Họ Hoàng - dòng họ hiếu học đất Kẻ Vẽ

Nguyễn Năng Lực
15:13 - 22/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

"Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ"

Giữa những năm 60 Thế kỷ XX, ở Trường Cấp I, II Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, có một cậu học sinh cao lớn, đẹp trai, nổi tiếng vì có tài "nhảy cao quá đầu mình". Học trò trong trường kháo nhau: Bố anh ấy làm to lắm. Cậu học trò ấy tên là Hoàng Vĩnh Giang

Sau này, trong quá trình công tác, tôi có quan hệ sơ giao, đôi lần gặp nhau ôn chuyện thời đi học, được biết Hoàng Vĩnh Giang là con trai cụ Hoàng Minh Giám, một danh nhân đất Thăng Long, từng làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Họ Hoàng - dòng họ hiếu học đất Kẻ Vẽ - