Nâng cao kỹ năng làm tranh xé dán phong cảnh cho sinh viên ngành giáo dục mầm non
Tranh xé dán là một hình thức nghệ thuật được thể hiện bằng phương pháp xé dán trên cơ sở màu sắc vốn có của chất liệu mà người thể hiện lựa chọn cho phù hợp với ý đồ và đối tượng được thể hiện.
Nâng cao kỹ năng làm tranh xé dán phong cảnh cho sinh viên ngành giáo dục mầm non.
Tranh xé dán là một hình thức nghệ thuật được thể hiện bằng phương pháp xé dán trên cơ sở màu sắc vốn có của chất liệu mà người thể hiện lựa chọn cho phù hợp với ý đồ và đối tượng được thể hiện.
Ta có thể hiểu kỹ năng xé dán như sau: Xé thành dải, xé vụn, xé lần, xé từng nhát và dán liên kết các yếu tố tạo hình đã được xé để tạo nên những sản phẩm khác nhau theo khả năng của người thể hiện.
Đặc điểm của tranh xé dán và các loại tranh phong cảnh
Tranh xé giấy, còn gọi là tranh xé dán (collage art), một hình thức nghệ thuật thị giác từng thịnh hành, đặc biệt với những nghệ sĩ bậc thầy theo khuynh hướng hiện đại như họa sĩ Matítxơ và Picatso... Với người Nhật Bản, nghệ thuật tranh xé giấy có tên gọi là chigiri-e - một trong những môn nghệ thuật truyền thống lâu đời. "Chigiri" có nghĩa là xé giấy, "e" là tranh.
Tranh xé dán giấy được người họa sĩ thể hiện bằng cách xé các mảng giấy màu tạo hình tượng được sắp xếp liên kết với nhau nhờ keo (hồ dán) để xây dựng thành bức tranh.
Ở Việt Nam, tranh xé giấy cũng được nhiều họa sĩ sáng tác với nhiều chủ đề linh hoạt như tranh tĩnh vật, tranh sinh hoạt, tranh phong cảnh... Nghệ thuật xé dán tranh Việt Nam bắt đầu xuất hiện vào những năm 1960.
Tranh xé dán mang những vẻ đẹp riêng biệt bởi sự kết hợp màu sắc vui tươi, hài hòa, sự mềm mại tinh tế của những đường nét, hình ảnh được tạo nên bằng kỹ thuật xé giấy, bộc lội được những ý tưởng độc đáo, mới lạ luôn có khả năng khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên nhiều màu sắc và phong phú hơn và hội họa chính là một trong số đó. Đối với những bức tranh thông thường, chúng được tạo nên từ những mảng màu và vẽ bởi những cây bút. Tuy nhiên, có nhiều họa sĩ sáng tạo tranh xé dán đã khiến những người yêu nghệ thuật không khỏi bất ngờ bởi vẻ đẹp của những bức tranh được tạo hình từ giấp màu các loại và giấy từ phế liệu (báo, tạp chí, bao bì...) với phương pháp xé dán.
Để sáng tạo một bước tranh xé dán có giá trị nghệ thuật đòi hỏi người làm tranh phải có kiến thức tốt về nghệ thuật hội họa, vì tranh xé giấy là thể loại nằm giữa lằn ranh một tác phẩm nghệ thuật và một sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Do đó người họa sĩ làm tranh xé giấy phải biết đầu tư sâu hơn, kỹ hơn về kỹ thuật, cách xử lý, phối màu, bố cục, đề tài... để nâng tính nghệ thuật của thể loại tranh này. Có thể nói, cái khó của tranh xé giấy là đòi hỏi tính tỉ mỉ, khéo léo, sự đầu tư về thời gian, nhất là việc tìm ra chất liệu phù hợp và phối hợp tốt các chất liệu, màu sắc trong tranh để thể hiện được ý đồ của mình.
Đặc điểm của một số loại tranh phong cảnh
Tranh phong cảnh miền núi
Thông thường khi diễn tả lại vẽ đẹp của phong cảnh miền núi thì các hoạ sĩ thường khai thác vẻ đẹp của cảnh núi rừng và loài hoa, cảnh bản làng nhà sàn các dân tộc,… đồng thời có tô điểm thêm bằng hình ảnh rất đặc trưng của người dân tộc. Có rất nhiều tác phẩm thành công với đề tai này như: Nhà sàn, buổi sáng trên bản của Phạm Ngọc Sỹ, Buổi sáng của Nguyễn Thụ, Chiều trong.
