Cẩn trọng với dịch sốt xuất huyết đang lan rộng ở các tỉnh thành phía nam

Thế Bằng (tổng hợp)
09:53 - 08/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang tiếp tục lan rộng trên địa bàn các tỉnh thành phía nam, số ca mắc tăng mạnh so với cùng kì năm ngoái. Đặc biệt có những tỉnh số ca mắc tăng 156% so với cùng kì 2021, số ca bệnh nặng tăng gấp 7 lần so với năm trước.

Hiện tại các tỉnh khu vực phía Nam đang đến mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng mạnh, mưa nhiều khiến cho dịch bệnh này đang lây lan rộng tại nhiều khu vực.

Thành phố Hồ Chí Minh: Số ca sốt xuất huyết nặng tăng gấp 7 lần so với cùng kì 

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 2/6/2022 số ca sốt xuất huyết là 7.430 ca, tăng 15% so với cùng kỳ 2021.

Cẩn trọng với dịch sốt xuất huyết đang lan rộng ở các tỉnh thành phía nam - Ảnh 1.

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số ca sốt xuất huyết nặng tăng 7 lần so với năm trước, khả năng cao sẽ có dịch lớn về sốt xuất huyết theo chu kỳ (khoảng 4-5 năm bùng phát một lần). Số ca tử vong do sốt xuất huyết tại thành phố đến nay là 7 ca, trong đó 5 người lớn và 2 trẻ em (tăng 5 ca so với cùng kỳ).

Đồng Tháp: Số ca mắc tăng hơn 156%

Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, tính đến đầu tháng 6/2022 có 565 ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện, ghi nhận 1.358 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 156% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 828 ca), trong đó 47 trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng chiếm 3,5%; 1 trường hợp tử vong.

Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao như huyện Hồng Ngự, thành phố Hồng Ngự và thành phố Cao Lãnh.

Sóc Trăng: Số ca mắc xuất huyết tăng đột biến

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng (CDC Sóc Trăng), từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng nhanh.

Tính đến ngày 5/6, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 600 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 85% so cùng kỳ năm 2021, trong đó có 23 trường hợp sốt xuất huyết dengue nặng và 1 trường hợp tử vong; ghi nhận ở 128 ổ dịch, tăng 130% so cùng kỳ năm trước. Các địa phương có số ca mắc cao là thị xã Vĩnh Châu và các huyện: Trần Đề, Thạnh Trị, Long Phú.

Tiền Giang: 813 ca mắc

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, từ ngày 23-29/5, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh là 164 ca. Tổng số ca cộng dồn từ đầu năm đến nay là 813 ca, số ca tử vong là hai ca.

Các địa phương ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết là huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo và thị xã Cai Lậy.

Bình Phước: Gần 500 ca mắc

Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh Bình Phước, tính đến tháng 6/2022, Bình Phước đã ghi nhận gần 500 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong. Toàn tỉnh phát hiện 59 ổ bệnh sốt xuất huyết. Trong tháng 5/2022, ghi nhận 259 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 175 ca so với tháng trước và không có trường hợp tử vong.

Đồng Nai: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 24%

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 5/2022, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận gần 3.200 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 24,41% so với cùng kỳ năm 2021, phát hiện 456 ổ dịch, có 3 ca tử vong.

Ngoài ra, tại một số tỉnh thành miền trung và duyên hải nam trung bộ như: Đà Nẵng, Phú Yên,... cũng xuất hiện hàng trăm ca bệnh sốt xuất huyết trong những tháng gần đây.

Cẩn trọng với dịch sốt xuất huyết đang lan rộng ở các tỉnh thành phía nam - Ảnh 2.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có Vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nguồn: Vietnamplus/TTXVN