Mưa lớn, các tỉnh miền Trung cho học sinh nghỉ học từ chiều 13/10, sẵn sàng sơ tán dân

Minh Châu
18:45 - 13/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn tại miền Trung, nhiều tỉnh thành đã cho học sinh nghỉ học, triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và sẵn sàng sơ tán dân.

Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cho học sinh nghỉ học từ chiều 13/10, sẵn sàng sơ tán dân do mưa lớn

Tại thành phố Đà Nẵng, trưa 13/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã ban hành công điện đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tập trung ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt.

Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện… trên địa bàn thành phố theo dõi diễn biến của thời tiết, mưa lũ trong ngày hôm nay và các ngày tiếp theo để chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, trẻ mầm non,…nghỉ học để bảo đảm an toàn, nhất là các vùng trũng thấp, ngập lũ, nguy cơ sạt lở đất, đá.

Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã có công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học thông báo cho học sinh, học viên trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học không học bán trú trên toàn thành phố nghỉ học chiều ngày 13/10 do một số đoạn đường ngập sâu, đi lại nguy hiểm.

Riêng đối với các trường có học bán trú, trẻ mầm non và học sinh vẫn học buổi chiều, nhà trường chủ động sắp xếp thời gian, thông báo phụ huynh đón con vào cuối buổi học chiều nay bảo đảm an toàn.

Các đơn vị trường học nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo địa phương về công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt; thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến tình hình mưa lớn hiện nay; giữ liên lạc qua nhiều kênh thông tin để chủ động ứng phó an toàn, giảm nhiều thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Trong trường hợp diễn biến tình hình thời tiết còn phức tạp, kéo dài, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng sẽ có thông báo khẩn tiếp theo cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học để bảo đảm an toàn cho học sinh.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, do tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nước các sông suối dâng cao, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông báo tất cả các trường học trên toàn tỉnh nghỉ học từ chiều 13/10 để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

Trước đó, do mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập lụt cục bộ, sáng 13/10, nhiều trường học phải cho học sinh nghỉ học.

Tại huyện Phong Điền, mưa lớn kéo dài đang khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư tại một số xã trên địa bàn bị ngập lụt cục bộ.

Mưa lớn, các tỉnh miền Trung cho học sinh nghỉ học từ chiều 13/10, sẵn sàng sơ tán dân - Ảnh 1.

Huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo người dân không qua lại khu vực ngập sâu. Ảnh: VOV

Để đảm bảo an toàn, có 13/60 trường ở các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Hiền, Phong Chương… đã cho học sinh nghỉ học từ sáng 13/10, như: Trường mầm non Phong Hòa I, Trường mầm non Phong Hòa II, Trường mầm non Phong Bình I, Trường mầm non Phong Bình II, Trường mầm non Phong Hiền II, Trường Tiểu học Phong Bình, Trường Trung học phổ thông Trần Văn Kỷ...

Tùy vào tình hình diễn biến mưa lũ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có thông báo tiếp theo.

Hà Tĩnh, Quảng Trị khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn

Tại tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa, lũ theo phương châm "4 tại chỗ" nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền đầy đủ thông tin mưa lũ đến các địa phương, đơn vị và người dân được biết đồng thời phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Đồng thời kiểm tra, rà soát tất cả các vị trí có nguy cơ cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh. Tổ chức rà soát các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn. Chủ động lực lượng, phương tiện di dời các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu để đề phòng mưa, lũ gây ngập lụt chia cắt kéo dài.

Triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc; cử người trực và hướng dẫn tại các khu vực xung yếu, như: ngầm qua suối, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc... nghiêm cấm vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực lũ lụt để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn. Căn cứ tình hình mưa lũ xảy ra trên địa bàn, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn (trong trường hợp cần thiết).

Hướng dẫn người dân triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, cây ăn quả, các lồng bè và diện tích nuôi trồng thủy hải sản đã đến kỳ thu hoạch, nhất là khu vực có nguy cơ bị ngập sâu; chủ động khơi thông các trục tiêu để tiêu thoát nước đệm phòng, chống ngập úng, bảo vệ sản xuất. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm, xung yếu sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn kéo dài đã làm ngập một số ngầm tràn tại huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị gây chia cắt giao thông tạm thời ở một số xã như Ba Lòng, Tà Rụt, A Ngo... Tuyến đường tuần tra biên giới ở thôn Sa Trầm, xã Ba Nang đi thôn Pa Lin, xã A Vao, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị sạt lở...

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, trường học, theo dõi sát diễn biến thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, khu vực qua các ngầm, tràn, khu vực nước chảy xiết, vùng ngập lụt cục bộ, chú ý bảo đảm an toàn tính mạng cho học sinh và giáo viên. Tùy vào diễn biến mưa lũ và điều kiện thực tế tại cơ sở, Thủ trưởng các đơn vị cho học sinh nghỉ học trong trường hợp không bảo đảm an toàn.

Mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Ngày hôm nay (13/10), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to; lượng mưa tính từ 7h đến 15h ngày 13/10 có nơi trên 150mm như: Kỳ Sơn (Hà Tĩnh) 214.2mm, Đồng Tâm (Quảng Bình) 153mm, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) 316.4mm, Sơn Trà (Đà Nẵng) 173.6mm,…

Từ chiều tối ngày 13-15/10, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, có nơi trên 500mm, riêng khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng 300-400mm, có nơi trên 700mm; ở khu vực Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 200mm.

Ngoài ra, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 60mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).

Trung tâm này cảnh báo giai đoạn từ chiều tối và đêm 15-17/10 khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa lớn 100-300mm, có nơi trên 700mm. Sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam: cấp 2; Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng: cấp 3; Nghệ An và Quảng Ngãi: cấp 1.

Mưa lớn, các tỉnh miền Trung cho học sinh nghỉ học từ chiều 13/10, sẵn sàng sơ tán dân - Ảnh 3.

Quảng Bình rà soát các phương án di dời người dân an toàn. Ảnh: VOV

Không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai

Trước diễn biến phức tạp của mưa lớn tại khu vực miền Trung, ngày 12/10/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký ban hành Công điện số 950/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động ứng phó mưa lũ tại đây.

Công điện nêu rõ: Vừa qua, tại một số địa phương khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, gây ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, lũ quét, thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, những ngày tới khả năng tiếp tục xảy ra mưa lớn kéo dài, nhất là tại miền Trung; nguy cơ rất cao xảy ra ngập sâu tại vùng trũng thấp, ngập úng tại đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.

Hiện nay là thời điểm thường xảy ra mưa, bão tại miền Trung và Tây Nguyên, để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với thiên tai…

Cùng ngày, Bộ Công an cũng đã có Công điện số 10/CĐ-BCA-V01 về việc chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực miền Trung gửi thủ trưởng các đơn vị: K02, C07, C08, C10, H01, H02, H03, H04, H06, X04; Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại khu vực miền Trung.

Bình luận của bạn

Bình luận