Nợ nước non - theo dấu anh hùng

Nhà văn Bùi Việt Thắng
12:24 - 01/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhân dịp sinh nhật Bác vừa qua, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã ra mắt cuốn "Nợ nước non" dày hơn 220 trang, phần mở đầu của sử thi nghệ thuật 3 phần, 3 tập mang tên "Nước non vạn dặm". Cuốn sách đã thu hút độc giả.

Lời Toàn soạn: Bằng sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, nghiêm túc; bằng sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động, giản dị, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết. Người đọc như được về thăm, tìm hiểu mảnh đất xứ Nghệ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, được sống cùng Nguyễn Sinh Cung và gia đình Cung hai lần lội bộ đi - về, sinh sống ở Nghệ An và Kinh thành Huế.

Viết về tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành của một nhân vật lịch sử, một vĩ nhân, nhưng tác giả không nhằm mô tả tiểu sử nhân vật, mà điều quan trọng là khắc họa sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới, quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước, từ đó tìm con đường đi đúng đắn để giành lại độc lập, tự do cho nước cho dân. Nguyễn Tất Thành đã vượt trùng khơi tìm đường cứu nước vào ngày 5 tháng 6 năm 1911. Sau này Người kể lại "Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta".

Chọn đúng con đường cứu nước, chọn đúng nơi cần đến, cần tìm hiểu, đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, của vận mệnh dân tộc, chuyến ra đi ngày 5 tháng 6 năm 1911 của Nguyễn Tất Thành-Văn Ba là chuyến đi lịch sử, tự giác, có chủ đích, mang tính cách mạng.

Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học xin giới thiệu bài viết của nhà văn Bùi Việt Thắng về cuốn sách này.

Nợ nước non - theo dấu anh hùng - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ tại buổi ra mắt cuốn Nợ nước non. Ảnh: H.Minh

Nợ nước non - theo dấu anh hùng - Ảnh 2.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, Nợ nước non đã khơi gợi cho ông niềm cảm hứng để hoàn thiện một trường ca về Bác. Ảnh: H.Minh

Nợ nước non - theo dấu anh hùng - Ảnh 3.

Bìa cuốn Nợ nước non của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh: Thế Bằng

Người đi tìm hình của nước

"Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi/Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/Khi bãi bờ dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre/ Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương" (Chế Lan Viên – Người đi tìm hình của Nước). Cuộc ra đi có tính chất "vô tiền khoáng hậu" tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành được tái hiện trong bài thơ dài Theo chân Bác (1970) của nhà thơ Tố Hữu: "Từ đó Người đi... những bước đầu/ Lênh đênh bốn biển, một con tàu/ Cuộc đời sóng gió. Trong than bụi/ Tay đốt lò, lau chảo, thái rau. (...)/ Bao nẻo người đi, bước trước sau/ Một câu hỏi lớn: Hướng về đâu?/ Năm châu thăm thẳm, trời im tiếng/ Sách thánh hiền lâu đã nhạt màu".

Phần Mở đầu (được coi như một Đề từ dài) tiểu thuyết Nước non vạn dặm (tập 1: Nợ nước non) được in chữ nghiêng: "Con tàu khổng lồ hú lên những hồi còi dài để tạm biệt đất liền. Trưa hè tháng Sáu nắng chói chang, Admiral Latouche Tréville nổi bật lên giữa những tàu bè khác ở bến cảng. Lần đầu tiên trong đời, Văn Ba được ở trên một công trình kỳ vĩ đến như vậy. Quá bận rộn với công việc mới, anh thậm chí không thể rời khu bếp để ghi trong ánh mắt đau đáu và thầm nói lời tạm biệt Sài gòn, tạm biệt nước Việt yêu dấu. (...). Đã bao lâu rồi nhỉ, kể từ ngày rời quê nhà ra đi. Làng Chùa, Làng sen, kinh thành Huế, trường Dục Thanh, bến cảng Sài Gòn, và nữa, gương mặt buồn phút biệt ly của người con gái ấy... Tất cả những ký ức đẹp đẽ, xao động cựa thức trong tâm trí anh". Đây có thể coi là phần dẫn truyện (chứ không phải ngoại truyện).

