Phát hiện hành tinh “sơ sinh” chỉ mới 1,6 triệu năm tuổi trong dải Ngân Hà

Hồng Ngọc
18:32 - 12/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nghiên cứu mới trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters vừa công bố phát hiện một hành tinh trẻ mới hình thành và đang trong quá trình hội tụ khí, bụi.

Cụ thể, kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới ALMA đã ghi lại một đốm sáng bí ẩn phát ra trong vùng khí bụi quanh ngôi sao trẻ AS 209 thuộc chòm sao Xà Phu.

Nhóm các nhà khoa học từ Đại học Florida, Mỹ đã sử dụng bộ dữ liệu tinh thể mà ALMA thu thập được và xác định đó là một hành tinh mới hình thành.

Ngôi sao mẹ AS 209 cách Trái đất 395 năm ánh sáng, còn nguyên đĩa tiền hành tinh - những vòng khí bụi màu tím, chỉ mới 1,6 triệu tuổi, tức vừa chớm đến tuổi có thể sinh ra hành tinh.

Như vậy, hành tinh bí ẩn này có thể là hành tinh trẻ tuổi nhất từng được nhân loại khám phá trong dải Ngân Hà (Milky Way) - thiên hà chứa Trái Đất của chúng ta.

Phát hiện một hành tinh “sơ sinh” trong dải Ngân Hà - Ảnh 1.

Ngôi sao trẻ AS 209 còn nguyên đĩa tiền hành tinh - những vòng khí bụi màu tím. Ảnh: ALMA

Theo thông cáo của Đài thiên văn Vô tuyến Quốc gia của Mỹ, hành tinh này có khối lượng chỉ nhỉnh hơn mặt trời và mới 1,6 triệu năm tuổi. Tức là trẻ đến mức chưa thực sự là một hành tinh, mà chỉ là một cấu trúc sơ khai vừa nổi lên trong đĩa tiền hành tinh của ngôi sao mẹ và đang trong quá trình hội tụ khí, bụi.

Ngôi sao mẹ AS 209 cũng là 1 trong 3 ngôi sao hiếm hoi từng được phát hiện trong giai đoạn còn nguyên đĩa tiền hành tinh, và nó là ngôi sao trẻ nhất.

Phát hiện này đã mở ra một "cửa sổ thời gian" giúp các nhà thiên văn khám phá cách mà một hệ sao trẻ bắt đầu sinh ra những hành tinh của mình, cũng như Hệ Mặt trời hàng tỉ năm về trước. Các chuyên gia cho biết, với việc quan sát AS 209, nhân loại sẽ hiểu biết thêm về nguồn gốc của Hệ Mặt trời và cách Trái đất - hành tinh của chúng ta ra đời. Từ đó tiến gần thêm một bước trong nỗ lực trả lời câu hỏi: "Con người chúng ta bắt nguồn từ đâu?"

Theo đại diện nhóm tác giả, bà Myriam Benisty, nhà thiên văn học của Viện Hành tinh học và Vật lý Thiên thể Grenoble, Pháp, cần thực hiện các quan sát tiếp theo đối với hệ sao AS 209 để xác nhận sự tồn tại của hành tinh này, hiện vẫn bị che phủ bởi hỗn hợp khí, bụi.

Dự kiến siêu kính viễn vọng không gian James Webb sẽ được giao trách nhiệm đo đạc khối lượng cũng như thành phần khí quyển của hành tinh này trong tương lai gần. Đây là kính viễn vọng không gian mạnh nhất từng được con người phóng vào vũ trụ từ trước đến nay.

ALMA (Atacama Large Millimeter/sub-millimeter Array) là hệ thống kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới, đặt tại hoang mạc tử thần Atacama của Chile.

Hệ thống này là một trong những chương trình khoa học tầm cỡ thế giới và là kết quả của sự hợp tác của nhiều quốc gia bao gồm Liên minh Châu Âu, Mỹ, Candana, Nhật Bản, Đài Loan, cùng nước sở tại Chile. Chỉ tính riêng kinh phí xây dựng và phần cứng của hệ thống đã lên tới hàng tỉ USD.

ALMA được nghiên cứu, phát triển với kì vọng giúp con người khám phá những vùng xa xôi nhất trong không gian và trả lời được câu hỏi về nguồn gốc của vũ trụ.