Quy định hợp lệ về giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Dũng Minh
18:17 - 04/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Công văn số 1623/BHXH-CSYT gửi Bộ Y tế về việc vi phạm trong cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Quy định hợp lệ về giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội khống để trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ảnh minh họa/VOV

Xử lý nghiêm các hành vi trục lợi trong cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm cấm trục lợi quỹ bảo hiểm. Đây là chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sau khi phát hiện 6 phòng khám đa khoa tại tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người bệnh không đúng quy định. Theo đó, có những trường hợp người bệnh không đi khám, bác sĩ không đi làm, không bị ốm vẫn kê chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thuốc... để trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để phát hiện và chuyển Công an tỉnh Đồng Nai điều tra sự việc từ tháng 5/2022. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị bảo hiểm xã hội trên cả nước thường xuyên rà soát, kiểm tra, thanh tra và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Luật khám chữa bệnh, Luật bảo hiểm y tế, quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế. Đồng thời, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, nhất là các cơ sở y tế tư nhân.

Việc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của một số phòng khám tư nhân ở Đồng Nai đã bị phát hiện và sẽ xử lý nghiêm minh, bốn phòng khám này là Phòng khám đa khoa Tân Long, Long Bình Tân; Tam Đức, Tân Hiệp và Phòng khám đa khoa Quốc tế Mỹ Đức, Long Bình. Theo văn bản hỏa tốc của Sở Y tế Đồng Nai ngày 3/6, các phòng khám này đã cấp giấy chứng nhận nghỉ việc khống cho nhiều người để chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Sở Y tế Đồng Nai đã yêu cầu bảo hiểm xã hội tỉnh tạm dừng hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với các phòng khám này từ ngày 3/6 cho đến khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt nghiêm túc theo quy định của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hợp lệ

Nguyên tắc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội được quy định chi tiết tại Điều 20 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ban hành ngày 29/12/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/3/2018

1. Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội được cấp phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Được cấp bởi cơ sở khám, chữa bệnh (khám, chữa bệnh) được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động và người hành nghề được ký vào giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội phải theo sự phân công của người đứng đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh đó;

- Giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội được cấp phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh đó và đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội được cấp phải đúng với tình trạng sức khỏe của người bệnh và hướng dẫn chuyển môn của Bộ Y tế.

2. Quy định cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội:

- Mỗi một lần khám sẽ chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội .

- giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội chỉ được cấp tối đa cho thời gian nghỉ 30 ngày.

- Trường hợp người lao động cần nghỉ dài hơn 30 ngày, khi hết hoặc sắp hết thời gian nghỉ được ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã cấp thì người bệnh phải tiến hành tái khám để Cơ sở khám, chữa bệnh xem xét quyết định.

- Trường hợp người lao động cùng một thời gian được cấp nhiều giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tại các cơ sở khám, chữa bệnh khác nhau thì chỉ được theo Giấy chứng nhận có thời gian nghỉ dài nhất.

- Trong cùng 1 ngày người lao động khám nhiều chuyên khoa tại cùng một cơ sở khám, chữa bệnh thì chỉ được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do chuyên khoa cuối cùng hoặc chuyên khoa có thời gian nghỉ dài nhất.

3. Người có thẩm quyền ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội:

- Người hành nghề khám, chữa bệnh (y, bác sĩ) làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội . Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phải là pháp nhân thì người hành nghề phải đăng ký mẫu chữ ký với cơ quan bảo hiểm xã hội.

- Trường hợp người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người được ủy quyền đồng thời là người khám, chữa bệnh thì người đó chỉ cần ký và đóng dấu ở phần "Xác nhận của thủ trưởng đơn vị" và không phải ký tên ở Phần y, bác sĩ khám, chữa bệnh nhưng vẫn phải ghi ngày, tháng, năm cấp.

4. Dấu trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Dấu trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là mẫu dấu pháp nhân của cơ sở khám chữa bệnh được đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội, và mẫu dấu có thể tròn, vuông, hình đa giác hoặc các hình dạng khác không yêu cầu bắt buộc.

Tuy nhiên, đơn vị và người lao động cần lưu ý mẫu dấu của các chuyên khoa trong cơ sở khám chữa bệnh không phải là mẫu dấu pháp nhân của cơ sở khám chữa bệnh và không đủ điều kiện xác nhận hợp lệ cho giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

5. Cấp lại Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội

Căn cứ Điều 26 Thông tư số 56/2017/TT-BYT, cơ sở khám chữa bệnh được cấp lại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong các trường hợp sau:

- Bị mất, bị hỏng;

- Người ký các giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền;

- Việc đóng dấu trên các giấy chứng nhận không đúng quy định;

- Có sai sót về thông tin được ghi trên giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp cấp lại phải đóng dấu "Cấp lại" trên giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ dưỡng thai, giấy chứng nhận không đủ sức khỏe để chăm sóc con sau khi sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Để tránh trường hợp đơn vị làm hồ sơ chế độ bị cơ quan bảo hiểm xã hội từ chối lý do mẫu giấy chứng nhận nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội không đúng quy định, đơn vị tham khảo Hướng dẫn cách ghi mẫu giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội.