Quy hoạch Cam Lâm trở thành đô thị sân bay đẳng cấp quốc tế
Cam Lâm (Khánh Hòa) được định hướng quy hoạch trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái đẳng cấp quốc tế; trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia, hạt nhân phát triển du lịch của khu vực và thế giới.
Đô thị sân bay là gì?
Đô thị sân bay được hiểu là một đô thị thu nhỏ bao gồm tổng thể sân bay và khu vực đa chức năng (nằm trong và ngoài ranh giới sân bay) được thiết kế và xây dựng một cách bài bản, khoa học nhằm phát triển bền vững cùng với sân bay.
Trong khu đô thị sân bay sẽ có đầy đủ các loại dịch vụ và tiện ích như trung tâm thương mại, triển lãm, trung tâm hội nghị, khách sạn, cơ sở y tế, các khối văn phòng thậm chí có cả các công viên giải trí, công viên chủ đề… biến sân bay trở thành điểm đến kinh doanh hoặc du lịch theo đúng nghĩa. Hành khách hoàn toàn có thể check in, lấy vé, gửi hành lý, và trải nghiệm các hoạt động thú vị trong khi chờ chuyến bay khởi hành.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc xây dựng mô hình đô thị sân bay sẽ đáp ứng cùng lúc hai mục đích lớn đó là phát triển sân bay và phát triển toàn thành phố.
Trong mô hình này, sân bay đóng vai trò trung tâm kết nối các loại hình giao thông để việc vận chuyển con người và hàng hóa được diễn ra một cách nhanh chóng, còn các cụm công trình đô thị đa chức năng sẽ được gắn kết chặt chẽ với các chức năng đặc trưng của sân bay, chúng tương hỗ lẫn nhau, cùng nhau phát triển bền vững và xuyên suốt.
Mô hình đô thị sân bay mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho địa phương và những khu vực lân cận, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội - môi trường và gia tăng giá trị bất động sản. Trong thực tế tại một số quốc gia sau khi đô thị sân bay được hình thành đã thu hút nhiều đầu tư quốc tế, xuất khẩu tăng mạnh, du lịch phát triển từ đó gia tăng cơ hội việc làm, dân cư tới sinh sống, làm việc ngày càng đông và vì thế nhu cầu về nhà ở cũng gia tăng.
Dự án đô thị sân bay, sinh thái Cam Lâm
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1052/QĐ-TTg ngày 7/9/2022 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.
Theo Quyết định, khu vực nghiên cứu quy hoạch thuộc toàn bộ địa giới hành chính huyện Cam Lâm với tổng diện tích khoảng 54.719,4 ha thuộc 14 đơn vị hành chính của huyện Cam Lâm bao gồm thị trấn Cam Đức, xã Cam Hải Tây, xã Cam Thành Bắc, xã Cam Hải Đông, Cam Hoà, Suối Tân, Cam Tân, Sơn Tân, Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Phước Tây và Suối Cát.
Mục tiêu quy hoạch nhằm hình thành đô thị sân bay, sinh thái đẳng cấp quốc tế, đưa Cam Lâm trở thành đô thị hạt nhân vùng, cùng với thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, Khu kinh tế Vân Phong tạo thành một tổng thể hài hoà giữa giá trị truyền thống nội tại và tương lai, góp phần định hình một đô thị tầm cỡ quốc tế và thu hút công dân toàn cầu.
Trong đó, phát triển đô thị sân bay kết hợp trung tâm tài chính - trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu để chuyển giao, áp dụng các xu hướng phát triển tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng xanh... Xây dựng trung tâm khoa học công nghệ tầm quốc tế và định hướng phát triển các cơ sở giáo dục và y tế mang tầm quốc tế, quốc gia tại huyện Cam Lâm; kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics cùng với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Phát triển đô thị thông minh - sinh thái - bền vững, kết hợp với hệ sinh thái đầm Thủy Triều, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, vùng vịnh Nha Trang - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Phát triển khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh thành Khu du lịch quốc gia. Tạo dựng hệ sinh thái đa dạng các loại hình du lịch, thương mại cùng với các tiện ích đô thị, giá trị cảnh quan ven biển, các hoạt động du lịch thương mại, chiến lược marketing toàn cầu nhằm thu hút cư dân đa quốc gia đến định cư, làm việc, học tập và lưu trú du khách quốc tế.
Phát triển đô thị mới Cam Lâm với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; đô thị thông minh, sinh thái, bền vững góp phần quan trọng đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc trung ương trong giai đoạn đến năm 2030; phát triển đô thị mới Cam Lâm trở thành đô thị quan trọng về quốc phòng, an ninh; góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quốc gia; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho quốc gia.
Việc lập quy hoạch làm cơ sở để triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập các dự án đầu tư xây dựng trong quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm theo quy định và là công cụ pháp lý để tỉnh Khánh Hoà và chính quyền các cấp quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển theo quy hoạch được duyệt.
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức lập đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 theo quy định của pháp luật.
Huyện Cam Lâm là huyện ven biển tỉnh Khánh Hòa, thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Huyện có vị trí đặc biệt khi nằm giữa hai thành phố lớn là Nha Trang và Cam Ranh theo chiều dọc quốc lộ 1A, có nhiều tiềm năng du lịch, bất động sản.
Huyện Cam Lâm cũng nằm gần với cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh, nơi có đường quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chạy qua, rất gần với tuyến đường hải nội địa và quốc tế như Cảng Cam Ranh, Nha Trang và trong tương lai là cảng Vân Phong.
Cam Lâm được thiên nhiên dành cho sự ưu đã cả về núi, rừng, sông, suối, hồ và đặc biệt nhất là bờ biển dài 13km chạy dọc theo bán đảo Cam Ranh, làn nước trong xanh với bãi cắt trắng trải dài, thoai thoải… Vùng này được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và dịch vụ với nhiều điểm đến hấp dẫn, phong cảnh nên thơ, thu hút du khách cả trong và ngoài nước.
Dự báo dân số của đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 khoảng 770.000 người; trong đó dân số thường trú khoảng 520.000 người, dân số quy đổi khoảng 250.000 người.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google