Nếu nhà văn viết truyện ngắn chú tâm đến đoạn kết ngay từ khi hạ bút viết câu văn đầu tiên thì trái lại, nhà văn viết tiểu thuyết chú trọng đến đoạn mở đầu vì ngay từ đó có thể "giữ chân" người đọc trong một cuộc "ma-ra-tông" chữ với số trang không ít. Văn Ba, nhân vât chính của tiểu thuyết (tên mới của Nguyễn Tất Thành), theo tôi không có cái tâm thế "Người ra đi đầu không ngoảnh lại". Vì ngay chính thời khắc đó, anh nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ ông ngoại, nhớ chị Thanh, nhớ anh Khiêm, thêm nữa còn nhớ Huệ - "người con gái ấy". Thể loại tác phẩm Nước non vạn dặm được nhà văn Nguyễn Thế kỷ ghi là "tiểu thuyết". Theo ý tôi không phải là "trung tính" (điều hòa, cân đối nhịp nhàng giữa quyền hư cấu và trung thành với lịch sử). Đọc hết tập 1 (Nợ nước non) không riêng tôi có cái cảm giác được "sống thêm một đời sống khác" do tác phẩm đem lại. Đó chính là khí vị và dư vị của tiểu thuyết vẫn thường được coi là "một câu chuyện bịa y như thật".

Trong trường hợp này, theo tôi, người viết tiểu thuyết lại đi theo hướng "một câu chuyện thật y như bịa". Đây chính là bút pháp mới của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ nếu so sánh với tiểu thuyết Hừng Đông (2020) viết về đồng chí Phan Đăng Lưu - một lãnh đạo tiền bối của Đảng (Ủy viên Thường vụ Trung ương, 1938).

Cấu tứ của tiểu thuyết Nước non vạn dặm (tập một: Nợ nước non) trùng phùng với cấu tứ "Người đi tìm hình của Nước". Ở đây ngẫu nhiên (hay tất nhiên) tiểu thuyết đã gặp gỡ thơ ca về một con người bình thường nhưng vĩ đại, vĩ đại nhưng bình thường - Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng và Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, tác giả bản hùng văn thế kỷ Tuyên ngôn Độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội lịch sử, ngày 2/9/1945).

Nhà thơ Cuba Fêlich Rôđrighêt đã viết thi phẩm Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ. Điều đó cắt nghĩa một thực tế: Hình tượng Lãnh tụ Hồ Chí Minh (nhân dân cả nước quen gọi Người là Bác Hồ) đã trở thành trung tâm của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại (trong các lĩnh vực: âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, sân khấu, thơ ca, tiểu thuyết). 

Tôi nghĩ, từ Búp sen xanh (tiểu thuyết, 1982) của nhà văn Sơn Tùng đến Nợ nước non (tiểu thuyết, 2022) của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, văn chương/ tiểu thuyết đã tiến một bước dài đầy thành tựu trong việc khắc tạc hình tượng Lãnh tụ Hồ Chí Minh - một bậc "Đại nhân - Đại trí - Đại dũng".

Nếu như Gió bụi đầy trời (tiểu thuyết, 2020) của nhà văn Thiên Sơn đã thành công trong việc xây dựng hình tượng kỳ vĩ Hồ Chí Minh - người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh bão tố vào thời điểm lịch sử ngàn cân treo sợi tóc (trước và sau ngày 19/8/1945) thì Nợ nước non của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ lại đi theo hướng tìm tòi về cội rễ nào đã nuôi dưỡng, hình thành, vun xới một nhân cách đặc biệt, một trí tuệ mẫn tiệp, một tinh thần vượt khó điển hình, một tính cách đầy cao vọng về độc lập và tự do, bình đẳng và bác ái cho đất nước và đồng bào của mình.

Theo dấu anh hùng

Nội dung của tiểu thuyết Nợ nước non gói gọn trong 4 chương: Chương I/ Làng Chùa; Chương II/ Làng Chùa về lại, làng Sen vinh quy; Chương III/ Trở lại kinh thành và Chương IV/Cho chuyến đi xa. Tôi thấy không cần thiết mô tả lại (dẫu vắn tắt) nội dung của mỗi chương. Người đọc thông minh sẽ có cách tiếp nhận riêng của mình tùy theo "tạng văn" (sở thích). Tôi muốn nhấn mạnh đến công việc của người viết tiểu thuyết là dẫn dắt người đọc "theo dấu anh hùng". Nói cách khác, bằng sự trợ giúp của ngôn từ nghệ thuật, tác giả khai mở và lý giải cội rễ của hành động anh hùng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Văn Ba ở tuổi 21, đã dấn thân và lựa chọn cho mình một cuộc "phiêu lưu"- sang tận "hang ổ"của đối phương (nước Pháp) để tìm hiểu cho ra chân tơ kẽ tóc "đối thủ" để tìm ra đối sách hành xử (hành động). Cổ nhân đã chỉ giáo "Hiểu địch hiểu ta, trăm trận trăm thắng", chính là như thế. 

