GS.TS. Lê Thị Hợp: Hội Nữ trí thức Việt Nam là "ngôi nhà chung" cho khát vọng cống hiến của nữ trí thức

img

Việt Nam được nhìn nhận là quốc gia đặc biệt xem trọng vai trò của nữ giới trong việc đóng góp tri thức, xây dựng xã hội bình đẳng về học tập, nghiên cứu khoa học. Tỉ lệ nữ trí thức trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học xã hội – nhân văn, y tế - sức khỏe luôn chiếm đa số. Điều này cho thấy "chìa khóa" của cánh cửa tri thức mới đang nằm trong tay những phụ nữ giỏi giang, giàu kiến thức và tâm huyết cống hiến.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bà là chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng và cũng là một trong những người có công xây dựng đội ngũ, lớp trí thức Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Những nghiên cứu của bà đã góp phần cải thiện sức vóc của người Việt Nam. Các giải pháp về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam đều có dấu ấn trí tuệ của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp đã chia sẻ nhiều ý tưởng trong tiến trình phát triển Hội Nữ trí thức Việt Nam. Bà  gọi đó là "ngôi nhà chung" của các nữ trí thức – nơi ươm mầm ý tưởng, nuôi dưỡng cá tính sáng tạo cũng như sự quyết liệt bền bỉ trong hoạt động khoa học.

Và đặc biệt, với các nữ trí thức, những khát vọng vươn tới chân trời khoa học đều không có tuổi, đều lấp lánh văn hóa, vẻ đẹp riêng và tỏa sáng bằng năng lượng trí tuệ tự thân.

GS.TS. Lê Thị Hợp - Ngôi nhà chung cho khát vọng cống hiến của nữ trí thức - Ảnh 1.

PV: Thưa Giáo sư, trên cương vị Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026, bà đã gọi đây là "ngôi nhà chung" của các nữ trí thức. Vậy trong ngôi nhà ấy, các nữ trí thức đã được khích lệ, hỗ trợ như thế nào trong hoạt động khoa học?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp: Tôi phải nói ngay rằng, người truyền cảm hứng cho chúng tôi là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan. Giáo sư Doan là Chủ tịch danh dự, là một phụ nữ nghiêm túc, nỗ lực và tràn đầy nhiệt huyết trong hoạt động khoa học giáo dục. Bà truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ phụ nữ vừa hoạt động khoa học vừa tham gia hoạt động Hội.

Tôi cũng được thừa hưởng nhiệt huyết rất nhiều từ Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Thị Trân Châu, người đã sáng lập và đứng trên cương vị Chủ tịch Hội Nữ trí thức 2 nhiệm kỳ.

Đặc điểm riêng của Hội Nữ trí thức là thành viên gồm phụ nữ trí thức, phụ nữ làm khoa học đã có bằng cấp gia nhập Hội. Vậy nên giờ đây chúng tôi có chung một "ngôi nhà" gồm các nữ trí thức ở các tỉnh, các khu vực, viện nghiên cứu, các trường đại học, câu lạc bộ… Kinh nghiệm cho thấy đơn vị nào có Hội Phụ nữ phát huy nhiều sức mạnh và nhiều phụ nữ làm công tác khoa học thì ở đó Chi hội Nữ trí thức sẽ phát triển.

Hiện nay, Hội Nữ trí thức là hội thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội Nữ trí thức gồm có 8 hội thành viên, 29 chi hội trực thuộc và gần 5000 hội viên trên toàn quốc. Chỉ mới 10 năm, nhưng hoạt động của Hội Nữ trí thức đã có nhiều thành tựu ấn tượng, là một hội thành viên có những đóng góp hiệu quả đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

GS.TS. Lê Thị Hợp - Ngôi nhà chung cho khát vọng cống hiến của nữ trí thức - Ảnh 2.

PV: Thưa Giáo sư, trở thành thành viên của "ngôi nhà chung" của nữ trí thức Việt Nam, những hội viên của Hội đã đạt được những thành tựu như thế nào?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp: Nữ trí thức trong Hội chúng tôi rất nhiều người giỏi, trong tất cả các lĩnh vực từ giáo dục, y tế đến chăn nuôi, môi trường, kinh tế… Đó là một điều thuận lợi.

Trong bối cảnh nước ta và thế giới nhiều biến động hiện nay, phụ nữ vẫn luôn gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động khoa học do đặc tính giới. Tuy nhiên, trong bức tranh chung về hoạt động khoa học, phụ nữ đạt được những thành công riêng, rất đặc thù.

