Công dân khuyến học

Phổ cập giáo dục mầm non – bài toán không chỉ của ngân sách quốc gia

Phổ cập giáo dục mầm non – bài toán không chỉ của ngân sách quốc gia

Ngô Hiển

Ngô Hiển

13:49 - 18/05/2025
Công dân & Khuyến học trên

Chính phủ quyết định trình Quốc hội chủ trương đầu tư 116.000 tỉ đồng (khoảng 4,5 tỉ USD) để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi thể hiện tầm nhìn, sự quyết tâm mạnh mẽ của hệ thống chính trị khi đặt trẻ em là trung tâm của chính sách phát triển.

Phổ cập giáo dục mầm non – bài toán không chỉ của ngân sách quốc gia - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ thêm với Tạp chí Công dân và Khuyến học về vấn đề này.

Phóng viên: Lần đầu tiên Chính phủ đề xuất một nguồn kinh phí lớn là 116.000 tỉ đồng để phổ cập giáo dục mầm non, với nhiều năm công tác ở Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường (nay là Hội đồng tư vấn về Khoa học công nghệ và Chuyển đổi số), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Trần Hậu: Chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi với khoản đầu tư 116.000 tỉ đồng là một bước đi lớn và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng giáo dục từ gốc. Nhìn lại lịch sử, chủ trương phổ cập giáo dục không phải vấn đề mới, trước đã nói nhiều lần, bàn nhiều lần nhưng không làm được bởi nhiều yếu tố, còn bây giờ là bàn để làm.

Trước đây đất nước còn rất khó khăn, ăn chưa no thì khó bàn đến các việc khác. Thời bao cấp, ai cũng biết có nhiều bất cập, nhưng họ ngại thay đổi bởi lo đến "sổ gạo" – yếu tố quyết định gia đình có đủ lương thực để ăn không. Trong khi đó nhà nước cũng thiếu thốn, ngành nào, bộ nào cũng muốn xin ngân sách thì tiền đâu ra bởi "thu không đủ chi, làm không đủ ăn". 

Sau đổi mới, với chủ trương xã hội hóa giáo dục nên cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục nâng lên. Hiện nay, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kinh tế tăng trưởng hàng năm, thu nhập quốc dân tăng lên là thời điểm phù hợp để triển khai các chính sách này.

Việc đầu tư mạnh cho giáo dục mầm non cho thấy Đảng và Nhà nước không chỉ coi trẻ em là đối tượng chăm sóc, mà còn đầu tư cho tương lai. 

Hiện nay ở trên đất nước còn nhiều vùng khó khăn, trẻ em không có điều kiện đến trường mẫu giáo vì thiếu lớp, thiếu giáo viên... Chủ trương này sẽ đảm bảo "các em đều được học hành", tạo sự đẳng giáo dục, không để trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số không được đến trường. Tuy nhiên, từ chủ trương đi vào cuộc sống là một quá trình dài, mà thực tiễn sẽ cho chúng ta thấy những mặt tốt và mặt bất cập trong quá trình thực hiện diễn ra.

Phóng viên: Nhiều năm công tác tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông có những góp ý nào để quá trình triển khai đi vào thực tiễn một cách thiết thực nhất.

PGS.TS Trần Hậu: Chủ trương có tốt đến đâu nhưng triển khai không đúng, không sát thực tiễn thì dễ rơi vào hình thức. Thực tiễn phụ thuộc con người cụ thể, bởi nếu có hiểu đúng thì mới chấp hành và thực hiện một cách nghiêm túc nhất các chủ trương mà Trung ương đề ra.

Do đó, yếu tố tiên quyết đầu tiên là khâu tổ chức và lựa chọn cán bộ có năng lực, đáp ứng được các yêu cầu và nhiệm vụ trong bối cảnh mới hiện nay của ngành Giáo dục. Người cán bộ đó không chỉ có trình độ mà còn có tâm huyết với ngành, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục.

Thứ hai là cần có bộ khung tiêu chí, văn bản hướng dẫn cụ thể cho người thực hiện, khi kiểm tra thì đánh giá kết quả thực hiện theo các văn bản ban hành.

Thứ ba là cần công khai, minh bạch, có bộ tiêu chí giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn lực. Cơ chế giám sát cần độc lập, sự tham gia của Mặt trận, đoàn thể và người dân

Thứ tư là ưu tiên nguồn lực cho các địa phương còn khó khăn như vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Nhiều nơi học của trẻ em miền núi vẫn là nhà tạm, thiếu thốn nơi ăn, chốn ở, nơi sinh hoạt.

Phóng viên: Cả nước đang chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình để năm 2045 thành nước phát triển, ông có suy nghĩ gì về những chủ trương giáo dục để tạo ra một thế hệ đủ năng lực đưa đất nước ngày càng phát triển.

PGS.TS Trần Hậu: Thế hệ trẻ ngày nay rất tốt, năng động, nhiều bạn đạt được thành quả mới trong nghiên cứu khoa học, giành giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế. Đó là thành quả của ngành giáo dục và cũng là thành công của 40 năm đổi mới. 

Trước đây chúng ta nói nhiều về thành quả kinh tế chứ ít nói nhiều về xã hội. Nhờ đổi mới đã đào tạo ra nhiều thế hệ trẻ có tiềm năng tiếp cận với sự phát triển khoa học công nghệ mới, hội nhập với quốc tế mà chúng ta chưa nhìn thấy và đánh giá hết được. 

Rất nhiều giải thưởng về khoa học công nghệ được dành cho bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học như: Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (hay còn gọi là ViSEF) là cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức; Giải thưởng Sáng kiến Khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ… Họ đã biến những cái "không tưởng thành hiện thực". 

Mảnh đất đổi mới chính là môi trường, điều kiện sinh ra lớp người mới, đó là nên tảng bền vững cho sự nghiệp phát triển đất nước. Để tiếp tục sự nghiệp đổi mới, chuẩn bị cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng thế hệ trẻ kế cận – những chủ nhân tương lai của đất nước, việc đầu tư giáo dục là rất cấp thiết. 

Đồng hành với nó là việc sử dụng nguồn lực tốt nhất mà phát huy hiệu quả cao nhất. Nhiều năm trôi qua nhưng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người" vẫn là kim chỉ nam cho ngành giáo dục, khẳng định tầm quan trọng của giáo dục và phát triển con người, nhất là từ bậc mầm non như một chiến lược lâu dài cho tương lai dân tộc.

Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon