PVOil thanh minh việc cổ phiếu bị cảnh cáo

Trang Linh
18:11 - 23/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Sau khi cổ phiếu PVOil bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện cảnh báo, doanh nghiệp này đã có phản hồi.

cổ phiếu pvoil

Cổ phiếu OIL của PVOil bị đưa vào diện cảnh báo. Ảnh: PVOil

Cổ phiếu PVOil bị HNX đưa vào diện cảnh báo

Ngày 14/3/2024, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-SGDHN về việc duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu PVOil (OIL) của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP với lý do "Báo cáo tài chính năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ từ 03 năm liên tiếp trở lên". Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 14/3/2024. 

Liên quan đến sự việc này, PVOil cho biết: Trong năm 2023, PVOIL đã nỗ lực khắc phục và xử lý được 2/3 ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán trên báo cáo tài chính năm 2022. 

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của PVOIL chỉ còn 1 ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán liên quan đến khoản đầu tư của PVOIL vào Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB).

Cụ thể, "Giá trị khoản đầu tư của PVOIL vào PVB là 271.593.756.068 đồng tính đến ngày 31/12/2023 dựa theo số liệu báo cáo tài chính chưa được kiểm toán của PVB cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 được lập trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục. Tại ngày báo cáo này, PVOIL vẫn đang chờ phê duyệt của các cơ quan về việc triển khai phương án phá sản cho PVB. 

Dựa trên các thông tin hiện tại, đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến khoản đầu tư vào PVB theo phương pháp vốn chủ sở hữu trên Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không".

Đây là khoản đầu tư góp vốn của PVOIL vào Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu Sinh học Dầu khí (PVB) - công ty liên kết do PVOIL sở hữu 39,76% vốn điều lệ để xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (phát sinh từ trước khi cổ phần hóa PVOIL). 

Dự án đã dừng thi công từ năm 2012, đến nay vẫn trong tình trạng dở dang, chưa được nhà thầu bàn giao cho chủ đầu tư và công trình xây dựng chưa được nghiệm thu, quyết toán.

Hiện nay, các quy định của Nhà nước chưa có hướng dẫn về trích lập và xử lý các khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các dự án dừng thi công, đang trong tình trạng xây dựng dở dang như dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ nêu trên.

Trên cơ sở cân nhắc cẩn trọng các phương án xử lý với hiện trạng của dự án, PVOIL và PVB đã và đang tích cực làm việc với các cổ đông của PVB và các bên có liên quan để xem xét, quyết định phương án phá sản Công ty PVB theo quy định của pháp luật.

Nếu PVB hoàn tất thủ tục phá sản hoặc cơ quan Nhà nước có văn bản hướng dẫn xử lý tài chính đối với trường hợp như dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ thì PVOIL sẽ khắc phục được ý kiến ngoại trừ này và cổ phiếu OIL sẽ thoát khỏi tình trạng cảnh báo.

Bên cạnh đó, PVOIL cho biết thêm, vấn đề liên quan đến khoản đầu tư tại PVB nói trên đã tồn tại từ trước khi PVOIL chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần và hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay cũng như của định hướng, kế hoạch phát triển trong tương lai của PVOIL.

Hồi đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý Nhà nước về kinh doanh dầu chỉ ra nhiều hành vi mua bán trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc được quy định tại Nghị định 83/2014. Trong đó, có vi phạm của PVOil.

Công ty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (PETEC) - công ty con của Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOil đã mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối và các đơn vị thành viên khác thuộc PVOil trên 87.800m3 xăng dầu. Các công ty con của PVOil đã bán xăng dầu cho các thương nhân đầu mối khác trên 131.000m3/tấn.