Sập bẫy lừa đảo kinh doanh tiền ảo trên Zalo, một người ở Vĩnh Phúc mất 16 tỉ đồng

Trang Linh
18:12 - 12/07/2024
Công dân & Khuyến học trên

Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự truy tố một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản 16 tỉ đồng thông qua hình thức lừa đảo đầu tư kinh doanh.

Sập bẫy lừa đảo kinh doanh tiền ảo trên Zalo, một người ở Vĩnh Phúc mất 16 tỉ đồng- Ảnh 1.

Người dân cần nâng cao cảnh giác tránh sập bẫy lừa đảo kinh doanh tiền ảo trên các trang mạng xã hội.

Sập bẫy lừa đảo kinh doanh tiền ảo mất 16 tỉ đồng

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố đối tượng Nguyễn Hồ Sơn Hổ (sinh năm 1990 trú huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của chị N.H.A (sinh năm 1974, trú tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc), nạn nhân này bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 16 tỉ đồng từ năm 2020-2022.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nạn nhân bị lừa đảo thông qua việc góp vốn để đầu tư, kinh doanh tiền điện tử, chứng khoán. Một số đối tượng đã sử dụng các tài khoản Zalo giả danh là nhân viên kỹ thuật hoặc quản lý của các sàn giao dịch tiền điện tử trên không gian mạng có chi nhánh tại Việt Nam để tham gia vào các hội nhóm đầu tư tiền ảo, tiền điện tử trên Zalo.

Các đối tượng tiến hành thu thập thông tin của các thành viên, kết bạn, trò chuyện riêng với những người trong nhóm chat/tài khoản cá nhân, để biết ai là người có điều kiện, tiền nhàn rỗi, thích đầu tư tiền ảo, tiền điện tử và sau đó lôi kéo, hứa hẹn, đưa ra các hình thức đầu tư với lãi suất cao.

Sập bẫy lừa đảo kinh doanh tiền ảo trên Zalo, một người ở Vĩnh Phúc mất 16 tỉ đồng- Ảnh 2.

Đối tượng Nguyễn Hồ Sơn Hổ bị khởi tố làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Công an tỉnh Vĩnh Phúc

Với hình thức đầu tư vào hệ thống sàn giao dịch tiền điện tử, nạn nhân sẽ phải chi các khoản đầu tư vào hệ thống, đối tượng lừa đảo sau khi nhận được sẽ cắt ngay tiền chiết khấu cho nhà đầu tư là 5%, sau đó tùy theo hạn mức sẽ được nâng lên 7%, 10%… cam kết sẽ được trả lãi 5%/1 tuần.

Với hình thức đầu tư vào khoản đánh nhanh trên sàn giao dịch tiền điện tử, nạn nhân phải đầu tư trực tiếp cho đối tượng là người làm kỹ thuật trên sàn, nên có thể làm các thuật toán để kiếm lợi nhuận cao. Hình thức đầu tư nhanh thực hiện trong khoảng thời gian 1 tuần với mức lãi suất cam kết 15%-25%.

Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, các đối tượng lừa đảo làm giả hình ảnh giấy tờ chứng minh thư nhân dân gửi cho nhà đầu tư xem và giới thiệu bản thân từng tốt nghiệp tại trường đại học danh tiếng, có liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, tự nhận đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tiền điện tử, tỉ lệ phần thắng đến 90%.

Khi nhà đầu tư tham gia, đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng chính số tiền của người tham gia chuyển đến để trả tiền lãi đầu tư trong thời gian 2 đến 3 tuần đầu tiên lấy niềm tin, thấy kiếm tiền dễ dàng và tiếp tục gửi thêm các khoản tiền lớn hơn để đầu tư.

Sau khi nhà đầu tư đã gửi một số lượng tiền lớn thì đối tượng sẽ lấy nhiều lý do như lỗi sàn nên chưa rút được tiền và cần thêm tiền để khắc phục lỗi tại sàn giao dịch… mục đích để nhà đầu tư tiếp tục chuyển tiền cho đối tượng. Đến khi nhà đầu tư không còn tiền để chuyển nữa thì đối tượng sẽ ngắt kết nối.

Cẩn trọng với hành vi kêu gọi đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản

Một số phương pháp nhận diện đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi đầu tư tiền ảo, ngoại hối, chứng khoán như sau:

1. Các đối tượng thường sử dụng các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram ảo, thông tin cá nhân không rõ ràng, tài khoản mạng xã hội mới đưa vào sử dụng, đăng ký tài khoản mạng xã hội bằng các số điện thoại “rác”.

2. Các ứng dụng sàn giao dịch trên nền tảng di động do đối tượng cung cấp không có trên hệ thống CHPLAY và APPSTORE.

3. Đưa ra các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng.

Tránh sập bẫy lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi đầu tư:

Thứ nhất, bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ quá nhiều thông tin trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến.

Thứ hai, kiểm tra thông tin sàn giao dịch, có đủ thông tin chi tiết về sàn giao dịch qua kiểm tra, đánh giá của các chuyên gia bảo mật.

Thư ba, nâng cao kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội, kiến thức về đầu tư tài chính. Tìm hiểu rõ về cách hoạt động của thị trường và các rủi ro liên quan. Tìm hiểu về các công ty, nhà môi giới đáng tin cậy và luôn tìm lời khuyên từ chuyên gia tài chính trước khi tham gia bất kỳ giao dịch nào.

Thứ tư, khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.

Bình luận của bạn

Bình luận