Các tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ triển khai giao thông thông minh

PV
17:40 - 08/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Mạng lưới cao tốc xuyên suốt và đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông thông minh sẽ là nền tảng vững chắc để nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án quản lý kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2022-2030. Một trong các mục tiêu lớn đặt ra là 100% các tuyến đường bộ cao tốc và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS - Intelligent Transport System).

Có thể thấy, cùng với sự ưu tiên nguồn lực từ Chính phủ, mạng lưới cao tốc xuyên suốt và đầu tư đồng bộ ITS sẽ là nền tảng vững chắc để nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội quốc gia.

Các tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ triển khai giao thông thông minh - Ảnh 1.

Các tuyến cao tốc Bắc Nam sẽ triển khai giao thông thông minh. Ảnh: VGP

Phân đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có chiều dài gần 50km, thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 sẽ là tuyến đường đầu tiên thuộc cao tốc Bắc Nam triển khai hệ thống giao thông thông minh toàn diện.

Dự án được triển khai hệ thống ITS toàn diện gồm cả phần trên tuyến và phần hầm với tổng giá trị trên 200 tỉ đồng bao gồm tiến hành toàn bộ hoạt động như: Khảo sát, thiết kế thi công; cung cấp lắp đặt thiết bị, tích hợp phần mềm và đào tạo, chuyển giao công nghệ từ trung tâm quản lý điều hành, camera giám sát giao thông, phát hiện xe, biển báo điện tử, radio, tổng đài hay hệ thống truyền dẫn, cấp nguồn điện…

Các tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ triển khai giao thông thông minh - Ảnh 2.

Mô hình trung tâm giám sát, điều hành giao thông thông minh. Ảnh: CTV/Vietnam+

Độ chính xác khi nhận diện sự kiện giao thông và tự động xử lý nghiệp vụ, phân loại hành vi vi phạm trên cao tốc lên tới 98%. Hệ thống sẽ tuân thủ các quy định chặt chẽ của tiêu chuẩn an toàn dữ liệu và tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc. Đây là cơ sở để dễ dàng tích hợp dữ liệu liên tuyến hoặc kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia ngay khi có yêu cầu.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc hiện nay hoạt động độc lập, sử dụng các phần mềm riêng để thực hiện giám sát thủ công, chưa đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu giao tiếp giữa các tuyến đường với nhau và cơ quan quản lý Nhà nước.

Vì thế, ông Toàn cho rằng mô hình ITS trên các tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông sẽ được triển khai một cách đồng bộ, ứng dụng những công nghệ mới, phù hợp với tình hình Việt Nam đồng thời bổ sung thêm các tính năng của trí tuệ nhân tạo (AI) như phần mềm tự động xử lý đếm xe, phân tích mật độ giao thông, dự báo đông xe, tắc đường, cập nhật các vấn đề thời tiết, phục vụ tối ưu hoá giám sát và xử lý các sự cố giao thông, tự động đưa ra những cảnh báo cho người ra quyết định đưa ra phương án điều tiết và giải tỏa thích hợp…

Trên cơ sở này, Tổng cục Đường bộ sẽ lập quy hoạch tổng thể hệ thống ITS quốc gia, trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho mô hình quản lý, vận hành khai thác, bảo trì hệ thống ITS và triển khai xây dựng Trung tâm Quản lý ITS quốc gia.

Đến giai đoạn 2025-2030 sẽ kết nối các trung tâm ITS đoạn tuyến về Trung tâm quản lý ITS quốc gia và vận hành trên phạm vi toàn quốc.

Tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1454/QĐ-TTg quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có 5.000km cao tốc đưa vào khai thác.

Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường bộ đến năm 2030 khoảng 900.000 tỉ đồng để mở rộng và “thông minh hoá” những con đường Việt Nam.

Nguồn: TTXVN