Cái cội rễ sức mạnh tinh thần của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết đi "tìm hình của Nước" ở độ tuổi 20 không phải là chuyện phổ biến, ai ai cũng có thể làm được, khi trong tình cảnh chung: "Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn" (Chế Lan Viên – Người đi tìm hình của Nước"). Nói hình tượng thì lịch sử đã "chọn mặt gửi vàng" người thanh niên có ý chí, nhiệt huyết như một hỏa diệm sơn và trí tuệ mẫn tiệp hiếm có ngay khi đầu xanh tuổi trẻ. Không ai chọn được nơi sinh hay bậc sinh thành. Đó là sự sắp xếp của tạo hóa. Nhưng dưới sự soi chiếu của phương pháp Địa văn hóa thì chúng ta có thể giải thích được các nhân tố cấu thành phẩm chất siêu việt của một con người như Nguyễn Tất Thành. 

Miền "địa linh nhân kiệt" (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) đã sinh ra cậu bé Nguyễn Sinh Cung (sau này là Nguyễn Tất Thành). Tinh túy của đất trời (tạo hóa) đã hun đúc nên một con người từ thuở nhỏ chí đã cao đến bậc thức giả - chí sỹ Phan Bội Châu còn không kiệm lời khen. Sớm sống gần những con người trác việt là một hạnh phúc và cơ duyên với cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Cổ nhân nói gần đèn thì sáng quả chí lý. Nhân vật chính của tiểu thuyết đã có cơ duyên sinh ra trong một không gian văn hóa, sinh tồn đặc biệt của xứ Nghệ.

Nhưng trước khi hòa nhập xã hội thì mỗi con người trước tiên được hun đúc, vun xới nụ cành, tưới tắm lộc lá trong bầu khí quyển, thung thổ văn hóa – đạo đức của gia đình truyền thống. "Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", câu ca dao này ứng nghiệm hoàn toàn đúng vào sinh mệnh và vận mệnh của một con người đặc biệt Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành. Không thể nói, trong tiểu thuyết Nợ nước non, thì người cha hay người mẹ có ảnh hưởng rõ rệt và mạnh mẽ hơn đến người con trai Nguyễn Sinh Cung của mình. Cũng không thể nói người chị gái (Thanh) và người anh trai (Khiêm) ai kề cận, gần gũi và là chỗ nương tựa tinh thần với người em hơn. Trừ Nhuận, người em sau Nguyễn Sinh Cung không may đoản mệnh, còn lại bốn người khác trong gia đình (cha, mẹ, anh trai, chị gái) đều là những điểm tựa tinh thần và vật chất ban đầu vững chãi cho nhân vật chính của tiểu thuyết. Gia đình (hang ổ/ mái ấm cuối cùng của con người) là bệ phóng cho nhân vật nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành. May mắn và hạnh phúc cho nhân vật tiểu thuyết là không rơi vào tình cảnh "không gia đình", từ tấm bé cho đến khi quyết chí ra đi "tìm hình của Nước" ở độ tuổi hai mươi yêu dấu.

Trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa chính là một thực tiễn khởi nguyên khiến cho nhân vật chính của tiểu thuyết vững bước vượt qua mọi thử thách "lửa thử vàng gian nan thử sức". Công lao đầu tiên phải ghi nhận cho các bậc sinh thành cha/mẹ. Họ bồi đắp cho con trai của mình tất cả những phù sa màu mỡ của tình yêu thương. Đã đành. Họ còn kê cao con cái cả bằng sức mạnh của trí tuệ mẫn tiệp (dẫu có lúc, có nơi từ/ của người cha có thể rõ rệt, mạnh mẽ hơn). Cha và mẹ thương yêu con cái, anh và chị yêu thương em út hết mực nhưng không o bế, không biến con/ em thành cái bóng, khuyến khích con/em sớm tự thân, tự lập và cả tự cường. Vì thế nhân vật tiểu thuyết trưởng thành như một chồi cây non không bị cớm nắng, vươn cao thẳng đứng như hoa hướng dương luôn hướng về phía ánh sáng mặt trời. 

Đọc Nợ nước non, theo tôi, bài học thấm thía nhất - xét từ góc độ văn hóa/ đạo đức/giáo dục là cần thiết coi trọng, đề cao giá trị của gia đình trong sự hình thành nhân cách mỗi con người. Trong bối cảnh hiện đại, mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội đang có chiều hướng lỏng lẻo khiến cho con người ở độ tuổi trưởng thành có thể lúng túng, thậm chí mất phương hướng. Nhân vật chính của tiểu thuyết khi rời khỏi gia đình với tư cách một sinh thể/ chủ thể sẽ bước vào một môi trường văn hóa khác - nhà trường.

