bắt đầu khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Chính vì vậy, khi làm việc trái ngành đòi hỏi bạn phải nỗ lực học hỏi nhiều hơn người khác để bù đắp chuyên môn lẫn kỹ năng mà bạn đang thiếu. Không những thế, với những cá nhân trái ngành sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh so với các bạn ứng viên khác khi mà nhà tuyển dụng luôn tìm kiếm những người có năng lực chuyên môn phù hợp với công việc.

Làm trái ngành là một thử thách. Tuy nhiên không phải cứ làm trái ngành là hoàn toàn thất bại. Có những người lựa chọn làm trái ngành lại là cơ duyên khiến họ bước ra khỏi "vùng an toàn" để khám phá ra tiềm năng của bản thân. Biết đâu bạn sẽ lựa chọn được một công việc phù hợp với bản thân mình khi trải nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau như vậy? Mặt khác, khi bước chân đi làm, bạn có cơ hội va chạm với nhiều vấn đề xã hội khác, giúp bạn học hỏi thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm mà trước đây chưa từng trải qua. Vì vậy đừng nghĩ rằng làm trái ngành là lãng phí vô ích. Ngược lại đó lại là cách để bạn làm giàu vốn sống và kinh nghiệm công việc trong hành trình phát triển sự nghiệp của mình.

Sinh viên ra trường có nên làm trái ngành?

Sinh viên ra trường làm việc trái ngành: Nên hay không? - Ảnh 1.

Làm đúng ngành nghề là điều nên làm, tuy nhiên đừng quá lệ thuộc vào điều này vì không có gì là tuyệt đối. Hãy linh hoạt trong sự lựa chọn công việc cho bản thân. Bởi lẽ những người dũng cảm lựa chọn việc làm trái ngành qua quá trình đào tạo vẫn có thể đảm nhận tốt vị trí đó. "Nghề chọn người" là câu nói chúng ta vẫn thường hay bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày. 

Dù làm trái ngành hay đúng ngành bạn cũng phải luôn học tập không ngừng, trau dồi kiến thức cho bản thân. Suy cho cùng làm nghề nào thì điều quan trọng nhất là bạn luôn cảm thấy thoải mái, vui vẻ và luôn muốn đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho công việc đó.