Thay vì nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động nên bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm

H.Ngọc
17:19 - 19/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đây là lời khuyên của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trước tình trạng số lượng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần tăng cao sau mỗi năm.

Rút bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động bị hạn chế một số quyền lợi

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, có không ít người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần để rồi gặp khó khăn khi tuổi già. Mất việc sau đại dịch, kinh tế gia đình khó khăn khiến một số lao động lựa chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống. Đồng thời một bộ phận nhỏ người lao động vì lợi ích ngắn hạn trước mắt mà rút bảo hiểm xã hội 1 lần để được nhận một khoản tiền "ra tấm, ra món". Tuy nhiên, số tiền này sẽ chỉ đủ trang trải cuộc sống trong thời gian không dài và người rút bảo hiểm xã hội 1 lần lại phải tiếp tục lo mưu sinh cho tuổi già. 

Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ khiến người lao động thiệt thòi lớn về quyền lợi mà còn tạo hệ lụy cho an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.

Thay vì nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động nên bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm - Ảnh 1.

Người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Ảnh: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Cụ thể, khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, một số quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế so với hưởng lương hưu:

Thứ nhất, người lao động không còn trong hệ thống bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng - nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. 

Thứ hai, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già - độ tuổi sức khỏe đã suy yếu.

Thứ ba, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời. Khi người đang hưởng lương hưu không may qua đời, người lo mai táng sẽ được nhận 1 lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc 1 lần.

Thứ tư, so với số tiền đã đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội, người lao động nhận bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ bị "thiệt" hơn. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động (tự đóng 8% và doanh nghiệp đóng 14%), tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu lĩnh bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014.

Thứ năm, khi không rút bảo hiểm xã hội 1 lần, khoản tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là “của để dành” quý giá của người lao động, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý và đầu tư tăng trưởng.

Người lao động nên bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội

Theo lời khuyên của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong trường hợp gặp khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập), người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mọi đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10-25-30% tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tùy nhóm đối tượng.

  • 10 điểm mới trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

    10 điểm mới trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)ĐỌC NGAY

Ngoài ra, trong giai đoạn bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu không may người lao động qua đời, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi qua đời (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở).

Nhằm khuyến khích người lao động ở lại hệ thống Bảo hiểm xã hội để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích để mọi người lao động có thêm cơ hội để được hưởng lương hưu.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận bảo hiểm xã hội 1 lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia bảo hiểm xã hội cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. 

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Đến năm 2022 có hơn 895.000 người rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo Dự thảo Luật sửa đổi, có 2 phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Theo đó, phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93/2015/QH13: sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Phương án 2, cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu rút bảo hiểm xã hội 1 lần thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Bình luận của bạn

Bình luận