Tranh phong cảnh miền biển
Biển vốn rất đẹp với muôn vàn bí hiểm của những con sóng, mặt nước và mây trời bao la. Đây là đề tài phong phú được nhiều họa sĩ trên thế giới và Việt Nam sáng tác. Các họa sĩ vẽ tranh phong cảnh biển thường miêu tả nét điểm hình độc của những con sóng, mặt nước, mây trời mênh mông cùng với thuyền bè tấp nập, những buổi bình minh vàng đáo rực sáng hay hoàng hôn tím trên biển là những vẽ đẹp kỳ thú trong sáng tạo nên những tác phẩm tuyệt đẹp.
Tranh phong cảnh nông thôn
Đề tài phong cảnh nông thôn được nhiều họa sĩ Việt Nam ưa thích và thể hiện rất thành công như: họa sĩ Phan Thị Hà, Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị, Phạm Viết Hồng Lam, v.v.. Tranh phong cảnh nông thôn nổi bật bởi những nét đẹp của cảnh làng quê yên bình, gần gũi và quen thuộc với những cổng làng gắn liền cây đa, giếng nước cổ kính, những ngõ xóm quanh co, những đống rơm vàng ấm áp, và với bờ ao góc vườn cùng khóm tre xanh mát.
Phong cảnh thành thị
Đây là đề tài cũng được một số họa sĩ yêu thích và sáng tát rất thành công như họa sĩ nổi tiếng Bùi Xuân Phái với hàng loạt tranh phong cảnh phố cổ Hà Nội. Tranh phong cảnh thành thị thể hiện vẻ đẹp của những con phố, công viên, và những nhà máy, v.v…
Thực trạng dạy – học làm tranh xé dán cho sinh viên khoa giáo dục mầm non
Qua quá trình giảng dạy học phần Mỹ thuật kiến thức nâng cao và nội dung xé dán tranh phong cảnh cho sinh viên ngành giáo dục Mầm non ở trường Đại học cho thấy rõ những mặt tích cực cũng như hạn chế, bất cập trong công tác dạy học như sau:
Đối với giảng viên
Về mặt tích cực: Hầu hết giảng viên trong bộ môn đều có trình độ chuyên môn sâu, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác giảng dạy. Nhiều giảng viên luôn tự học, tự trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân, cùng sự nhiệt huyết với nghề đã đem lại những giờ dạy có chất lượng tốt. Trong quá trình dạy giảng viên đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng tốt, biết lựa các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tương đối phù hợp với nội dung bài giảng và đối tượng người học.
Về mặt hạn chế: Bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn bộ lộ những hạn chế nhất định như: Giáo viên chưa phát huy được hết tác dụng, vai trò của công nghệ thông tin trong dạy học. Còn ít chú trọng đến việc đổi mới, sáng tạo các PH và cách thức tổ chức dạy học. Khi dạy các giờ thực hành làm tranh xé dán giáo viên đôi khi còn chưa thực sự chú trọng đến việc nâng cao kỹ năng, kỹ thuật làm tranh cho sinh viên dẫn đến chất lượng học tập không đồng đều.
Thực trạng về học tập làm tranh xé dán của sinh viên
Về mặt tích cực: Nhìn chung sinh viên ngành giáo dục Mầm non đã xác định nghề mình đã lựa chọn và có tinh thần học tập tốt. Ngoài giờ học trên lớp sinh viên đã thực hiện tương đối nghiêm túc các giờ tự học, biết chủ động nghiêm cứa tài liệu tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hoàn thành bài tập. Đã có những sinh viên sáng tạo được những bức tranh xé dán giấy có chất lượng tốt.
Về mặt hạn chế: Một bộ phận sinh viên ý thức, tinh thần học tập chưa cao, chưa thực sự chú ý đến việc rèn luyện, phát triển các kỹ năng thực hành và khả năng sáng tạo. Sinh viên còn có hiện tượng sao chép sản phẩm tranh của người khác thành của mình. Sự sáng tạo của sinh viên còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào việc hướng dẫn, chỉnh sửa của giáo viên. Sản phẩm của sinh viên khi làm ra chủ yếu chỉ thể hiện được kỹ năng ở mức khá và trung bình, có số ít sinh viên đạt kỹ năng tốt.
Chính vì những thực trạng còn tồn tại trên dẫn đến kết quả dạy học của các giảng viên và sinh viên còn hạn chế nhất định, chất lượng chưa đồng đều.
