Phổ biến luật, rất cần người trẻ

Thụy Văn
16:39 - 19/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trẻ hóa đội ngũ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là việc mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả thực tiễn. Tuy nhiên, mục tiêu này đang là thách thức của những người thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến toàn dân hiện nay.

Cần trẻ hóa đội ngũ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật - Ảnh 1.

Đội ngũ sinh viên Luật theo học tại Trường Đại học Luật hiện nay. Ảnh TTH

Việc trẻ hóa đội ngũ trực tiếp làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật là phương án tối ưu để tăng cường hiệu quả công tác giáo dục pháp luật vốn đã rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin nhân lực hiện nay rất quan trọng cho hoạch định chính sách.

Một trong những đơn vị có sự quan tâm đặc biệt đối với chính sách này là Trường Đại học Luật Hà Nội. Nhà trường luôn tổ chức các tọa đàm, lắng nghe ý kiến sinh viên về định hướng tương lai cho việc làm của các sinh viên trẻ. Họ có sẵn sàng trở về quê hương để công tác không? Có hào hứng đứng vào hàng ngũ những tuyên truyền viên pháp luật tới từng địa phương, từng người dân không? Đó là câu hỏi rất cần thông tin khảo sát thực tế.

Thực tế là hầu như các sinh viên Luật mong muốn sau khi ra trường có việc làm thu nhập cao và ở lại các trung tâm đô thị lớn. Mâu thuẫn nội tại của họ là vừa mong muốn được hỗ trợ các cộng đồng đang thiếu thốn kiến thức pháp luật, vừa thỏa hiệp với bản thân là ở lại thành thị sẽ có nhiều cơ hội hơn cho phát triển sự nghiệp và lợi ích riêng tư.

Vì thế, có một sự thật là tăng cường nhân lực tốt, trẻ và trách nhiệm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật là việc khó. Việc đưa ra giải pháp thu hút và phát huy vai trò của sinh viên Luật phải phương án chính sách đáp ứng nhu cầu từ nhiều phía: địa phương cần người trẻ làm cán bộ tư pháp và sinh viên Luật ra trường cần hỗ trợ để tìm kiếm việc làm tại quê hương.

Một khía cạnh quan trọng khác là đội ngũ sinh viên luật thân là người dân tộc thiểu số, am hiểu tâm lý đồng bào dân tộc mình, lại là đội ngũ có kiến thức, có hiểu biết và nắm trong tay thượng tầng kiến thức pháp luật là một tài sản về nguồn nhân lực. Đây là nguồn lực con người chủ chốt cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số, vùng biên giới hải đảo rất cần phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay.

Những năm qua mặc dù công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được tăng cường nhưng nhận thức và nhu cầu pháp luật của vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa được đáp ứng đủ. Tỉ lệ nhận thức một số vấn đề pháp luật liên quan đến quyền cơ bản con người còn hạn chế. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi chưa đảm bảo độ sâu và tính bền vững. Rất nhiều nơi thiếu nhiều thông tin, kiến thức pháp luật. Nhu cầu tăng cường đội ngũ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật về địa phương là cấp thiết và đây sẽ là phương án thay đổi nhận thức về pháp luật lâu dài trong cộng đồng.

Trường Đại học Luật Hà Nội hiện có hơn 20% sinh viên là người dân tộc thiểu số, trong đó có cả các sinh viên dân tộc rất ít người. Các sinh viên biết nói tiếng của dân tộc mình là một lợi thế trong việc tuyên truyền,phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào. Bởi thực tế rất nhiều dân tộc thiểu số hiện nay còn nhiều người không biết tiếng phổ thông. Họ không tiếp cận được bất cứ phương tiện thông tin đại chúng hiện đại nào vì không nghe hiểu. Thử thách đối mặt với việc tuyên truyền về dịch COVID-19 vừa qua là một cuộc tập dượt thực tiễn của những người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật càng cụ thể, dễ hiểu, trực tiếp thì càng có hiệu quả đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hơn thế nữa, để phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số một cách hiệu quả phải có những giải pháp triển khai phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của đồng bào. Nếu chính sách trước hết sinh ra để khuyến khích vùng đồng bào thiểu số thì phải dành riêng và đãi ngộ riêng cho vùng này. Chưa kể sự khác biệt về văn hóa khiến các cơ chế, chính sách để huy động, thu hút đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cập kênh. Phong tục, tập quán không phải là rào cản mà là phương tiện để phổ biến giáo dục pháp luật. Cần tận dụng yếu tố văn hóa cho công tác tuyên truyền, đồng thời sử dụng nguồn nhân lực trẻ, nhiệt huyết, sức cống hiến mạnh mẽ.

Từng sinh ra và lớn lên tại các vùng dân tộc thiểu số, nhiều sinh viên Luật chia sẻ thẳng thắn về thực trạng công tácphổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương mình. Sinh viên Lò Thị Lệ Trang quê ở Điện Biên chia sẻ cán bộ tư pháp xã hiện nay ở địa phương phần lớn thời gian ngồi làm việc ở văn phòng. Họ không chú trọng việc hỗ trợ kiến thức pháp luật cho nhân dân. Đi vào vụ việc cụ thể giải đáp pháp luật càng không. Mặt khác, cán bộ tư pháp thiếu trách nhiệm với công việc. Họ thiếu khiêm tốn và thiếu kỹ năng tiếp xúc với nhân dân để giải quyết thủ tục hành chính thông thường. Người dân khi tiếp cận với cán bộ tư pháp gặp thái độ nóng vội thì nản lòng, lần sau từ chối tư vấn pháp lý. Theo những sinh viên này, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và văn minh công chức xã cũng là một yếu tố quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Ở các vùng khác, các sinh viên còn cho biết, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật hiện nay còn nửa vời, hình thức. Có những cuộc họp dân, người dân chỉ đến nhận quà, nghe văn nghệ rồi ra về. Chính vì vậy việc sử dụng cán bộ tài giỏi về quan hệ công chúng sẽ có thành công. Việc đổi mới cách tuyên truyền, sử dụng nghệ thuật sân khấu hóa, kịch thông tin mới thu hút được bà con.

Vấn đề đặt ra là khi đã có chế độ chính sách để sinh viên Luật trở về làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương thì các sinh viên có sẵn sàng về quê hương để làm công này không? Trả lời câu hỏi này, các sinh viên đều cho hay họ sẵn sàng về lại địa phương sau khi tốt nghiệp đại học để bổ sung cho đội ngũ cán bộ phổ biến giáo dục pháp luật. Mong muốn được cống hiến cho quê hương, xây dựng vùng đồng bào thiểu số phát triển, đồng thời báo hiếu bố mẹ ở quê nhà là nhu cầu thiết thực của các sinh viên dân tộc thiểu số. Khi mong muốn và khao khát cống hiến gặp các chính sách phù hợp của Nhà nước thì công tác phổ biến giáo dục pháp luật sẽ có hiệu quả cao.

Trong bối cảnh lực lượng tại chỗ ở địa phương cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn thiếu và yếu thì đội ngũ sinh viên người dân tộc thiểu số chính là nguồn nhân lực quan trọng thực hiện hiệu quả chương trình phổ biến giáo dục pháp luật cho chính đồng bào trên quê hương mình.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ nhân lực này để góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho đồng bào.