Vì sao cần có tiêu chuẩn cho đô thị thông minh?

P.V
17:30 - 13/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tiêu chuẩn chính là yếu tố gắn kết các bên liên quan, cấu thành và vận hành đô thị thông minh, bền vững.

Vì sao cần có tiêu chuẩn cho đô thị thông minh? - Ảnh 1.

Tiêu chuẩn chính là yếu tố gắn kết các bên liên quan, cấu thành và vận hành đô thị thông minh, bền vững. Ảnh minh họa, nguồn: intersec

Tiêu chuẩn là yếu tố không thể thiếu

Đô thị thông minh là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác, đô thị thông minh gắn với ý niệm về đạt được sự bền vững thông qua việc áp dụng và sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến trên quy mô rộng; mục tiêu chính của đô thị thông minh được cho là để tăng tính bền vững thông qua công nghệ hiện đại.

Tại Việt Nam, xây dựng đô thị thông minh, bền vững được xác định là một trong ba nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đô thị thông minh, bền vững đem lại nhiều lợi ích cho các đối tượng khác nhau, từ chính quyền, người dân, doanh nghiệp đến các thành phần kinh tế.

Tại Việt Nam, xây dựng đô thị thông minh, bền vững được xác định là một trong ba nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Tất cả đều có cơ hội được hưởng lợi từ phát triển đô thị thông minh, bền vững cũng như trực tiếp tham gia quá trình phát triển đô thị thông minh, bền vững như nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, hỗ trợ, giải quyết các vấn đề nóng của đô thị hiện nay. 

Ngoài ra, đô thị thông minh, bền vững còn giúp gia tăng khả năng tiếp cận, cải thiện các dịch vụ xã hội, đóng góp cho phát triển kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống.

Có thể nói, xây dựng đô thị thông minh, bền vững đã và đang là xu hướng tất yếu, ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Việc phát triển đô thị thông minh, bền vững cần có sự tham gia đầy đủ các thành phần như chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng; các hoạt động kết nối thành phố đa chiều và đa cấp, linh hoạt đòi hỏi phải có cơ chế liên kết phối hợp từ quản trị, đầu tư đến vận hành và thụ hưởng.

Trong quá trình nghiên cứu các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia đã xác định rất rõ: Cơ quan tiêu chuẩn hóa là thực thể không thể thiếu trong việc triển khai đô thị thông minh, bền vững. Vai trò của cơ quan này đặc biệt quan trọng, đảm bảo thống nhất một thuật ngữ chung và các đặc trưng tối thiểu cho đô thị thông minh, bền vững.

Một trong những ưu tiên là phải xây dựng ngôn ngữ chung thông qua tiêu chuẩn cho các bên liên quan, góp phần làm rõ hơn và hài hòa nhiều hơn trong lĩnh vực đô thị thông minh, bền vững.

Bên cạnh đó, thành công của việc triển khai đô thị thông minh, bền vững phụ thuộc vào việc xác định các phương pháp đo để đánh giá hiệu quả và tính bền vững của dịch vụ thành phố trên nền tảng ICT. Ngoài việc xác định các tiêu chuẩn cụ thể cho đô thị thông minh, bền vững cũng cần xem xét các tiêu chuẩn khác như tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng, tăng mức độ an toàn hoặc giảm thiểu ô nhiễm, góp phần vào việc xây dựng một đô thị thông minh, bền vững. Tiêu chuẩn chính là yếu tố gắn kết các bên liên quan, các yếu tố cấu thành và vận hành đô thị thông minh, bền vững.

Cần tuân thủ tiêu chuẩn và khuôn khổ quốc tế

Hiện nay, đã có một số khung tiêu chuẩn cho đô thị thông minh đang được nhiều nơi trên thế giới áp dụng. Theo khuyến nghị của chuyên gia, trong quá trình thực hiện, các thành phố Việt Nam nên tuân theo những tiêu chuẩn và khuôn khổ quốc tế về phát triển thành phố thông minh.

Lợi ích của việc tuân thủ theo các tiêu chuẩn này là sẽ giúp cho quá trình ra quyết định và xây dựng chính sách hiệu quả hơn. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan; tăng tính minh bạch, khả năng cạnh tranh cũng như cải thiện trải nghiệm của người dùng, tăng tính bền vững, chất lượng cuộc sống, cải thiện hoạt động dịch vụ ở đô thị thông minh.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết đang nghiên cứu lượng hóa các tiêu chí về đô thị thông minh ở các lĩnh vực quy hoạch đô thị, hạ tầng đô thị, kiến trúc đô thị, vận hành đô thị (gồm cấp nước, xử lý rác thải, giao thông, thông tin liên lạc, nhà ở, y tế, giáo dục…), tiện ích cho người dân, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.

Bộ Xây dựng đang khẩn trương xây dựng các tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh áp dụng toàn đô thị, khu vực đô thị phù hợp với Việt Nam; xây dựng nền tảng pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đô thị thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông về đất đai, quy hoạch, giao thông, dân cư và các dữ liệu không gian đô thị khác...

(Theo Bộ Khoa học và Công nghệ)

Những nguy cơ mới của phát triển đô thị