Quy hoạch đến năm 2030, xây mới 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 4.802km

06:10 - 24/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giao thông Vận tải thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, Đại hội Đảng lần thứ XIII có chủ trương phát triển hệ thống đường sắt và được Chính phủ cụ thể hóa trong quy hoạch mạng lưới đường sắt; trong đó đến năm 2030 sẽ xây dựng mới 16 tuyến đường sắt.

Quy hoạch đến năm 2030, xây mới 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 4.802km - Ảnh 1.

Chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên khởi hành từ ga Kép, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh họa: Đồng Thúy/TTXVN

Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

Cụ thể, về đường sắt quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg nêu rõ sẽ nâng cấp, cải tạo để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện có (chiều dài 2.440km).

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ đầu tư xây mới để mở rộng mạng lưới đường sắt; trong đó đến năm 2030, xây dựng mới 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 4.802km; đến năm 2050, xây dựng mới 25 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 6.354km.

Với đường sắt đô thị, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng tại các thành phố này. Các địa phương khác, cũng đang triển nghiên cứu đề xuất mạng lưới đường sắt đô thị trong quy hoạch tỉnh.

Về đường sắt chuyên dùng, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ tiếp tục duy trì, cải tạo, mở rộng các ga có kết nối đường sắt chuyên dùng, đáp ứng nhu cầu vận tải.

"Như vậy, sau khi mạng lưới đường sắt được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch sẽ kết nối các vùng, hành lang kinh tế chiến lược, trung tâm đô thị, cảng biển cửa ngõ quốc tế, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế, đầu mối giao thông lớn… của cả nước", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Cần sự quan tâm, ủng hộ và phối hợp các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân

Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra thế mạnh của giao thông vận tải đường sắt với ưu thế là loại hình vận tải chiếm dụng ít đất đai, ít tác động đến môi trường; vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn, chi phí tương đối thấp, ít bị ảnh hưởng của thời tiết khí hậu… phù hợp với hành lang, đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn nên mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực có tuyến đường sắt đi qua nói riêng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận kinh phí đầu tư đường sắt rất lớn, nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn chế, hiệu quả tài chính đầu tư đường sắt thấp nên khó thu hút vốn từ xã hội hóa.

Do đó, để sớm mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới đường sắt theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải rất mong được sự quan tâm, ủng hộ và phối hợp các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các tỉnh, thành trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, nghiên cứu quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics,… gắn kết với các khu ga để phát huy hiệu quả, tạo nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt; để dành quỹ đất, giải phóng mặt bằng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và sử dụng dịch vụ đường sắt.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Bộ Giao thông Vận tải triển khai nghiên cứu từ năm 2005, hiện tiếp tục rà soát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Hội đồng thẩm định nhà nước đang tổ chức thẩm định). Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ Giao thông Vận tải sẽ giao các đơn vị tiếp thu, hoàn thiện báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường sắt này.

Trước đó, khi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, đại diện Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn phương án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tốc độ khai thác 225km/h, dùng chung cả tàu khách và hàng. Tổng mức đầu tư phương án này khoảng 76 tỷ USD.

Nguồn: TTXVN