Ra mắt vở cải lương "Nợ nước non" - công trình nghệ thuật đặc biệt về Bác Hồ
Vở diễn "Nợ nước non" sẽ ra mắt công chúng vào ngày 25 - 26/7 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) và 111 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2022).
Ngày 23/7, tại Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam đã tổ chức buổi giới thiệu công trình sân khấu đặc biệt "Nợ nước non".
"Nợ nước non" - công trình sân khấu đặc biệt
Chia sẻ tại buổi giới thiệu, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ cho rằng năm tháng ở Nghệ An, được gần gũi với quê hương của Bác, cảm nhận linh hồn của từng ngọn núi, dòng sông xứ Nghệ giúp ông có chất liệu để thổi hồn vào tác phẩm. Tuy nhiên, thách thức khi viết những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất lớn.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, nếu như viết về Bác Hồ mà chỉ nói về tiểu sử Hồ Chí Minh thì đó là công việc của những nhà chép sử, nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên, văn học nghệ thuật cần sáng tạo bên cạnh tính chân thực. Văn học khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật, còn lịch sử nói những điều rõ ràng, minh bạch, khác với mảnh đất của văn học nghệ thuật.
"Khi viết về Bác Hồ, chúng ta có nhiều loại hình: Thơ, văn, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu… Vì thế, tôi luôn trăn trở làm sao để có lối đi riêng. Lối đi ấy không phải biệt lập với các tác phẩm khác mà còn phải có cách nói riêng", ông cho biết.
Vở diễn "Nợ nước non" được sáng tạo với quan điểm dân tộc và đương đại, vừa bảo tồn được giá trị của nghệ thuật sân khấu cải lương dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa của sân khấu đương đại thế giới.
3 tập vở diễn "Nước non vạn dặm"
Vở diễn "Nợ nước non" là một trong ba phần của bộ sử thi nghệ thuật "Nước non vạn dặm".
Tác phẩm "Nước non vạn dặm" có 3 phần, 3 tập, do nhà văn, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cầm bút và chuyển thể sang kịch bản sân khấu cải lương.
Tác phẩm được đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên và êkíp nghệ thuật dàn dựng biểu diễn trên các sân khấu của cả nước.
Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên cho rằng vở diễn là sự hội tụ của nhiều tinh hoa nghệ thuật, thay vì dừng lại ở yếu tố cải lương đơn thuần. Nghệ thuật cải lương có tính mở và động, hay và đặc sắc. Bản thân cải lương có sự tiếp nhận mạnh mẽ nên từng giai đoạn cải lương có sự kết hợp, tiếp nhận nhiều yếu tố nghệ thuật khác để rồi những yếu tố ấy trở thành thành phần cốt lõi của sân khấu cải lương.
Tập 1 sẽ tập trung khắc họa những ký ức lịch sử, xã hội, những yếu tố văn hóa, tư tưởng, xã hội đã hun đúc, rèn dũa nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn và chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5/6/1911.
Ở hai tập tiếp theo của bộ tiểu thuyết và phần hai, phần ba của tác phẩm sân khấu cùng tên "Nước non vạn dặm" sẽ ra mắt công chúng năm 2023, 2024 (dự kiến tên gọi là "Lênh đênh bốn biển" và "Người về").
Trong hai phần này, tác giả, đạo diễn và ê kíp sáng tạo tiếp tục khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Khắc họa sâu sắc hình tượng Bác Hồ
Vở sân khấu "Nợ nước non" khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung (bé Anh Đức đóng), Nguyễn Tất Thành (diễn viên Minh Hải vào vai) và các nhân vật khác trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc vào Nam, đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Bằng sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, nghiêm túc; bằng trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác trong và ngoài nước, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ và đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động, giản dị, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết, màn diễn.
Người xem như được về thăm, tìm hiểu vùng đất xứ Nghệ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20; được sống cùng Nguyễn Sinh Cung và gia đình Cung hai lần lội bộ đi - về, sinh sống ở Nghệ An và Kinh thành Huế, ở Bình Định, Bình Thuận, Sài Gòn xưa.
Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật cải lương
Về mặt nghệ thuật, "Nợ nước non" là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nhà hát Cải lương Việt Nam, được kế thừa từ phương pháp nghệ thuật của sân khấu cải lương cách mạng (giai đoạn 1955 - 1985).
Phương pháp sân khấu cải lương cách mạng vẫn tiếp tục phát huy giá trị và ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách nghệ thuật của hai nhà hát cải lương lớn nhất cả nước. Đó là Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (vốn có tiền thân là Đoàn Cải lương Bắc và Đoàn Cải lương Nam Bộ, thuộc Nhà hát Cải lương Trung ương - đơn vị trực thuộc sự quản lý của Bộ Văn hóa vào thập kỷ 60 của thế kỷ 20).
Dàn diễn viên được lựa chọn cẩn thận
Vở diễn sân khấu "Nước non vạn dăm" tập 1 sẽ có sự tham gia của nhiều diễn viên như: Bé Anh Đức (vai Nguyễn Sinh Cung), Minh Hải (vai Nguyễn Tất Thành), Như Quỳnh (bà Hoàng Thị Loan), Mạnh Hùng (Nguyễn Sinh Sắc), Ngân Hà (Út Huệ)…
Tất cả nhân vật cho vở diễn đều được tác giả và đạo diễn cẩn thận chọn lựa nhằm thể hiện thành công nhất hình ảnh Bác Hồ từ Nguyễn Sinh Cung cho tới Nguyễn Tất Thành.
Chia sẻ về khó khăn khi đảm nhiệm vai diễn Nguyễn Tất Thành, theo nghệ sỹ Nguyễn Minh Hải, đó là cảm giác lo lắng, áp lực bởi màn thể hiện tốt của các diễn viên đàn anh trong quá khứ.
"Đây là lần đầu tôi được tham gia vai diễn quá lớn. Đó là vinh dự và cũng là cơ hội tuyệt vời. Tôi làm nghề cải lương được 16 năm, tham gia nhiều vai diễn lịch sử nổi tiếng. Nhưng đây là lần đầu vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. May mắn nhờ sự hỗ trợ của ê kíp cũng như nghiên cứu, trải nghiệm cá nhân và đọc tư liệu về Bác, tôi vượt qua áp lực và khá hài lòng với vai diễn".
Nhiều cảnh diễn xúc động, lôi cuốn
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Trung Kiên cho biết, vở diễn có nhiều cảnh diễn xúc động, lôi cuốn như: Đêm trăng bên dòng Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan; Cảnh cha mẹ và ông bà ngoại đón bé Nguyễn Sinh Cung chào đời giữa mùa sen tháng Năm thơm ngát; Cảnh gia đình Nguyễn Sinh Cung ở kinh thành Huế, mẹ Hoàng Thị Loan ra đi khi cha Nguyễn Sinh Sắc và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đang đi xa, chỉ còn bé Cung bên mẹ và em Nhuận mới vài tháng tuổi; Cảnh cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành chia tay ở Bình Định; Cảnh Nguyễn Tất Thành có cuộc nói chuyện xúc động và nhiều ý nghĩa với ông Nguyễn Quý Anh - ông chủ của Liên Thành Thương Quán, người có tấm lòng nghĩa hiệp và yêu nước sâu sắc; Cảnh sông nước, xóm nghèo, phố xá và bến cảng Sài Gòn với công cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp, cảnh sống cơ cực của người dân; cuộc chia tay nghẹn ngào của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba cùng những người thân yêu trước chuyến đi xa vạn dặm.
Vở diễn "Nợ nước non"
Tác giả kịch bản vở diễn (và cuốn tiểu thuyết cùng tên): Nhà văn - Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương. Ê kíp sáng tạo vở diễn gồm:
Đạo diễn: Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Trần Trung Kiên;
Chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt;
Âm nhạc: Nghệ sĩ nhân dân Trọng Đài…
Diễn viên là các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Việt Nam: Nghệ sĩ ưu tú Mạnh Hùng, Minh Hải, Như Quỳnh, Xuân Thông, Văn Dương, Thiên Kiều, Lệ Hằng, Minh Phương, bé Anh Đức…
Vở diễn có sự phối hợp trình diễn của các diễn viên Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ và các nghệ sĩ múa Thành phố Hồ Chí Minh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google