Chúng tôi có những cái tên gắn với thành tựu của phụ nữ, gắn với cả đời nghiên cứu tìm tòi như: chị Trâm lúa, chị Phương Liên vaccine, chị Oanh oganic, chị Hòe "3 trong 1" vừa là nữ doanh nhân, nhà khoa học lại là nhà quản lý giỏi. Nhiều nữ trí thức là Anh hùng lao động. Rất nhiều các nhà khoa học nữ đoạt các giải thưởng. Đặc biệt có cả nữ trí thức khoa học làm công trình ngầm – công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

GS.TS. Lê Thị Hợp - Ngôi nhà chung cho khát vọng cống hiến của nữ trí thức - Ảnh 3.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp (đứng giữa) cùng các nữ trí thức tiêu biểu

PV: Giáo sư có thể chia sẻ nhiều hơn về trải nghiệm của bản thân, từ người làm khoa học đặc thù tới việc làm quản lý, điều hành hội xã hội nghề nghiệp như Hội Nữ trí thức Việt Nam?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp: Cả cuộc đời tôi chuyên tâm cho nghiên cứu khoa học và theo đuổi cải thiện dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, cho người già, để chất lượng cuộc sống ai cũng tốt hơn. Tôi đã thấy đó là công việc hữu ích.

Khi được giới thiệu và bầu giữ vị trí Chủ tịch Hội Nữ trí thức, tôi cũng ngần ngại vì nhìn đi nhìn lại, Hội của chúng tôi rất nhiều người giỏi từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhưng khi nhận nhiệm vụ, tôi lại thấy rất hào hứng và thú vị. Cái nhìn của tôi được mở mang ra nhiều. Cũng vì đây là Hội của nhiều lĩnh vực. Tôi được học hỏi thêm những kinh nghiệm quý, những kỹ năng mới. Sắp tới đây, tôi muốn tổ chức những hội thảo chuyên đề về dinh dưỡng cho người lớn tuổi, để phụ nữ cao tuổi vừa sống khỏe, mạnh trí lực để cống hiến và chia sẻ những tích lũy của mình trong cả cuộc đời làm khoa học.

Hoạt động Hội thực sự đã làm tôi yêu cuộc sống hơn. Trong Hội chúng tôi có cả lĩnh vực nghệ thuật. Hôm qua tôi vừa được xem một vở kịch "Làm vua" rất hay của một thành viên Hội Nữ trí thức là Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc. Vở kịch gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ về thời cuộc, về những triết lý cuộc sống và cống hiến không bao giờ cũ.

PV: Với nhiều cá nhân thành tích cao hợp thành "ngôi nhà chung" này, Hội Nữ trí thức Việt Nam phải làm gì để tổng hợp được sức mạnh, phát huy những sáng tạo của các thành viên, thưa Giáo sư ?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp: Chúng tôi luôn có sự kiện tôn vinh những cá nhân điển hình. Tập trung vào giới thiệu sản phẩm, hội thảo chia sẻ và ứng dụng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nữ.

Đặc biệt, Hội Nữ trí thức có 3 đơn vị trực thuộc Hội được thành lập hoạt động hết sức hiệu quả là: Trung tâm Ứng dụng Khoa học công nghệ và Khởi nghiệp (COSTAS); Trung tâm Khoa học Công nghệ Tri thức Bách khoa (BKSCITEC) được kiện toàn, nâng cấp từ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng tôi có tạp chí Phụ nữ mới để giới thiệu và truyền thông về kết quả nghiên cứu của các nữ trí thức, tấm gương nữ trí thức tiêu biểu...

Hội Nữ trí thức Việt Nam sẽ tiếp tục tập hợp đoàn kết nữ trí thức, phát huy sức mạnh trí tuệ của phụ nữ Việt Nam trong và ngoài nước, khơi dậy khát vọng cống hiến của nữ trí thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hội Nữ trí thức hoạt động theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số. Chúng tôi tăng cường hợp tác với các hội, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia tích cực các hoạt động của Mạng lưới các nhà khoa học nữ trên thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương để hội nhập, nâng cao vị thế nữ trí thức Việt Nam.

GS.TS. Lê Thị Hợp - Ngôi nhà chung cho khát vọng cống hiến của nữ trí thức - Ảnh 4.

Đại hội đại biểu Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ III (2021-2026). Ảnh: Hội Nữ Trí thức Việt Nam

PV: Cho đến thời điểm này, qua thập kỷ hoạt động, các nhà khoa học nữ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó đóng góp ấn tượng nhất ở mảng nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp: Với lực lượng hội viên mạnh, có nhiều nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và các nền kinh tế nên công tác tư vấn, phản biện xã hội của Hội trong nhiệm kỳ II đã đóng góp hiệu quả trong quá trình xây dựng các chính sách về giáo dục, khoa học công nghệ và bình đẳng giới.

Hội cũng đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao vai trò của nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước: Tổ chức thành công 2 Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ I (2019), lần thứ II (2020) và chủ trì nhiều hội thảo khoa học chuyên đề.

2 Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc đã giới thiệu, quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học của nữ trí thức Việt Nam (93 công trình khoa học và 56 báo cáo khoa học) thu hút sự quan tâm của xã hội đồng thời tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng sáng tạo tới đông đảo hội viên và cộng đồng khoa học.

Các hội thảo chuyên đề đã hỗ trợ, chia sẻ kết quả nghiên cứu, cập nhật các thông tin khoa học công nghệ mới cho hội viên.

Hội đã chủ quản và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu, dự án chuyển giao công nghệ. Từ các dự án và đề tài, Hội đã xây dựng được sàn giao dịch trực tiếp, trực tuyến về công nghệ/sản phẩm khoa học công nghệ, giới thiệu hơn 200 sản phẩm, hỗ trợ chuyển giao 6 công nghệ/sản phẩm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các hoạt động hợp tác quốc tế được quan tâm, mở rộng và đẩy mạnh bao gồm cả hợp tác đa phương và song phương với nhiều đối tác là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có yếu tố nước ngoài.

Hội chúng tôi tiếp tục tham gia tích cực với tư cách là thành viên chính thức của Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (INWES-APNN).

PV: Để tiếp tục sự nghiệp đó, việc theo đuổi nghiên cứu khoa học khó khăn, thuận lợi như thế nào đối với nữ giới, thưa Giáo sư?

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp: Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hợp tác quốc tế bị hạn chế rất nhiều. Việt Nam cũng phát triển thành quốc gia phát triển trung bình, không còn là chậm phát triển nên các dự án từ nước ngoài cũng rút dần khỏi Việt Nam. Chưa kể, tỷ lệ nữ giới làm quản lý của các đơn vị rất ít. Phụ nữ không được đứng tên trong đề tài khoa học cấp nhà nước.

Mặt bằng chung các quốc gia trên thế giới, nữ giới làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học rất ít. Trước đây, tỉ lệ chỉ có 2%. Nhưng bây giờ tỷ lệ nữ giới làm khoa học đã tăng lên trên 20% - đó là tín hiệu vui mừng.

Một điều nữa, hiện nay về ngoại ngữ và tin học của một số nữ giới còn hạn chế. Việc xây dựng dự án đòi hỏi phải giao tiếp bằng ngôn ngữ quốc tế, phải học hỏi tìm tòi các nguồn thông tin.

Khoa học không phân biệt nam nữ, mà đòi hỏi kiến thức trên một nền tảng. Phụ nữ phải cố gắng có kỹ năng về máy tính, về ngoại ngữ thì mới có thể làm khoa học.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp

Tôi không dám đánh giá chung một điều gì đó riêng cho phụ nữ làm khoa học. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng phụ nữ cần học hỏi, phải tự đọc, tự nghiên cứu, tự học hỏi. Nữ thanh niên hiện nay nhanh về công nghệ thông tin thì lại xuất hiện sự ỷ lại. Cái gì cũng tra google cũng sẽ tạo ra những trí não sao chép, kém sáng tạo. Như thế là phản khoa học.

PV: Đối với một tờ tạp chí hoạt động vì phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập như Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, xin bà cho độc giả của tạp chí những lời khuyên, ý kiến quý báu, những kinh nghiệm để trong lĩnh vực bồi đắp nguồn nhân lực, nhân lực đặc biệt, các phong trào tự học trong phụ nữ…

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Hợp: Tôi cho rằng, với thời đại nào, sự học tập vươn lên cũng rất cần thiết đối với tất cả nam và nữ.

Phụ nữ cần phải phát huy cá tính nổi trội của bản thân để vươn tới thành công. Hiện nay, cũng có nhiều nữ khoa học trẻ, hăng hái trong khởi nghiệp, đa năng trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, phát huy động viên thế hệ mới để họ bừng dậy được tiềm năng khát vọng của mình là nhiệm vụ của Hội Nữ trí thức chúng tôi.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

GS.TS. Lê Thị Hợp - Ngôi nhà chung cho khát vọng cống hiến của nữ trí thức - Ảnh 5.

Trương Thúy Hằng