Phát hiện trường hợp nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Whitmore

17:04 - 08/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 8/6, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk thông tin về trường hợp mắc bệnh Whitmore, thường gọi là bệnh “vi khuẩn ăn thịt người” đầu tiên tại địa phương.

Đắk Lắk: Phát hiện trường hợp mắc bệnh “vi khuẩn ăn thịt người” - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Bệnh nhân là bé gái 9 tuổi ở huyện Ea Sup, nhập viện với triệu chứng sốt cao, tuyến mang tai hai bên sưng to, góc hàm (T) có điểm ấn mềm hóa mủ, há miệng hạn chế. Họng em đỏ nhẹ loét ở đầu lưỡi một nốt, ăn uống kém, không nôn, bụng mềm, gan lách không lớn, cổ mềm mềm, dấu màng não âm tính.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk cho biết bé sốt liên tục 39 độ C, khối áp xe tuyến mang tai đã được rạch, đi đại tiện lỏng 5 lần một ngày. Theo kết quả xét nghiệm, em dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei - vi khuẩn gây bệnh Whitmore, thường được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người", chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm màng não.

Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết ngành y tế địa phương đang khẩn trương điều tra dịch tễ ca mắc Whitmore này. Hiện chưa rõ nguồn lây từ đâu và bé gái bắt đầu các triệu chứng từ 10 ngày trước khi vào viện hôm 4/6.

Nhiễm vi khuẩn ăn thịt người hay còn gọi là bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Bệnh này nguy hiểm gây tổn thương nhiều cơ quan có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Trong số các ca mắc bệnh Whitmore, 90% bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa trong số họ có nguy cơ biến chứng sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Một loạt các dấu hiệu và triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh lao hoặc bệnh viêm phổi.

Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người già, người khỏe mạnh đến người mắc các bệnh nền. Bệnh Whitmore thường xảy ra lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch lớn.

Bệnh có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp-xe tuyến vú do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Hoặc lây truyền qua việc tiếp xúc vết xước trầy da với động vật chết do nhiễm bệnh Whitmore như: chó, mèo, bò, dê...

Để điều trị bệnh này cần một quá trình theo dõi kéo dài và tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bài trong điều trị và tỷ lên tử vong do bệnh này lên tới hơn 40%.

Đắc Quang (Tổng hợp)

Nguồn: Tổng hợp