Sách giáo khoa Lịch sử không "tô hồng" lịch sử dân tộc - Bài 1: Sử sách không thể giấu giếm điều gì?

Đắc Quang
16:47 - 27/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Giá trị của môn học Lịch sử luôn được khẳng định và đề cao. Với tư cách là hình thức chuyên chở bài học lịch sử đến với học sinh, những người trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước, nội dung chứa đựng trong sách giáo khoa môn Lịch sử cũng luôn được cả xã hội quan tâm.

Sách giáo khoa Lịch sử không "tô hồng" lịch sử dân tộc - Bài 1: Sử sách không thể giấu giếm điều gì?- Ảnh 1.

Nội dung chứa đựng trong sách giáo khoa môn Lịch sử cũng luôn được cả xã hội quan tâm.

Trong những năm qua, sách giáo khoa Lịch sử đã làm tốt vai trò đồng hành cùng giáo viên trong việc cung cấp cho học sinh những kiến thức, ý nghĩa, giá trị của các sự kiện lịch sử trong nước và thế giới, giúp học sinh hiểu rõ hơn phẩm chất, nhân cách con người Việt Nam, góp phần nâng cao nền tảng kiến thức, văn hóa học sinh, bồi dưỡng tình yêu, niềm tự hào về quá khứ oanh liệt của dân tộc và liên hệ với những giá trị của ngày hôm nay.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nội dung trong sách giáo khoa Lịch sử lại không đề cập nhiều đến vấn đề khác của lịch sử dân tộc, cả điểm sáng lẫn góc khuất, dẫn đến lịch sử trong sách giáo khoa phổ thông là lịch sử một chiều.

Ở loạt bài viết "Sách giáo khoa Lịch sử không "tô hồng" lịch sử dân tộc", Tạp chí Công dân và Khuyến học tập hợp ý kiến các chuyên gia, người giảng dạy lịch sử và người học, đam mê nghiên cứu lịch sử nhằm làm rõ quan của nhận định trên với sách giáo khoa môn Lịch sử.

Kiến thức trong sách giáo khoa Lịch sử sử dụng trong trường phổ thông hiện này có đi ngược lại tinh thần định hướng giáo dục mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng và Nhà nước ta đặt ra trong môn học đặc biệt này hay không? 

Sách giáo khoa – chuẩn mực của chương trình giáo dục

Điều 31 và điều 32 của Luật Giáo dục 2019 quy định về chương trình giáo dục và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, sách giáo khoa nói chung, sách giáo khoa lịch sử nói riêng phải cụ thể hóa và thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục. 

Mà mục tiêu cuối cùng của chương trình là đóng góp tích cực vào việc bảo vệ, xây dựng và sự phát triển của đất nước. Do đó, nội dung trong sách giáo khoa cũng cần được chọn lọc để hướng tới mục tiêu này.

Cũng theo quy định của điều 32, Luật Giáo dục 2019, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Lịch sử do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa.

Hội đồng gồm nhà giáo chuyên về lịch sử, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục lịch sử và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có ý kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

Qua các khâu sàng lọc rất kỹ như vậy, bộ sách giáo khoa lịch sử mới được ra đời, là công cụ giảng dạy, chứa đựng kiến thức lịch sử truyền tải đến học sinh. Sách giáo khoa môn Lịch sử là tài liệu chính thống mà học sinh dựa vào đó để trang bị kiến thức lịch sử cho bản thân.

Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám, giảng viên khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, người tham gia viết sách giáo khoa môn Lịch sử và Địa lý cho biết: "Khi tìm hiểu lịch sử, có hiện tượng dã sử. Đó là những ghi chép trong dân gian. 

Ở đó, có những câu chuyện, sự kiện, chi tiết không được phản ánh trong các nguồn học liệu chính thống. Không ít thông tin dã sử rất khác thậm chí gây bất ngờ về những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử và nhiều người lại rất tò mò, hứng thú với những nội dung đó.

Song, dã sử không được kiểm chứng và rất khó kiểm chứng. Học sinh cần tìm về với những nguồn sử liệu chính thống như sách giáo khoa, có căn cứ để hiểu, xác minh và không bị có cái nhìn lệch lạc, tiêu cực hoặc quá tô hồng lịch sử".

Sách giáo khoa Lịch sử không "tô hồng" lịch sử dân tộc - Bài 1: Sử sách không thể giấu giếm điều gì?- Ảnh 3.

Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám, giảng viên khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Sách giáo khoa Lịch sử - bức tranh toàn cảnh tả thực khách quan, toàn diện

Để giúp học sinh có cái nhìn toàn diện, xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, sách giáo khoa môn Lịch sử cũng phải hàm chứa nội dung khách quan, logic, khoa học. Điều đó được khẳng định khi tìm hiểu kỹ lưỡng các sự kiện, phân tích trong sách giáo khoa của môn học này.

Là người tâm huyết với việc truyền dạy kiến thức lịch sử, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: "Chương trình môn lịch sử của bậc phổ thông không hề giấu diếm điều gì của lịch sử dân tộc.

Sách giáo khoa Lịch sử không "tô hồng" lịch sử dân tộc - Bài 1: Sử sách không thể giấu giếm điều gì?- Ảnh 4.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Đắc Quang

Câu chuyện đất nước từ thuở dựng nước thời Văn Lang - Âu Lạc ra sao, những thăng trầm trong dọc dài lịch sử như thế nào, những góc khuất của các vua chúa ăn chơi, sa đọa, những đóng góp và yếu kém của các triều đại ra sao, sự phân chia quyền lực, nhân dân phẫn nộ lầm than qua từng triều đại như nào… đều được nêu rõ trong các cuốn sách giáo khoa môn Lịch sử.

