Khóa tu mùa hè ở chùa: Có nên cưỡng bức đức tin non nớt của thanh thiếu niên?

Thuỵ Văn
06:38 - 23/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau động thái đóng cửa chùa, dừng các khóa tu mùa hè vì vụ việc tai tiếng xảy ra tại đây, người thu gom các khóa sinh tổ chức khóa tu lại thay đổi phương thức tuyển sinh mới: thay vì tuyển sinh vào chùa thì tiếp tục tổ chức khóa tu mùa hè tại... khu nghỉ dưỡng (resort).

Các khóa tu mùa hè vẫn tiếp tục tổ chức ở... resort do nhu cầu của phụ huynh?

Khóa tu mùa hè ở chùa: Cưỡng bức đức tin non nớt của thanh thiếu niên? - Ảnh 1.

Thông báo ngừng tổ chức các khoá tu dán xung quanh các cổng vào chùa Cự Đà, đồng thời các lối vào ngôi chùa này bị khoá kín. Ảnh: TTH

Có mặt tại chùa Cự Đà vào ngày 21/6, chúng tôi bắt gặp cảnh ngôi chùa bị khoá kín tất cả các lối vào. Trên các cánh cổng dán thông báo ngừng tổ chức tất cả các khoá tu. Người dân quanh đây cho biết, nếu muốn đăng kí cho con tham gia các khoá tu thì liên hệ với số điện thoại người trợ duyên. Họ đã đăng thông báo khoá tu sẽ chuyển tới tổ chức ở các resort. Như vậy họ vừa chấp hành việc dừng khoá tu ở chùa, đồng thời đảm bảo chuyển khoá tu sang tổ chức ở resort để tiện nghi và khắc phục thiếu thốn trong sinh hoạt. 

Đáp lại bức xúc của dư luận về việc khoá tu khổ hạnh không phù hợp với tuổi thiếu niên, người tổ chức chuyển hình thức "giữ trẻ" này sang du lịch.

Rõ ràng, nếu không xảy ra vụ việc phụ huynh học sinh phản ánh trên mạng xã hội về "trải nghiệm kinh hoàng của con em tại khóa tu mùa hè chùa Cự Đà" thì ngôi chùa này vẫn sẽ tiếp tục chiêu sinh với số lượng khoá sinh khổng lồ. 

Khóa tu mùa hè ở chùa: Cưỡng bức đức tin non nớt của thanh thiếu niên? - Ảnh 2.

Cơ sở vật chất và mặt bằng chật hẹp của chùa Cự Đà. Ảnh: TTH

Giữa mùa hè nóng nực, ngôi chùa nhỏ bé giữa làng cổ có nghề làm miến truyền thống Cự Đà bên dòng Nhuệ giang ở Thanh Oai, Hà Nội lặng phắc không một cơn gió. Không thể tưởng tượng có lúc ở đây, 600 đứa trẻ được đưa đến để thực hiện một khoá tu không kèm cha mẹ. Con đường làng dẫn vào chùa cũng chật hẹp, quanh co, khuôn viên chùa chật chội, lại có thêm những ngày mất điện, rõ ràng rất nhiều thiếu niên đã phải trải qua một khoá tu ám ảnh và không vui vẻ chút nào. 

Trụ trì ngôi chùa thông tin đây là năm thứ 3 chùa tổ chức khoá tu cho trẻ em, và mùa hè này, khoá tu đầu 600 khoá sinh, khoá sau lên đến hàng ngàn khoá sinh nếu như không xảy ra sự cố. Sau vụ việc, cả chính quyền địa phương và chùa đều ra cam kết, tại chùa Cự Đà sẽ vĩnh viễn không tổ chức các khoá tu nữa. 

Hiện tại, không khó để thấy ngoài dư luận bất bình về khoá tu không đảm bảo an toàn cho trẻ, không ít phụ huynh vẫn tha thiết đề nghị chùa tiếp tục tổ chức khoá tu. Hài hước là có bậc phụ huynh thừa nhận đã sắp xếp gửi con vào chùa để đi du lịch nên giờ không thể huỷ khoá tu được. 

Nhu cầu cấp thiết tìm nơi thích hợp để gửi trẻ trong mùa hè của nhiều gia đình khiến các bậc phụ huynh lùng sục tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội. Bắt gặp những lời lẽ quảng cáo chiêu sinh đánh vào tâm lý phụ huynh rằng cho con vào khoá tu, các nhà sư sẽ dạy bảo được con cái hiếu thuận, biết ơn cha mẹ, biết kính trên nhường dưới, cai nghiện game online... Sự thật là các tổ chức kinh doanh khoá tu đã nắm bắt và nghiên cứu tâm lý phụ huynh khá kỹ, kích thích tâm lý đó trở thành nhu cầu cấp thiết của phụ huynh để kinh doanh một mặt hàng nhạy cảm ngay nơi linh thiêng là chùa chiền. 

Tôn trọng quyền trẻ em về tín ngưỡng - tôn giáo (Quyền thứ 8 theo Luật trẻ em 2016)

Đức tin với mỗi người là việc của tuổi trưởng thành, do bản thân mỗi người tự quyết định, không ai được áp đặt, cưỡng bức. Các bậc cha mẹ thường lấy nhu cầu của chính mình để áp đặt rằng trẻ nhỏ cũng cần phải tu hành, hồi hướng hay là chữa lành tâm trí là không phù hợp. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc tách đột ngọt trẻ khỏi game online và bạn bè thân của chúng không những không thể khiến trẻ bình tâm được mà còn khiến chúng trầm cảm, tăng động và bộc phát nhiều hành vi khó lường. 

Chưa kể, đối với trẻ nhỏ, chúng luôn cần môi trường đảm bảo khoa học sư phạm với chăm sóc y tế sẵn sàng. Cơ sở thờ tự là nơi linh thiêng tôn giáo, mang chức năng và vai trò đặc thù, nhiều nơi có nguy cơ rất dễ xảy ra cháy nổ và không có năng lực phục vụ vệ sinh, ăn nghỉ cho quá đông người. 

Các khoá tu (nếu có) ít nhất phải phát sinh từ nhu cầu đặc biệt nào đó của các gia đình, nhưng, đó là lý do riêng, không thể biến thành nhu cầu phổ thông. Khoá tu phải tổ chức ít nhất là ở các thiền viện, không phải tổ chức ở những ngôi chùa đồng thời là di tích lịch sử, cơ sở vật chất xuống cấp cùng với các nhà giảng pháp dựng tạm bợ bằng khung sắt phủ bạt. 

Lướt trên internet, số lượng các ngôi chùa phát ra quảng cáo thu nạp khoá sinh vào khoá tu mùa hè nhiều vô kể. Các bậc phụ huynh hào phóng gửi đến những nhà tổ chức nhiều lời cảm ơn vì đã dạy bảo giáo lý và trông giữ trẻ nhỏ giúp các gia đình. Không ai thực sự hỏi xem, sau mỗi khoá tu, trẻ nhỏ có thực sự biến đổi tâm tính như lời quảng cáo hay không.

Tạp chí Công dân và Khuyến học đã từng có bài viết về việc đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần có Thông tư quy định về tổ chức học kỳ quân đội, lính cứu hoả, khoá tu mùa hè, khoá học nhân ái... cho trẻ em từ mùa hè năm trước. Xuất phát từ thực tế, các hoạt động này rất dễ xảy ra rủi ro cho trẻ em. Trong khi đó, vào mùa hè, việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ luôn được các cấp, các ngành đề ra nhiều biện pháp, việc tuyên truyền càng quan trọng hơn cả. 

Sự chủ quan, thiếu cẩn trọng của phụ huynh thường dẫn đến việc họ bị lợi dụng, bị cuốn vào thị hiếu nhất thời của xã hội. Không ít phụ huynh ngây thơ tin rằng khi trẻ trải qua khoá tu mùa hè sẽ trở thành con ngoan - trò giỏi. Khi hoàn thành khoá tu thấy con có pháp danh được cấp ở chùa, nghe con kể học gì ở chùa với bài khấn vái, khóc lóc và các khái niệm, ngôn từ khó hiểu, mới tá hoả...

