Cần đẩy mạnh sản xuất vật liệu "xanh", thân thiện với môi trường

PV
16:54 - 28/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trước thực tại tài nguyên khoáng sản đang ngày khan hiếm cùng nỗ lực phát triển nền kinh tế xanh, ngành vật liệu xây dựng cần phải có giải pháp công nghệ và biện pháp hành chính.

Cần đẩy mạnh sản xuất vật liệu "xanh", thân thiện với môi trường - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi hội thảo “Xu hướng công nghệ - Vật liệu trong công trình xây dựng” do Bộ Xây dựng tổ chức.

 Sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó

Chia sẻ tại hội thảo “Xu hướng công nghệ - Vật liệu trong công trình xây dựng” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 28/9, ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng nhấn mạnh phát triển vật liệu xây dựng của Việt Nam đã bắt đầu hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, phát thải thấp.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ ở các lĩnh vực khác như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ hóa học đã giúp cho lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng tăng năng suất, giảm chi phí và cho ra đời nhiều vật liệu mới, có tính năng ngày càng cao.
Ông Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)

Tuy nhiên, ngành sản xuất vật liệu xây dựng hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt; nhiên liệu hoá thạch ngày càng khan hiếm, chi phí cho nhiên liệu, năng lượng ngày một tăng cao; các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tạo ra các thách thức không nhỏ khiến ngành sản xuất vật liệu xây dựng cần phải thay đổi.

Cùng chung quan điểm, ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng nhận định trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, về lĩnh vực vật liệu xây dựng, Nhà nước đã có định hướng phát triển theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hướng đến sản xuất sạch và vật liệu xây dựng thân thiện. Tuy đã có nhiều thành tựu trong lĩnh vực sản xuất này nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Cụ thể là các văn bản pháp luật hiện hành quy định vật liệu xây dựng thân thiện là đối tượng được chú ý tới cả quá trình sản xuất ra nó. Trong quá trình sản xuất phải giảm thiểu sử dụng năng lượng; giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản; giảm thiểu chất thải, giảm thiểu ô nhiễm và những tác động hủy hoại môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện được những quy định trên là một quá trình không kém phần cam go.

Cần đẩy mạnh sản xuất vật liệu "xanh", thân thiện với môi trường - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết Việt Nam vẫn chưa có dự án

sản xuất vật liệu xây dựng nào sử dụng rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu.

Trên thực tế, theo ông Tới, hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có dự án sản xuất vật liệu xây dựng nào sử dụng rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu. Hay như về chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, mục tiêu đề ra là “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20-25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020”. Thế nhưng, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng lớn của đại dịch COVID-19, các ngành sản xuất bị đình trệ, trong đó có ngành xây dựng và lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, hiện nay, ngày càng có nhiều khối nhà cao tầng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa phải tất cả các chủ đầu tư, hay tại các dự án nhà cao tầng đều sử dụng. Trong khi, theo Quy chuẩn Việt Nam về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả đã quy định hạn chế bức xạ mặt trời.

Thúc đẩy sản xuất “xanh”

Theo Thạc sĩ Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), những năm gần đây, sự biến đổi của khí hậu đã làm cho môi trường sống của con người ngày càng bị đe dọa, tạo sức ép buộc các quốc gia phải chú trọng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Phát triển các loại vật liệu xây dựng thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, đây là xu thế tất yếu và mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam.

Thêm vào đó, trong bối cảnh ngày càng khó khăn, đặc biệt là khi tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, nhiên liệu hoá thạch ngày một khan hiếm, ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải có giải pháp, công nghệ để sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác.

Ngoài ra, để đáp ứng các tiêu chí được định hướng trong Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam, theo ông Hiệp, việc lựa chọn công nghệ sản xuất đối với một số chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng cần theo hướng: Sản xuất xi măng cần các dây chuyền công suất lớn trên 5.000 tấn/ngày; có hệ thống calciner, sử dụng thiết bị nghiền đứng con lăn thay cho nghiền bi, có hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện; các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng và phát thải thấp.

Tương tự, sản xuất đá ốp lát tự nhiên cần ứng dụng công nghệ khoan, nêm tách, cắt dây kim cương và cưa đĩa, hạn chế tối đa khoan nổ mìn; gạch đất sét nung cần dây chuyền sản xuất có năng suất cao, có khả năng tận dụng nguyên liệu, nhiên liệu chất lượng thấp như đất đồi, phế thải từ các ngành khác; sản xuất vật liệu xây không nung cần công nghệ cho phép tận dụng tối đa tro, xỉ nhiệt điện và các chất thải rắn thông thường khác trong thành phần sản phẩm…

Đồng tình quan điểm sản xuất vật liệu xây dựng cần phải hướng tới tiêu chuẩn sạch và sản phẩm thân thiện, ông Lê Văn Tới cho rằng Nhà nước cần phải có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện và những biện pháp đó cần được quy định trong văn bản pháp luật, ít nhất là trong Nghị định.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải thay đổi trong công tác chỉ đạo thực hiện. Đó là cần nhất quán, quyết liệt hơn; gắn trách nhiệm cho các địa phương, có kiểm tra, có khen thưởng các địa phương làm tốt, có phê bình đối với những địa phương thực hiện chưa tốt; chú trọng tới công tác tuyên truyền.

Đối với các giải pháp mang tính kỹ thuật, chuyên sâu về khung kỹ thuật, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiên. Đặc biệt đối với công trình “xanh” cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.

Ngoài ra, ông Tới cũng lưu ý về việc đào tạo. Theo đó, thời gian tới cần phải có chương trình giảng dạy tại các trường chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện; cần có sự cập nhật, cải tiến trong biên soạn giáo trình; khuyến khích, hỗ trợ các trường, các trung tâm dạy nghề mở các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ thuật cho công nhân sử dụng vật liệu xây dựng không nung.