Rủi ro thiên tai ở nước ta được phân chia thành các cấp độ như thế nào?
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia mới đây đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đạt cấp 4; Quảng Nam đạt cấp 3. Cảnh báo này cho thấy đây là rủi ro thiên tai rất lớn, nguy cơ xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên diện rộng.
Rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét tại khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đạt cấp 4
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết từ chiều ngày 14/10 đến ngày 16/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm, riêng khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-500mm, có nơi trên 800mm; ở khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Ngoài ra, ở khu vực phía Nam Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 80mm; khu vực Nam Trung Bộ, các nơi khác ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Trung tâm này cảnh báo: Giai đoạn từ đêm 16-17/10 mưa có xu hướng mở rộng lên phía Bắc; khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định có mưa lớn 100-300mm, có nơi trên 500mm. Sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn ở các tỉnh miền Trung, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng cấp 4; Quảng Nam: cấp 3; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi: cấp 2; Hà Tĩnh, Bình Định: cấp 1.
Việc đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét đạt cấp 4 ở khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng cho thấy đây là rủi ro thiên tai rất lớn, nguy cơ xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên diện rộng theo quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai ở nước ta.
Các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin ở nước ta
Rủi ro thiên tai được phân cấp căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.
Theo quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, các loại thiên tai ở nước ta được dự báo, cảnh báo và truyền tin bao gồm:
- Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực vùng biển phía Tây kinh tuyến 120° Đông, phía Bắc vĩ tuyến 05° Bắc và phía Nam vĩ tuyến 23° Bắc (Biển Đông) và trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khu vực biển Đông, nhưng có khả năng di chuyển vào khu vực Biển Đông trong khoảng 24 đến 48 giờ tới.
- Mưa lớn xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; lũ trên các sông thuộc lãnh thổ Việt Nam và các sông liên quốc gia liên quan; ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam.
- Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán trên lãnh thổ Việt Nam.
- Gió mạnh trên Biển Đông; sương mù trên Biển Đông và trên đất liền Việt Nam.
- Nước dâng trên vùng biển ven bờ và đảo của Việt Nam.
- Lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối trên lãnh thổ Việt Nam.
- Cháy rừng do tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam.
- Động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam.
- Động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.
- Sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.
5 cấp độ rủi ro thiên tai ở nước ta
Căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai để xác định cấp độ rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó, cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai.
Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng trên các loại bản đồ, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai:
Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro thấp;
Cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình;
Cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn;
Cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn;
Cấp 5 màu tím là rủi ro ở mức thảm họa.
Trong đó, rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được phân thành 3 cấp (từ cấp 3 đến cấp 5); rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá được phân thành 2 cấp (cấp 1 và cấp 2); rủi ro thiên tai do mưa lớn được phân thành 4 cấp (từ cấp 1 đến cấp 4);...
Cấp độ rủi ro của hai hay nhiều thiên tai xảy ra đồng thời hoặc liên tiếp, có thể điều chỉnh tăng lên 1 cấp dựa trên tác động của thiên tai; trong trường hợp có nguy cơ xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cấp độ rủi ro có thể được xem xét tăng lên hai cấp, cao nhất là cấp 5.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, mưa lớn đã gây thiệt hại, ngập úng như sau:
1 người mất tích tại Hà Tĩnh do nước cuốn trôi (cháu Thái Phong Vũ, sinh năm 2010, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên).
471 nhà bị ngập (Quảng Trị 17 nhà, Đà Nẵng 419 nhà, Huế 35 nhà).
2.466 người dân phải sơ tán (Quảng Bình: 8 người, Huế: 142 người, Đà Nẵng 2.316 người) do ảnh hưởng ngập lụt, sạt lở đất.
Mưa lớn cũng đã làm hàng trăm nghìn học sinh nghỉ học từ chiều 13/10: Đà Nẵng nghỉ toàn phố; Huế 578 điểm trường/270.325 học sinh; Quảng Trị 1.600 học sinh tại huyện Hải Lăng...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google