Rắc rối hậu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, có 3 đơn kiện đang giải quyết ở trọng tài quốc tế. Trong đó, đơn kiện liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang rất phức tạp trong quá trình xử lý.
Ba đơn kiện đang giải quyết
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ Giao thông Vận tải gặp những vướng mắc, đặc biệt với gói thầu EPC, vì có liên quan đến các luật khác. Đáng lưu ý, phần tăng nhà thầu EPC không được tính, nhưng phần giảm thì bắt buộc phải giảm. Với những vướng mắc này, Bộ có 3 đơn kiện đang giải quyết ở trọng tài quốc tế.
Vướng mắc khác được chỉ ra là việc chậm tiến độ trong triển khai dự án, điển hình trong giải phóng mặt bằng. Cụ thể tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chậm 5 năm về bàn giao mặt bằng. “Kiện là kiện chủ đầu tư - Bộ Giao thông Vận tải. Nhưng trách nhiệm giải phóng mặt bằng lại là các địa phương. Tiền giao về các địa phương thực hiện, các địa phương phê duyệt và giải phóng mặt bằng. Nhưng hiện nay không có một chế tài nào quy định như thế và trong các hợp đồng hiện nay chúng tôi đều bị kiện. Nhà thầu trong nước chúng ta đàm phán được, nhưng nhà thầu nước ngoài, kể cả dự án Bến Lức - Long Thành và đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều đang bị kiện. Vấn đề này cũng đang rất phức tạp trong quá trình xử lý”, ông Huy cho hay.
Hầu hết các dự án đều vướng mắc
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cũng cho biết, hiện nay tất cả các dự án EPC, kể cả ODA, rồi các hợp đồng FIDIC (chủ yếu là đầu tư đường sắt) cũng đều vướng. Vướng ở đây chủ yếu do chuẩn bị đầu tư kém, từ khảo sát, thiết kế sơ bộ đến tổng mức đầu tư làm rất sơ sài và mang đi đấu thầu. Sau khi trúng thầu, lại dựa vào đó để ký hợp đồng. Khi triển khai thì bắt đầu vướng, vướng từ sửa đổi thiết kế, rồi thay đổi về biện pháp thi công, thay đổi về vật liệu, thay đổi về giải pháp công nghệ…
Vấn đề khác là các nguồn vốn khác nhau, có cả vốn nước ngoài và vốn đầu tư công. Các nhà tài trợ đều có những yêu cầu riêng về các nguyên tắc giải ngân, điều kiện thanh toán, công tác nghiệm thu, rồi một số điều kiện trong hợp đồng. Hay việc đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, thời gian đầu tư rất dài, dẫn đến vướng mắc trong quá trình triển khai. “Nguyên tắc khi quyết toán phải có bằng chứng, phải thực tiễn và nghiệm thu được. Giữa nghiệm thu và hồ sơ mời đấu thầu ban đầu không khớp nhau dẫn đến nhiều vụ án xảy ra”, ông Minh nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google