Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hiền: Phụ nữ cần được tạo điều kiện hơn nữa để học tập và phát triển
Giống với nam giới, người phụ nữ có nhiều năng lực để đóng góp vào sự phát triển của xã hội, thúc đẩy sự tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên hiện nay, người phụ nữ vẫn còn gặp nhiều rào cản về cơ hội học tập, hoàn thiện bản thân để phát huy hết những năng lực ấy.
Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Tạp chí Công dân và Khuyến học có cuộc trao đổi về chủ đề này với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hiền - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hiền, vừa đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh, bà đã sắp xếp thời gian như nào để hoàn thành cả hai công việc xã hội trên?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hiền: Đúng là làm bất cứ công việc gì đều phải được sắp xếp hợp lý. Tôi cũng phải sắp xếp việc của Hội Khuyến học và Hội Nữ trí thức sao cho hài hòa, khoa học.
Vì công tác Hội đòi hỏi tính tự giác rất cao, nên tôi luôn chủ động trong việc lên kế hoạch hoạt động sao cho hoàn thành tốt những công việc của Hội trong phạm vi phụ trách.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Trong quá trình học tập và phát triển sự nghiệp, có bao giờ bà cảm thấy khó khăn vì bản thân mình là phụ nữ không?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hiền: Thời trẻ, vừa làm việc, giữ nhiệm vụ quản lý, vừa học tập, nhất là giai đoạn con còn nhỏ, học nghiên cứu sinh ở Hà Nội… tôi gặp không ít khó khăn. Đặc biệt khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh, khi ấy, con tôi còn rất nhỏ (một đứa 3 tuổi, một đứa 6 tuổi). Khó có thể diễn tả được tâm trạng của người mẹ đi học xa nhà trong khi con còn quá nhỏ. Tôi lo lắng cho con mọi thứ.
Ông xã tôi khi đó công việc cũng rất bận nhưng vẫn phải dành thời gian cho con, đi chợ lo đồ ăn, rồi dẫn con đi chơi… để cho con cảm thấy nó không thiếu thốn về tình cảm khi mẹ vắng nhà. Vai trò của người cha lúc ấy là đảm nhận cả hai vị trí để con vui, cho con hơi ấm của gia đình.
Khi thành lập Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, tôi là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 2. Con còn nhỏ, trong khi quận mới thành lập, công việc bộn bề, tôi thường xuyên phải đi từ sáng sớm đến chiều tối mới về, kể cả thứ 7, Chủ nhật. Việc chăm sóc con cái vẫn bị hạn chế nhiều. Hết giờ làm, trở về nhà, tôi vẫn sắp xếp, chuẩn bị bữa ăn ngày hôm sau cho gia đình, Chủ nhật tôi tranh thủ đi chợ cho cả tuần.
Dù nhiều khó khăn, nhưng với tuổi trẻ và sự nhiệt huyết, tôi luôn phấn đấu, rèn luyện, học tập, vượt qua tất cả.
Cho tới khi nghỉ hưu, tôi vẫn say mê làm công tác xã hội.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Từ câu chuyện của mình, soi chiếu vào bối cảnh hiện nay, theo bà, quá trình xây dựng xã hội bình đẳng giới tại Việt Nam đã đạt kết quả như thế nào và phụ nữ hiện nay gặp còn những rào cản nào về cơ hội học tập, phát triển bản thân và sự nghiệp?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hiền: Trước đây rào cản về bất bình đẳng giới còn nhiều, càng về sau Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách thực hiện bình đẳng giới, quan tâm tuyên truyền, vận động người dân nên đã tháo gỡ nhiều khó khăn.
Vì vậy, sự đóng góp của phụ nữ đối với xã hội ngày càng rõ hơn và xã hội ngày càng công nhận năng lực của người phụ nữ. Song, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra, gây trở ngại cho phái nữ học tập, phát triển,
Rào cản lớn nhất là sự mặc cảm, tự ti của chính người phụ nữ, tâm lý an phận thủ thường, không phấn đấu vươn lên, tư tưởng bằng lòng với những kiến thức, hiểu biết mình có.
Bên cạnh đó, còn nhiều người nam giới không muốn vợ hơn mình, muốn bản thân là người làm chủ gia đình, nên không tạo điều kiện cho vợ học tập, phát triển sự nghiệp.
Tư tưởng gia trưởng, định kiến giới ở nhiều nơi làm việc cũng khiến người phụ nữ không được tạo cơ hội để thăng tiến phát triển sự nghiệp, đóng góp cho đơn vị, xã hội….
Nếu người phụ nữ không được tạo điều kiện để học tập, phát triển bản thân, sự nghiệp, chỉ làm nội trợ trong gia đình thì sẽ là sự thiệt thòi lớn, xã hội sẽ thiếu hụt đi nguồn lực con người cho sự phát triển và quốc gia cũng sẽ chậm tiến lên.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Theo bà, cần phải làm gì để thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới, đặc biệt là về cơ hội học tập, phát triển bản thân, sự nghiệp của người phụ nữ?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hiền: Bản thân người phụ nữ phải có quyết tâm cao, đó là then chốt. Bên cạnh đó, gia đình và xã hội phải vào cuộc.
Hiện tại, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người còn nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, vì bản thân người phụ nữ dù có cố gắng, quyết tâm cho đến đâu cũng không thể một mình vượt qua những khó khăn trên.
Vì vậy rất cần các chủ trương, chính sách thật mạnh mẽ, cụ thể ở từng vùng, miền để người phụ nữ có được cơ hội tham gia học tập, tiến bộ, rèn luyện tốt hơn.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Để thúc đẩy sự nghiệp khuyến học - khuyến tài cho mọi người dân nói chung và phụ nữ nói riêng, bà muốn chia sẻ điều gì?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hiền: Sự nghiệp khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ của tất cả mọi người, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, để sự nghiệp này phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trong đó công tác tuyên truyền, vận động mọi người ý thức, tham gia là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Vì vậy, vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể phải tích cực vào cuộc để cùng nhau góp sức, phấn đấu học tập, giúp và tạo mọi cơ hội cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, đều được học tập để tiến bộ, để có cuộc sống tốt đẹp, cùng nhau xây dựng một xã hội học tập. Đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.
Xin cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Hiền về những chia sẻ rất ý nghĩa!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google