Phà nhanh chạy bằng điện – Tương lai của ngành phà cao tốc không phát thải

Anh Thư
08:53 - 07/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngành phà cao tốc có thể đáp ứng được các yêu cầu về trung hoà lượng phát thải trong tương lai, bằng cách thay thế các phà chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang chạy điện.

Phà nhanh chạy bằng điện – Tương lai của ngành phà cao tốc trên thế giới - Ảnh 1.

Phà nhanh Medstraum được chạy thử tại bến Fjellstrand. Nguồn: Marius Knutsen/Maritime cleantech

MS Medstraum - phà nhanh chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới

Vào năm 2015, chiếc phà chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới – Ampere đã được đóng tại nhà máy đóng tàu Fjellstrand ở Hardanger, Na Uy, đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc cách mạng cho các chuyến phà ở Na Uy và cả thế giới. Giờ đây, lĩnh vực phà nhanh chạy bằng điện đã đạt được nhiều bước tiến lớn.

Giữa năm nay, MS Medstraum - chiếc phà chạy nhanh hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới đã khởi hành từ nhà máy đóng tàu Fjellstrand tại Na Uy tới bến cảng Stavanger. Đây cũng là nơi chiếc phà này chính thức bắt đầu đi vào hoạt động. Phà MS Medstraum có khả năng chở tới 147 hành khách với tốc độ 23 hải lý (tương đương 42km/giờ).  

Phà MS Medstraum do Maritime CleanTech chế tạo theo phương pháp sản xuất modul tại xưởng đóng tàu. Việc sản xuất riêng từng module sau đó lắp ráp lại thành chiếc phà hoàn chỉnh như vậy giúp cắt giảm 25% chi phí sản xuất và 70% chi phí kỹ thuật, nhờ đó góp phần tăng tính cạnh tranh về kinh tế cho loại phà nhanh chạy điện mới này.

Ngoài ra, theo ông Edmund Tolo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển tại xưởng đóng tàu Fjellstrand, vì phà nhanh đòi hỏi nhiều năng lượng, nên chiếc phà Medstraum cần phải có thiết kế nhẹ hơn và hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với phà nhanh truyền thống. Việc Medstraum có thể đạt tốc độ 23 hải lý/giờ thực sự là một cuộc cách mạng cho ngành phà cao tốc.

Phà "bay" EF-24 chạy điện với công nghệ tiên tiến nhất

Mới đây nhất, phà "bay" EF-24 - một trong những loại phà cao tốc chạy bằng điện với công nghệ tiên tiến nhất thế giới cũng đã ra mắt tại Bắc Ireland, kết nối Belfast với Bangor. Phà có tốc độ tối đa là 37 hải lý/giờ (tương đương khoảng 69km/giờ) với thể chở tới 150 hành khách. 

Phà "bay" EF-24 có đôi cánh dưới nước như cánh máy bay giúp nâng phà lướt trên mặt nước. Thiết kế này làm giảm tác động của những con sóng, đồng thời tránh va chạm với các sinh vật biển, nhờ đó góp phần bảo tồn hệ sinh thái đại dương.

Phà nhanh chạy bằng điện – Tương lai của ngành phà cao tốc trên thế giới - Ảnh 2.

Phà “bay” EF-24 - sáng chế đầy hứa hẹn của Artemis Technologies. Nguồn: Artemis Technologies

Hướng tới tương lai không phát thải

Medstraum hay EF-24 là minh chứng cho thấy ngành phà cao tốc có thể đáp ứng được các yêu cầu về trung hoà lượng phát thải, bằng cách thay thế các phà chạy nhanh bằng nhiên liệu hóa thạch sang các phà chạy điện. 

Medstraun góp phần quan trọng trong giải quyết vấn đề về môi trường khi hoàn toàn không phát khí thải trong suốt quá trình hoạt động. Nó giúp cắt giảm tới 1.500 tấn khí thải mỗi năm, tương đương với lượng khí thải của 60 chiếc xe buýt.

Với phà "bay" EF-24, theo các kỹ sư thiết kế, việc nâng thân tàu lên trên mặt nước để lướt đi sẽ làm giảm lực cản của dòng nước, nhờ đó tiết kiệm đến 85% lượng nhiên liệu so với các loại phà thông thường chạy bằng động cơ diesel.

Theo Tiến sĩ Lain Percy, người sáng lập công ty Artemis Technologies - đơn vị sáng chế phà "bay" EF-24, hiện nay nhiều thành phố lớn trên thế giới, đặc biệt là những nơi có nhiều sông hồ, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào nguồn nước, đang phải vật lộn với những thách thức như dân số tăng, tắc nghẽn giao thông và tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Vì thế, phà cao tốc chở khách chạy hoàn toàn bằng điện sẽ là giải pháp giao thông xanh cho những thành phố đông đúc này.

Chiếc EF-24 có thể cạnh tranh với đường bộ và đường sắt ở những thành phố như San Francisco, New York, Venice, Istanbul, Dubai và thậm chí là ở đảo quốc sư tử Singapore.

Những chiếc phà như Medstraum, phà bay EF-24 không chỉ đem đến một cuộc cách mạng về chế tạo tàu thuyền trong tương lai với việc sử dụng phương pháp thiết kế và lắp ráp theo module, mà còn mở ra tương lai phà chạy hoàn toàn bằng điện có tốc độ thậm chí còn lớn hơn loại phà chạy bằng nhiên liệu truyền thống, góp phần "xanh hoá" giao thông đường thuỷ.