Đến "hẹn", sốt xuất huyết lại tăng

BS Nguyễn Kiên
17:20 - 21/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đến ngày 16/6, cả nước có hơn 60.000 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 97% so với cùng kỳ 2021 (thêm khoảng 8.000 ca so với tuần trước). Đến 15.6, các tỉnh, thành phía Nam đã có 39.317 ca bệnh (mỗi tuần thêm 6.000 - 8.000 ca và vẫn có xu hướng tăng), 36 tử vong với 20 là trẻ đến 15 tuổi.

Riêng thành phố Hồ Chí Minh có 13.520 ca, 9 tử vong - cao nhất trong 20 tỉnh, thành phía Nam. 

2022 là đỉnh dịch sốt xuất huyết của chu kỳ khoảng 5 năm một lần.

Đáng lo ngại là số ca bệnh nặng và tử vong tăng cao. Ví dụ ở thành phố Hồ Chí Minh tính đến tuần thứ 23 có 238 ca nặng, tỷ lệ trên tổng ca bệnh (238/13.520) là 1,8%, gấp gần 5 lần cùng kỳ 2021, số tử vong hơn cùng kỳ năm ngoái 7 ca. 

Hiện khoa hồi sức nhiễm trùng bệnh viện Nhi Đồng 2 đang có 11 ca nặng đến rất nặng. 

Trong khi 10 tháng năm 2021, cả nước có 53.489 ca sốt xuất huyết, 20 tử vong. 

Đến "hẹn", sốt xuất huyết lại tăng - Ảnh 2.

Muỗi vằn (Aedes aegypti) truyền virus sốt xuất huyết. Ảnh: ECDC

Sáu tháng đầu năm, viện Quân y 175, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 300 ca sốt xuất huyết nhập viện, nhiều ca nặng: suy đa cơ quan, nhiễm trùng máu, vì đến muộn; khoa Truyền nhiễm luôn quá tải. 

Từ ngày 1 - 13/6, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ có 144 ca sốt xuyết huyết nội trú (tăng 982%, hành lang khoa Sốt xuất huyết chật kín; số ngoại trú là 149. Các tỉnh phía Bắc số ca bệnh năm nay giảm sâu, ví dụ Hà Nội từ đầu năm đến nay chỉ có 47 ca…

Ngoài lẽ thường là số ca bệnh nhiều, số ca nặng và tử vong đương nhiên tăng cao thì còn hàng tá nguyên nhân khác. Chẳng hạn, trẻ sốt cao, lại nghi nhiễm COVID nên tự cách ly tại nhà; sau tiêm phòng COVID-19 trẻ sốt lại cho là sốt do phản ứng vaccine nên không đến viện; có ca cha mẹ "chẩn đoán" là sốt phát ban, tự điều trị cho con theo hướng này và đã sai lầm thảm hại. 

Có số rất đông bệnh nhân và người nhà bệnh nhân xem thường sốt xuất huyết nên tự điều trị, dẫn đến không ít ca bệnh nặng, điều trị vô cùng khó khăn. Đó là các thể bệnh sốc; chảy máu phủ tạng; tiểu huyết cầu tố (Hemoglonbin của hồng cầu); suy tim, gan, thận cấp; thể não (ban đầu sốt, đau đầu như các nhiễm virus khác, sau rối loạn tri giác (nhận biết), co giật (do phù não), liệt, hôn mê, tử vong; tiến triển xấu quá nhanh, không thể cứu chữa; đôi khi mù lòa do chảy máu võng mạc mắt, suy thai. 

Nhiều ca, giai đoạn sốt vẫn đi lại bình thường, đến viện thì huyết áp không đo được (bằng 0), nghĩa là tính mạng đã nguy kịch. Do phản ứng giữa kháng thể với virus sốt xuất huyết, giải phóng vào máu nhiều hơn các chất trung gian vận (co, giãn) mạch (Histamin, Kinin, Serotonin, Anaphylatoxin…), gây tăng tính thấm thành mạch máu, làm dịch từ máu thoát mạch bất thường. 

Mặt khác, giảm các yếu tố đông máu nhất là Thromboplastin (quan trọng nhất) do mất vào quá trình tăng đông cùng với suy chức năng gan cũng giảm tổng hợp các yếu tố đông máu và giảm tiểu cầu, gây chảy máu ồ ạt. Khi thể tích tuần hoàn mất 35 - 40% sẽ sốc, huyết áp tụt đến 0, tử vong. Lại có cả chuyện "lửa cháy đổ dầu thêm" như tiêm, cắt lề... 

Một bệnh nhi 7 tuổi, ở Đồng Nai, ngày đầu sốt được bác sĩ quen khám và nghi sốt xuất huyết. Tuy nhiên, vị bác sĩ "đáng kính" này đã tiêm 2 mũi vào mông bé trong 2 ngày. Ngày thứ 3, bé mệt hơn, ói nhiều, đau bụng, li bì, lạnh và tím tay chân mới đến bệnh viện Nhi Đồng 2, khi đã sốc nặng, mạch và huyết áp không đo được… Đã nghi sốt xuất huyết, lại không xét nghiệm số lượng tiểu cầu (chức năng điều hòa máu đông, máu chảy) mà dám tiêm thì quả là "liều" hết mức. 

Vì sốt xuất huyết rất dễ chảy máu, rối loạn đông máu (do giảm tiểu cầu) vào ngày thứ 3 - 5 (có khi ngày 6, 7), vì thế chỉ chảy máu chân răng, mũi, vết tiêm cũng rất nguy hiểm vì không cầm được. Phát bệnh thường sốt, rất mệt mỏi; đau đầu và sau hốc mắt, đau cơ toàn thân; thường đau họng; buồn nôn, nôn; đau thượng vị hoặc tiêu chảy. Hết sốt sau 2 - 7 ngày (có khi hơn) và bắt đầu giai đoạn nguy hiểm nếu diễn biến nặng (nói trên). 

Có rất nhiều người cho rằng hết sốt là ổn - nhưng đó là thiếu hiểu biết tệ hại! Dấu hiệu chuyển nặng là bứt rứt hoặc li bì, nôn nhiều, đau bụng  tăng lên, chảy máu nhiều nơi (mũi, chân răng, ói máu, tiêu phân đen...), lâu cầm máu, tiểu ít; trẻ lạnh người, tím môi hay tay, chân là rất nguy kịch. 

Khỏi bệnh, sốt xuất huyết miễn dịch bền vững với type virus đã nhiễm, nhưng không có miễn dịch chéo với 3 type còn lại, do kháng thể có sẵn không diệt được virus type khác. Sốt xuất huyết mắc quanh năm nhưng tăng mạnh mùa mưa, nóng. Muỗi truyền sốt xuất huyết hoạt động ban ngày (hiếm vào đêm có ánh sáng), vì thế ngủ ngày phải mắc màn; khi sốt phải đi khám, không được tự "chẩn đoán"; không tự dùng thuốc hạ sốt vì dùng sai sẽ gây chảy máu ồ ạt!

Năm 2022 là đỉnh dịch sốt xuất huyết của chu kỳ khoảng 5 năm một lần. Hiện các vùng sốt xuất huyết "truyền thống" (châu Á, Mỹ) số ca đang tăng mạnh. Tổ chức y tế châu Mỹ báo cáo 5 tháng đầu có 1.238.528ca, 426 tử vong: Brazil 1.114.758ca, Peru 45.816ca, Colombia 21.576ca… 

Đến trước 1/6, Singapore chỉ gần 5,7 triệu dân, nhưng có hơn 11.000 ca sốt xuất huyết…