Gấp rút triển khai nhiều biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết

Nhật Minh
14:34 - 14/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Y tế cho biết sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ tốt nhất cho các tỉnh thành để phòng chống bệnh dịch sốt xuất huyết. Với tình hình cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết như hiện nay, các địa phương cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh hơn nữa.

Không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài

‏Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết ngày 12/6, cả nước đã ghi nhận hơn 52.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 ca đã tử vong. ‏

‏Số ca sốt xuất huyết ở nước ta đang ngày một gia tăng và chưa có chiều hướng giảm. Các chuyên gia dự báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh trong tháng 6 và tháng 7/2022.

Cần triển khai nhiều biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết tại các địa phương - Ảnh 1.

Bác sĩ chăm sóc cho một bệnh nhi nhiễm sốt xuất huyết. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 2

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tại Việt Nam, 80% ca mắc và 100% ca tử vong (36 ca) vì sốt xuất huyết ghi nhận tại khu vực phía Nam.‏

‏Năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.‏

‏Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (ngày 15/6/2022) với chủ đề "Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết".‏

‏Tại một số địa phương như Đồng Nai, Gia Lai cũng đang triển khai nhiều phương án để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bùng phát. 100% hộ gia đình trong khu vực ổ dịch được phun hóa chất diệt muỗi.‏

‏Ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu trong việc xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân và hỗ trợ kịp thời địa phương khi có nhu cầu…‏

Nhiễm sốt xuất huyết dễ trở nặng hơn trên nền hậu COVID-19

‏Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết trên nền hậu COVID-19 là rất lớn. Trẻ đã từng mắc COVID-19 trước đó, nếu bị sốt xuất huyết thì khả năng vào sốc cao hơn nhóm chưa từng nhiễm COVID-19.‏

‏Bác sĩ cảnh báo rằng, trẻ có thể sốt xuất huyết ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng điển hình của bệnh. Trẻ có thể bị sốt không cao hoặc không sốt liên tục nhưng trẻ vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết.‏

‏Các phụ huynh cần lưu ý tới các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện bệnh kịp thời. Đặc biệt, đối với các trẻ em đã từng mắc COVID-19, nhóm trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C trong mùa sốt xuất huyết này. ‏

‏Ngay khi phát hiện trẻ gặp các triệu chứng như sốt cao; nôn ói; chảy máu mũi, máu răng; tiêu chảy, đi cầu phân đen; mệt mỏi... thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám, xét nghiệm để sàng lọc sốt xuất huyết.

Trong hội nghị Tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết tại khu vực phía Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ tốt nhất các tỉnh thành phía Nam trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng như dịch COVID-19.‏

‏Để công tác phòng chống sốt xuất huyết đạt được kết quả, cần phải có sự tham mưu đề Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành ủy vào cuộc. Theo đó, cần chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí cũng như nhân lực để đảm bảo công tác phòng chống sốt xuất huyết, tập trung vào các hoạt động chính như: Truyền thông giám sát xử lý ổ dịch, chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng bọ gậy tại cộng đồng, hiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động…

Phó giáo sư, Tiến sĩ Liên Hương cũng đề nghị Vụ truyền thông, thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế tăng cường truyền thông hơn nữa về công tác phòng chống sốt xuất huyết để đảm bảo công tác truyền thông tốt hơn. Đồng ý thành lập Ban chuyên môn kĩ thuật phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam để hỗ trợ các địa phương.