Cả ba nhân tố này góp lại, cộng lại thành bộ cội rễ của mỗi con người, dù ở đâu và lúc nào. Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành lúc vào học trường tiểu học Pháp - Việt (ở thị xã Vinh, Nghệ An), đã lập tức thấm nhuần câu khẩu hiệu của cách mạng Pháp 1789: "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" (LIBERTE - EGALITE - FRATERNITE). Thực tiễn cuộc đời của Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chứng minh: Người suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của dân tộc Việt Nam. Cho đến những ngày cuối đời Người vẫn đinh ninh: "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi".

(Ngày 14/7/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên báo Grama, Cuba. Bài tường thuật buổi phỏng vấn được in bằng tiếng Tây Ban Nha trên báo Grama, xuất bản hàng tuần, số ra ngày 3/8/1969, dưới đầu đề Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi. Báo Nhân Dân dịch và in lại; Dẫn theo Hà Minh Đức - Báo chí Hồ Chí Minh, chuyên luận và tuyển chọn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr. 311).

Bút pháp tiểu thuyết 

Nợ nước non được nhà văn Nguyễn Thế Kỷ viết bằng một bút pháp hiện thực - tâm lý - trữ tình hòa quyện. Bám sát sự thật lịch sử, đã đành, nhưng tác giả không "dìm" người đọc vào sự kiện có thể như thác lũ khi viết về một nhân vật lịch sử/ thời kỳ lịch sử đáng nhớ. Hiện thực tâm lý kết hợp với miêu tả phong tục một vùng thôn quê đặc thù khiến cho chương I (Làng Chùa) và cả chương II (Làng Chùa về lại, Làng Sen vinh quy) có cái dư vị của một bức tranh đời sống hiện hữu cả về đường nét, màu sắc, âm thanh, mùi vị: 

"Ban thờ riêng người vợ hiền được ông cử Sắc đặt nơi trang trọng trong nhà. Bài vị của bà cử được đưa lên cùng bát hương ông cử mang về từ Huế. Mấy nén nhang được thắp lên. Bà ngoại khóc xót xa, bất lực. Dì An ôm lấy bàn thờ kêu tên chị đau đớn. Chị Thanh và anh Khiêm khóc to, tức tưởi, lúc này mới thấm hết sự buồn đau, nhớ thương mẹ và em. Cung đã khóc mẹ cạn nước mắt ở nội Huế, giờ nhìn khói hương bay, mắt như tê dại. Cha xuống bếp đơm hai bát cơm cúng đầy cùng hai quả trứng gà đã luộc chín, bóc vỏ đưa lên ban thờ. Hai đôi đũa vót ngược lên phía tay cầm tua ra như bông hoa xơ xác cắm lên bát cơm giữ hai bên quả trứng. Dì An hái từ vườn nhà hai bó hoa huệ nhỏ bỏ vào hai lọ sứ. Lại ra chum lấy hai bát nước lã. Cha vái lạy gọi tên mẹ Loan và tên em Nhuận, hai người thân yêu đoản mệnh, yểu số. Cha khấn lầm rầm, thành kính, thương xót, u uất".

Tác giả, theo tôi, đã vận dụng một lối văn duy tình khiến câu chuyện được kể thấm đẫm nghĩa cử. Đúng như cổ nhân nói "chữ nghĩa" là thấu tình đạt lý. Nhà văn dường như xa lạ với các ism (chủ nghĩa) đang trương nở như nấm mọc sau mưa. Theo tôi, những cuộc đổ bộ của những Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Nữ quyền luận, Phân tâm học, Phi lý,....nếu có chỉ là theo con đường "nhập khẩu tiểu ngạch" của một thiểu số các nhà văn (đặc biệt các cây bút lý luận, phê bình trẻ thế hệ F), sợ bị lạc hậu nên đã vô hình trung biến hóa thành "cũ người, mới ta". Đọc văn Nguyễn Thế Kỷ (thơ, kịch, tiểu thuyết) thấy ông hành nghề chữ nghĩa theo nguyên tắc "cái Đẹp là sự giản dị". Thậm chí có thể nói không quá, tác giả cứ điềm nhiên "lối cũ ta về" trong cách cấu trúc tuyến tính tác phẩm (dựa theo trình tự thời gian).

Vận dụng lối viết từ cái nhìn bên trong nộị tâm con người nên tiểu thuyết Nợ nước non của nhà văn Nguyễn Thế kỷ, theo tôi, sẽ để lại được ấn tượng rõ nét và sâu đậm về nhân vật Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba. Đó là một con đường của văn chương/ chữ nghĩa để tiếp cận, khắc họa một hành trình nghệ thuật THEO DẤU ANH HÙNG.