Quy hoạch đào tạo nghề còn nhiều bất cập, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường

Hồng Ngọc
13:49 - 06/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sáng ngày 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Một trong những nội dung quan trọng Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trong sáng 6/6 là giải pháp phát triển nguồn nhân lực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Chấn chỉnh, quy hoạch lại mạng lưới đào tạo nghề nghiệp còn bất cập, chồng chéo

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, thời gian gần đây, số lượng người lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, số lượng lao động được đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã được rà soát, sắp xếp nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này sẽ là một sự lãng phí. Vậy, ngành lao động sẽ làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc phân luồng học sinh và chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay?

Quy hoạch đào tạo nghề còn nhiều bất cập, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, công tác tuyển sinh, công tác giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều bước tiến. Bộ đã có báo cáo với Ban Bí thư về vấn đề này, trong đó có đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những bước tiến bộ, quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong. Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định.

Bộ trưởng cho rằng, hiện nay vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo. Các trường nghề về cơ bản đang thực hiện theo tinh thần, việc đào tạo được tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao, nhà nước đặt hàng thì đào tạo theo yêu cầu. Tình trạng chung của các trường nghề là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường.

Thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ, chương trình khác nhau.. Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo ý kiến của một số đại biểu, thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều với các vùng trong cả nước. Công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm có mặt còn hạn chế.

Vậy nguyên nhân và giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới là gì?

Quy hoạch đào tạo nghề còn nhiều bất cập, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường - Ảnh 2.

Phiên chất vấn Quốc hội khóa XV sáng ngày 6/6. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đào tạo nghề được “phân vai” rất rõ, trong đó đào tạo nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương triển khai. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đưa ra về nguyên tắc, chỉ đào tạo khi dự báo được công việc và hiệu quả khi đào tạo ra.

Tham gia trả lời về chất vấn của đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ đã thiết kế phát triển khu vực kinh tế nông thôn gắn với nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lao động nông nghiệp, lao động phi nông nghiệp là yêu cầu bức thiết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thiết kế hệ thống chương trình, nhưng nhu cầu lao động xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương của từng cấp xã, cấp huyện, tỉnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, đào tạo nghề nông thôn không chỉ là đào tạo nghề nông, mà đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp là một chuỗi ngành hàng và những giá trị tích hợp, cần thêm những ngành nghề khác.

Bộ đã đề ra kế hoạch tái cấu trúc đào tạo nghề gắn với nhu cầu địa phương và sự phát triển nông thôn.

Giải pháp đầu tiên là nâng cao năng lực của người nông dân, gắn liền với kiến thức và kỹ năng làm nghề nông cũng như những ngành nghề phi nông nghiệp, với tư duy của nền kinh tế nông nghiệp chứ không chỉ là tư duy sản xuất nông nghiệp. Đào tạo theo chuỗi ngành hàng từ sản xuất, đến bảo quản, thu hoạch, chế biến, thương mại điện tử; mỗi khâu có ngành nghề kèm theo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng 5 vùng nguyên liệu và đào tạo theo đúng quy trình để phát huy tất cả nguồn nhân lực phục vụ cho vùng nguyên liệu. Ngoài ra, Bộ cũng cấu trúc lại hệ thống các trường thuộc Bộ, đặt hàng, giao nhiệm vụ gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.