Đặc biệt, các giai đoạn lịch sử khi Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân chống giặc rồi xây dựng đất nước đều được phản ánh với những chiến thắng và cả những thất bại, sai lầm của cá nhân. Để rồi toàn dân ta phải bước vào những cách mạng, đổi mới đất nước".

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bảo, những chiến công của cha ông ta là có thực mà mỗi người dân luôn tự hào. Điều này cần phải làm rõ và làm đúng. Cả những sai lầm, hạn chế trong sách giáo khoa Lịch sử cũng được nêu ra để làm bài học cho hiện tại.

"Thế hệ trẻ sau khi học lịch sử để thêm tự hào về lịch sử dân tộc và mang khí thế ấy, bài học ấy trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay", nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh.

Thực tế, những nội dung trên đều được thể hiện rõ trong bộ sách giáo khoa môn Lịch sử của các chương trình giáo dục phổ thông đã và đang được áp dụng. Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, còn được cải thiện tốt hơn, hướng đến mục tiêu của chương trình này.

Nhà giáo Lê Đình Hiển – giáo viên môn Lịch sử, Trường Liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa cho cho rằng, Chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) so với chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử (Chương trình giáo dục phổ thông 2006) có nhiều điểm mới tiến bộ hơn.

Sách giáo khoa Lịch sử không "tô hồng" lịch sử dân tộc - Bài 1: Sử sách không thể giấu giếm điều gì?- Ảnh 5.

Nhà giáo Lê Đình Hiển – giáo viên môn Lịch sử, Trường Liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa. Ảnh: NVCC

Thứ nhất, quan điểm xây dựng chương trình có sự thay đổi theo hướng mới, hiện đại, tiếp cận thành tựu giáo dục thế giới. Chuyển từ mục tiêu tiếp cận kiến thức sang mục tiêu phát triển năng lực chuyên môn.

Thứ hai, thay đổi lớn về cấu trúc nội dung chương trình. Sách giáo khoa chương trình mới tiếp cận các vấn đề lịch sử theo chủ đề, chuyên đề, sắp xếp khoa học theo từng lĩnh vực cụ thể, toàn diện hơn so với chương trình, sách giáo khoa 2006. Mô hình tiếp cận kiến thức theo hướng trình bày lịch sử thế giới, khu vực, Việt Nam và địa phương. 

Đặc biệt, chương trình, sách giáo khoa mới có đề cập đến nhiều vấn đề mà chương trình, sách giáo khoa cũ không có, không đề cập như chiến tranh biên giới, chủ quyền biển, đảo.

Thứ ba, thay đổi về nội dung vấn đề, phương pháp, cách thức trình bày bài, chủ đề, nội dung, số liệu, tranh ảnh minh họa... trong sách giáo khoa mới môn Lịch sử đều đẹp hơn, rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn. Thứ tư, thay đổi về phương pháp kiểm tra, đánh giá.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám, với chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa Lịch sử được biên soạn theo hướng tiếp cận dần với những thành tựu mới nhất của khoa học lịch sử. Bên cạnh lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử ở góc độ chính trị, còn là lịch sử kinh tế, văn hóa và các nền văn minh.

"Ở chương trình mới đã vận dụng tư duy tích hợp liên môn và tư duy liên ngành vào môn Lịch sử và các môn học khác có vận dụng kiến thức Lịch sử.

Điều này có nghĩa rằng, học sinh sẽ có cái nhìn lịch sử nằm trong mối quan hệ đa chiều ở nhiều bối cảnh, lĩnh vực trong sự tác động qua lại lẫn nhau. Khi đó, cái nhìn về sự kiện, nhân vật và về lịch sử sẽ mang tính tổng thể, khái quát, khách quan, công bằng hơn", Tiến sĩ Nguyễn Phùng Tám nhấn mạnh.

Như vậy, sách giáo khoa, trong đó có sách giáo khoa môn Lịch sử là sự thể hiện của chương trình giáo dục với mục tiêu cuối cùng là mỗi người học sẽ góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước. Đây là tài liệu chính thống, đã được trải qua quá trình thẩm định công phu, bài bản, khoa học để học sinh tìm hiểu, học tập.

Nội dung trong sách giáo khoa không chỉ bàn về những chiến công hiển hách, những thời kỳ lịch sử huy hoàng của dân tộc Việt Nam, mà còn phản ánh thẳng thắn cả những trận thua, những tổn thất, sai lầm của các triều đại lịch sử, của Đảng ta trong quá trình giành, giữ và kiến thiết đất nước.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa môn Lịch sử đã khai thác nhiều khía cạnh hơn của lịch sử dân tộc, giúp người học có cái nhìn toàn diện hơn về quá khứ của đất nước mình được sinh ra. 

Điều đó cho thấy, tinh thần của sách giáo khoa Lịch sử trước nay chưa bao giờ tô hồng hay khiến học sinh có cái nhìn phiến diện về lịch sử dân tộc.

Không chỉ là công cụ chuyên chở những thông tin, kiến thức lịch sử, sách giáo khoa môn Lịch sử còn có sứ mệnh góp phần hun đúc, xây dựng tình yêu quê hương, đất nước đối với mỗi học sinh. Để từ tình yêu, sẽ tự nảy sinh ý thức trách nhiệm, lý tưởng sống cống hiến. Và khi đó, mỗi người sẽ biết làm gì để đắp xây Tổ quốc thêm giàu đẹp, văn minh.

Mục a, khoản 1, điều 32 nêu "Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục…"

Mục tiêu của giáo dục phổ thông năm 2006 là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân. Đồng thời, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Còn mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.