Một số biện pháp nâng cao kỹ năng làm tranh xé dán cho sinh viên giáo dục mầm non
Giảng viên cần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học
Trong học phần Mỹ thuật kiến thức nâng cao có các nội dung làm tranh xé dán khác nhau là: Xé dán tranh tĩnh vật và Xé dán tranh phong cảnh... Các thể loại tranh này mang những đặc điểm riêng đòi hỏi giảng viên cần thiết kế giáo án có chất lượng và vận dụng, đổi mới các phương pháp và cách thức tổ chức dạy học linh hoạt, sáng tạo hơn, phù hợp với nội dung bài dạy và đối tượng sinh viên mầm non.
Giảng viên cần tích cực thiết kế giáo án điện tử, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong dạy học tạo hình nói chung và dạy nội dung làm tranh xé dán phong cảnh là rất cần thiết đối với mỗi giáo viên hiện nay. Dạy bằng công nghệ thông tin sẽ giúp giáo viên dễ đổi mới được PH dạy học và thay đổ cách tổ chức dạy học, cách truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Vì bài giảng điện tử giúp giáo viên truyền tải nội dung bài giảng ngắn gọn, rõ ràng, chính xác giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nắm bắt kiến thức. Bài giảng điện tử thuận tiện cho việc chuẩn bị, thu thập tài liệu tham khảo, hình minh họa đảm bảo số lượng cần thiết, đa dạng về nội dung, hình thức, khi trình bày thì dễ dàng và hấp dẫn người học hơn.
Trong các giờ dạy lý thuyết
Giảng viên nên giảm bớt phương pháp thuyết trình mà cần chú trọng, tăng cường sử dụng phương pháp mang tính đặc thù của môn học như phương pháp trực quan, phương pháp thảo luận, vấn đáp, đàm thoại, gợi mở, v.v..
Đối với phương pháp trực quan, giáo viên cần lựa chọn chuẩn bị các mẫu tranh xé dán phải đẹp, phù hợp, đang dạng về nội dung và hình thức thể hiện. Khi giảng dạy giáo viên cần khai thác đồ dùng có hiệu quả, ngoài việc sử dụng những đồ dùng trực quan chuẩn bị sẵn thì giáo viên cần tích cực minh họa trực tiếp kết hợp nhuần nhuyễn với lời giảng để bài dạy thêm hấp dẫn, sinh viên dễ tiếp thu kiến thức. Phương pháp trực qua được kết hợp linh hoạt với các phương pháp thảo luận, vấn đáp, đàm thoại, gợi mở giúp sinh viên được tương tác, trao đổi và chủ động tiếp thu kiến thức và tìm tòi, sáng tạo trong quá trình học tập.
Trong các giờ hướng dẫn sinh viên làm bài tập (thực hành)
Giáo viên cần tổ chức và quản lý tốt các giờ thực hành, bao quát lớp học, giám sát, hướng dẫn sinh viên làm bài tránh tình trạng giáo viên buông lỏng giờ thực hành mà cần kịp thời tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên thực hiện khi sinh viên gặp khó khăn. Không nên để sinh viên quá tự do dẫn đến việc lười học, không chịu tìm tòi, sáng tạo mà chỉ mong sao chép (copy) sản phẩm của người khác, ảnh hưởng tới chất lượng giờ học và quá trình rèn luyện kỹ năng. Vì vậy, việc giáo viên thường xuyên giám sát giờ học, cùng với sự giúp đỡ kịp thời, phù hợp sẽ giúp cho sinh viên luôn có ý thức tích cực học tập, sáng tạo và rèn luyện kỹ năng ngày càng tiến bộ hơn.
Giảng viên cần đổi mới, vận dụng linh hoạt, đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động các giờ thực hành cho sinh viên như: hoạt động theo nhóm kết hợp chung cả lớp và hoạt động cá nhân... không nên chỉ tổ chức hoạt động cá nhân khi làm bài thực hành. Việc hoạt động nhóm giúp sinh viên có cơ hội bàn bạc, thảo luận bày tỏ quan điểm của mình, cùng nhau giải quyết các yêu cầu của bài tập thực hành, có thể đưa ra nhiều ý tưởng mới, độc đáo. SV chủ động trong việc lựa chọn nội dung phong cảnh để làm tranh, xây dựng bố cục tranh, lựa chọn và sắp xếp màu sắc, thể hiện kỹ năng xé, dán, v.v..
Tư vấn, hướng dẫn và giám sát sinh viên thực hiện tốt giờ tự học
Vấn đề tự học, tự nghiên cứu để lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng là rất cần thiết đối với sinh viên các trường Đại học nói chung và đối với sinh viên ngành giáo dục Mầm non nói riêng. Khi học tập nội dung xé dán tranh phong cảnh sinh viên cần xây dựng cho mình kế hoạch tự học, tự nghiêm cứu hợp lý và khoa học thì mới có kết quả học tập tốt.