Thanh thiếu niên cần được tiếp nhận cuộc sống với nhân sinh quan khoa học, hào hứng với thiên nhiên, với khoa học kĩ thuật mới, rèn giũa tư duy logic, mạch lạc, giải quyết vấn đề bằng kiến giải của tri thức mới, khoa học công nghệ mới dẫn đến sự sáng tạo. Chính thế hệ trẻ sẽ làm chủ khoa học, chế tạo ra công nghệ, máy móc và là nguồn nhân lực chủ chốt xây dựng xã hội sản xuất hàng hoá, phát triển kinh tế, đời sống. 

Việc lựa chọn sự an tĩnh tâm hồn theo lối nào là việc riêng của mỗi người, khi họ đã là một công dân trưởng thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thiếu niên - nhi đồng lời dạy bằng thơ: "Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan". Trẻ em không thể gánh thất bại và thất vọng của người lớn. Khi chúng chưa bộc lộ năng lực bản thân hết hiệu suất thì cũng không thể co rút tâm hồn hồi hướng vào trong như người lớn quan niệm. 

Để việc học ngoại khoá của trẻ trong hè thực sự an toàn, lành mạnh trước hết cần các phụ huynh tỉnh táo và chính quyền các địa phương giám sát nhiều khâu. 

Khóa tu mùa hè ở chùa: Cưỡng bức đức tin non nớt của thanh thiếu niên? - Ảnh 3.

Cuộc sống bên ngoài và bên trong cổng chùa rất khác biệt đối với trẻ em. Ảnh: TTH

Toàn bộ 23 quyền của trẻ em theo Luật Trẻ em 2016

1. Quyền sống: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các Điều kiện sống và phát triển.

2. Quyền được khai sinh và có quốc tịch: Trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.

3. Quyền được chăm sóc sức khỏe: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.

4. Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện.

5. Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

6. Quyền vui chơi, giải trí: Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.

7. Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc: Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc Điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc; được thừa nhận các quan hệ gia đình. Trẻ em có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình.

8. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: Trẻ em có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào và phải được bảo đảm an toàn, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

9. Quyền về tài sản: Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật.

10. Quyền bí mật đời sống riêng tư: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

11. Quyền được sống chung với cha, mẹ: Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi phải cách ly cha, mẹ, trẻ em được trợ giúp để duy trì mối liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, gia đình, trừ trường hợp không vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

12. Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ: Trẻ em có quyền được biết cha đẻ, mẹ đẻ, trừ trường hợp ảnh hưởng đến lợi ích tốt nhất của trẻ em; được duy trì mối liên hệ hoặc tiếp xúc với cả cha và mẹ khi trẻ em, cha, mẹ cư trú ở các quốc gia khác nhau hoặc khi bị giam giữ, trục xuất; được tạo Điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh, nhập cảnh để đoàn tụ với cha, mẹ; được bảo vệ không bị đưa ra nước ngoài trái quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin khi cha, mẹ bị mất tích.

13. Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi: Trẻ em được chăm sóc thay thế khi không còn cha mẹ; không được hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ; bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được nhận làm con nuôi theo quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

14. Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục.

15. Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

16. Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

17. Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt.

18. Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy: Trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức sử dụng, sản xuất, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

19. Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính: Trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bào chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác.

20. Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang: Trẻ em có quyền được ưu tiên bảo vệ, trợ giúp dưới mọi hình thức để thoát khỏi tác động của thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

21. Quyền được bảo đảm an sinh xã hội: Trẻ em là công dân Việt Nam được bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của pháp luật phù hợp với Điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và Điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

22. Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội: Trẻ em có quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp; có quyền tìm kiếm, thu nhận các thông tin dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật và được tham gia hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em.

23. Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp: Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.