Xây dựng Nhà bia lưu niệm tại "thủ đô văn nghệ" thời kháng chiến

11:30 - 09/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mới đây, tại Hạ Hòa (Phú Thọ), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Thời báo Văn học nghệ thuật, Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy ban Nhân dân xã Gia Điền đã tổ chức Lễ động thổ Nhà bia lưu niệm nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ.

Xây dựng Nhà bia lưu niệm tại thủ đô văn nghệ thời kháng chiến - Ảnh 1.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ Động thổ công trình Nhà bia lưu niệm. Ảnh: Thời báo Văn học nghệ thuật

Công trình Nhà bia lưu niệm nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam và Tạp chí Văn nghệ được tổ chức tại xóm Gốc Gạo, xã Gia Điền (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), trên nền đất nhà bà Bủ Gái - người mẹ tần tảo trong bài thơ nổi tiếng “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu.

Xây dựng Nhà bia lưu niệm tại thủ đô văn nghệ thời kháng chiến - Ảnh 2.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự phát biểu khai mạc. Ảnh: Thời báo Văn học nghệ thuật

Tại Lễ động thổ, nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật cho biết, tháng 5/2023, trong chuyến đi cùng Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam “về nguồn”, thăm lại hai địa điểm lịch sử trước thềm kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp, Thời báo Văn học nghệ thuật đã vận động Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội tài trợ nâng cấp và xây dựng quần thể nhà bia lưu niệm.

Nhà báo Hoàng Dự hy vọng, đây sẽ trở thành một điểm về nguồn mang nhiều ý nghĩa với các văn nghệ sĩ, góp phần giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào truyền thống cách mạng và nền văn học nghệ thuật thời kháng chiến.

Xây dựng Nhà bia lưu niệm tại thủ đô văn nghệ thời kháng chiến - Ảnh 3.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu. Ảnh: Thời báo Văn học nghệ thuật

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ôn lại lịch sử vẻ vang của nền văn nghệ kháng chiến: “Tại chính mảnh đất này theo chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, các văn nghệ sĩ tiền bối khi ấy đã bàn bạc, quyết định tổ chức Hội nghị thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) từ ngày 23-25/7/1948, chọn địa điểm ở trên một ngọn đồi thôn Dộc Phát, xã Yên Kỳ cách đó chừng 5km có địa hình hiểm trở hơn. Đại hội thành công với Tổng Thư ký khi ấy là nhà văn Nguyễn Tuân, sau đó toàn bộ cơ quan thường trực lại trở về với Gia Điền hoạt động trong 2 năm, đồng thời ra đời Nhà xuất bản Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ mà sau này là Thời báo Văn học nghệ thuật kế thừa”.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân chia sẻ thêm, buổi lễ động thổ Nhà bia lưu niệm là một trong những hành động tri ân đối với nền văn nghệ Việt Nam, đến đồng bào đã đùm bọc cách mạng, các văn nghệ sĩ mà khi ấy tuổi đời còn rất trẻ. Các văn nghệ sĩ tại nơi đây đã sáng tác những tác phẩm sống mãi với thời gian, đơn cử như “Bầm ơi”, “Bà Bủ” của nhà thơ Tố Hữu, “Trường ca sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao, “Du kích sông Thao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận,…

Đồng thời khẳng định, việc xây dựng Nhà bia lưu niệm là một trong những hành động thiết thực thể hiện trách nhiệm ghi ơn, tri ân các thế hệ văn nghệ sĩ tiền bối và đồng bào nhân dân, cán bộ, đảng bộ địa phương đã giúp đỡ gây dựng nên hồn cốt nền văn nghệ cách mạng thể qua những tác phẩm của các văn nghệ sĩ. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng nhất của văn nghệ sĩ là sáng tác nên những tác phẩm hay, tác phẩm rung động lòng người và sống mãi với thời gian.

Xây dựng Nhà bia lưu niệm tại thủ đô văn nghệ thời kháng chiến - Ảnh 4.

Ông Cát Quốc Việt - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Gia Điền phát biểu. Ảnh: Thời báo Văn học nghệ thuật

Ông Cát Quốc Việt - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Gia Điền cho biết, năm 1997, nhà thơ Tố Hữu đã về thăm và phối hợp với địa phương xây dựng bia lưu niệm, tuy nhiên điều kiện kinh phí khi ấy còn hạn hẹp. Ông Cát Quốc Việt vui mừng khẳng định việc nâng cấp nhà bia, xây dựng quần thể nhà bia lưu niệm là công trình rất có ý nghĩa với địa phương, chính quyền và nhân dân đều mong mỏi. Địa phương sẽ có trách nhiệm quy hoạch, cam kết phối hợp cùng bà con nhân dân giải phóng mặt bằng, cùng đơn vị thi công xây dựng đúng tiến độ, chất lượng.

Cùng với đó, hi vọng sắp tới nơi đây sẽ trở thành một điểm đến về nguồn ý nghĩa cho không chỉ văn nghệ sĩ mà còn đối với các thế hệ trẻ, các em học sinh, giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào truyền thống cách mạng và nền văn học nghệ thuật thời kháng chiến.

Xây dựng Nhà bia lưu niệm tại thủ đô văn nghệ thời kháng chiến - Ảnh 5.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thời báo Văn học nghệ thuật

Nguồn: Thời báo Văn học nghệ thuật
Bình luận của bạn

Bình luận