Việc tự học, tự nghiên cứu làm bài tập sẽ giúp sinh viên chủ động tìm tòi, sáng tạo thỏa niềm đam mê mà không phụ thuộc nhiều vào sự hướng dẫn của giáo viên. Sinh viên có thể tự học bằng nhiều cách như đi ký họa những phong cảnh đẹp để lấy tài liệu hoặc thông qua việc tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu tài liệu (tranh, ảnh) trên giáo trình, tạp chí, internet vv. Đây là điều kiện, là cơ sở rất quan trọng giúp cho sinh viên sáng tạo thành công những bức tranh phong cảnh có chất lượng. Trong quá trình tự học sinh viên sẽ có đủ thời gian để thử nghiệm thay đổi cách làm và rèn luyện nâng cao kỹ năng, kỹ thuật xé dán, qua đó sinh viên sẽ sáng tạo ra những bức tranh mang phong cách và nét đẹp riêng biệt.
Nhiệm vụ của giáo viên là giao bài tập cho sinh viên thực hiện các giờ tự học trong chương trình và theo dõi, kiểm tra sát sao về ý thức học tập, về tiến độ hoàn thành và chất lượng bài tự học của sinh viên. Qua đó giáo viên có biện pháp kịp thời hướng dẫn và yêu cầu sinh viên tích cực học tập, rèn luyện tốt kỹ năng, hoàn thành bài tập có chất lượng tốt và đúng thời gian quy định.
Cần chú trọng hơn trong việc nhận xét - đánh giá kết quả học tập của sinh viên
Giảng viên quan tâm hơn tới vấn đề kiểm tra đánh giá kết quả học của sinh viên, nó cũng có tác dụng đáng kể đối với ý thức học tập và rèn luyện kỹ năng xé dán tranh phong cảnh cho sinh viên. Vì vậy, sau mỗi giờ học, mỗi bài tập thực thực hành giáo viên cần tổ chức nhận xét, đánh giá giờ học và kết quả sản phẩm của sinh viên dựa trên các yêu cầu đặt ra của bài bài tập đó như: Cách sắp xếp bố cục hình mảng chính, hình mảng phụ, khả năng lựa chọn sử dụng chất liệu, phối hợp màu sắc; khả năng vận dụng kỹ thuật xé thành thạo, hiệu quả và tính sáng tạo trong tranh. Giáo viên luôn chú trọng nhận xét đề cập việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng thể hiện cho sinh viên.
Trước hết giáo viên tổ chức cho sinh viên tự nhận xét về sản phẩm của mình và sản phẩm của bạn để sinh viên chủ động tìm ra những ưu điểm, nhược điểm từ đó rút ra bài học cho bản thân và có biện pháp rèn luyện nâng cao kỹ năng thể hiện tốt hơn. Sau khi sinh viên tự nhận xét xong thì giáo viên tiến hành tổng hợp các ý kiến của sinh viên để phân tích, nhận xét bổ sung, nhấn mạnh vào yêu cầu về kỹ năng thể hiện và cuối cùng đánh giá phân loại kết quả học tập thật công bằng, khách quan. Đặc biệt giáo viên cần phát hiện để nhận xét và đánh giá nghiêm khắc đối với những sinh viên chưa có ý thức chăm chỉ học tập, có thái độ gian lận và các bài tập sinh viên sao chép (copy) của người khác mà không chịu tìm tòi, sáng tạo. Đồng thời động viên khích lệ những sinh viên có tinh thần, ý thức học tập và có kết quả bài tập tốt. Như vậy sẽ tạo thêm động lực cho sinh viên phấn đấu, chăm chỉ học tập nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.
Kết luận
Nâng cao chất lượng dạy - học là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi giáo viên, sinh viên trong công tác đào tạo hiện nay. Việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên luôn được thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc để đem lại những kết quả tốt nhất. Giảng viên trong quá trình dạy học phải tìm cách đổi mới, vận dụng sáng tạo các phương pháp dạy học, tìm ra các biện phát để rèn luyện, phát triển kỹ năng cho sinh viên. Sinh viên cần ý thức được nhiệm vụ học tập rèn luyện, trau dồi kiến thức, thấy rõ vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của nghệ thuật tạo hình đối với việc chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường Mầm non. Đây là cơ sở để mỗi sinh viên chủ động học tập, rèn luyện phát triển kỹ năng làm tranh phong cảnh cũng như các kỹ năng khác cho bản thân sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực giáo dục chất lượng cho các cơ sở trường Mầm non sau này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google