Ông giáo làng và những người con nổi tiếng
Ít người biết ông có hai người con trai là hai nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Nhật Bản và thế giới.
Ông giáo làng trong ngõ nhỏ
Trong một con ngõ nhỏ ở làng Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội có một ngôi nhà nhỏ, trong nhà lỉnh kỉnh những bao những túi đựng các loại lá lẩu thuốc Nam. Chủ nhân ngôi nhà là ông giáo làng tuổi 80, thường hay mặc áo nâu sồng, quần ta buông lá tọa. Đi đâu ông cũng hay đội cái nón tre kiểu nón tu lờ, nom rất phong cách ở ẩn. Bà vợ ông ngồi bán hàng vặt tại cái chợ cóc đầu ngõ.
Ít người biết ông có hai người con trai là hai nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Nhật Bản và thế giới.
Ông giáo làng là nhà giáo Trần Đăng Đạt.
Ông Đạt sinh năm 1941 tại làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội. Năm 1946, ông theo gia đình tản cư lên Thanh Ba (Phú Thọ). Học hết cấp 3, ông Đạt vào học Khoa Sinh vật Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, rồi dạy ở Trường Sư phạm cấp 1-2 Lào Cai. Đến năm 1966, ông chuyển về dạy Trường cấp 1-2 Yên Bình, Yên Bái, đồng thời làm cộng tác viên nghiên cứu khoa học của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.
Năm 1975, ông Đạt hoàn thành đề tài nghiên cứu đưa giống ngô hạt to chỉ quen thung thổ vùng cao Sa Pa xuống trồng đại trà ở vùng thấp, năng suất cao hơn giống ngô Mexico nhập khẩu.
Do một sự tình cờ, ông phát hiện ra hiện tượng đột biến trên lúa giống NN-27, khiến cây lúa lùn hẳn đi, từ 1 mét 3 còn 0,9 mét, thời gian sinh trưởng từ 165 ngày giảm còn 120 ngày, năng suất khá hơn. Dự cảm đây là vấn đề khoa học lớn, ông Đạt viết thư gửi Viện Khoa học Việt Nam nói rõ sự tình, đề nghị phối hợp nghiên cứu.
Lãnh đạo Trung tâm Di truyền Bộ Nông nghiệp đã gặp ông Đạt tìm hiểu, rồi gửi công văn đề nghị tỉnh Hoàng Liên Sơn cho triển khai đề tài. Sau đó Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật tỉnh đã gửi công văn cho ông. Nội dung: "Tỉnh không đủ điều kiện, trình độ quản lý đề tài này. Đề nghị tác giả tự liên hệ với các trung tâm di truyền trung ương để triển khai đề tài nói trên".
Một mình ông Đạt tiếp tục nghiên cứu đề tài tạo giống lúa năng suất cao bằng cách "lùn hóa" cây lúa nhờ gây đột biến hô hấp. Làm đến đâu, ông ghi chép cẩn thận, kín gần 30 quyển vở học trò viết tay.
Năm 1995, ông tạo được giống lúa lùn lai kép 4 giống, mỗi bông cho 350 hạt chắc. Được trồng thử nghiệm 5 năm tại phường Yên Ninh, (thành phố Yên Bái), giống lúa này cho năng suất vượt trội so với giống đối chứng.
Năm 1997, ông chuyển về sinh sống tại làng Quan Hoa.
Khi các con đến tuổi trưởng thành, vào đại học, ông giáo làng trao lại chồng vở cho chúng tiếp tục nghiên cứu, phát triển đề tài tạo giống lúa lùn năng suất cao mà ông đã khai phá và đạt được kết quả bước đầu.
Những người con nổi tiếng của ông giáo làng Trần Đăng Đạt
Không phụ lòng cha, Trần Đăng Khánh, sinh năm 1978, con trai út của ông, sau khi tốt nghiệp Khoa Tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đã sang Nhật học cao học Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Miyazaki. Sau đó anh sang Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh, đến năm 2008 thì bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Trường Đại học Konkuk, Seoul Hàn Quốc.
Được Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ của Chính phủ Nhật Bản (Quỹ JSPS - Japan of Science Promotion Sociaty) cấp học bổng, Khánh hoàn thành chương trình sau Tiến sỹ tại Đại học Ryukyu (Okinawa, Nhật Bản) vào tháng 10-2010. Anh đã có nhiều công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học uy tín ở nước ngoài.
Về nước năm 2011, Khánh làm việc tại Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Ngay sau đó, anh đã đăng ký và được giao đảm nhiệm đề tài cấp Nhà nước nhằm tạo ra giống lúa siêu trội có năng suất 10 - 12 tấn/ha/vụ. Đề tài được Bộ Khoa học – Công nghệ cấp kinh phí, giao thời gian thực hiện trong 4 năm.
Những kinh nghiệm của người cha đã giúp anh phát triển nghiên cứu một cách "đột biến", chỉ trong một năm đã tạo ra 3 dòng lúa siêu trội mới nhờ phương pháp gây đột biến trên giống lúa gốc.
Khánh tạo được giống lúa BN Mới có thể nói là "siêu bom tấn": Mỗi bông có 800 - 1.000 hạt, năng suất 10-12 tấn/ha/vụ, di truyền được. Khánh đã gửi giống BN Mới sang trồng thử tại Trường Đại học Nagoya, Nhật Bản, thu được bông lúa có 1.100 hạt.
Thông thường, để tạo ra được một giống lai đơn phải mất hàng chục năm, tạo giống lai kép và thuần hóa được nó phải mất vài chục năm. Vì vậy bí quyết gây đột biến của thầy giáo Trần Đăng Đạt và người con út - Tiến sỹ Trần Đăng Khánh có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đăng Khánh đang tiếp tục hoàn thiện đề tài để sớm đưa giống lúa siêu năng suất ra sản xuất đại trà.
Người con cả của nhà giáo Trần Đăng Đạt là Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đăng Xuân, hiện là Trưởng phòng Thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh, Đại học Hiroshima (Nhật Bản). Trần Đăng Xuân nổi tiếng thế giới với kết quả chiết xuất thành công hợp chất Momilactone A và B từ trấu và gạo, có giá 1.25 triệu USD/g, đắt gấp 30.0000 lần giá vàng.
Momilactone A và B là những hợp chất vô cùng quý hiếm, có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Dựa vào kết quả nghiên cứu in vitro, Phó Giáo sư Trần Đăng Xuân và cộng sự khẳng định việc ăn một lượng gạo nhất định hằng ngày có thể giúp giảm nguy cơ bệnh gút, béo phì và tiểu đường. Kết luận này thay đổi quan niệm thông thường rằng ăn gạo làm đẩy mạnh nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cho con người.
Con gái thầy Đạt, Trần Thị Thu là Thạc sỹ ngành tư pháp, đang công tác tại cơ quan nhà nước.
Gia đình ông giáo làng Trần Đăng Đạt thật hạnh phúc khi có nhiều cống hiến cho xã hội nhờ học tập.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google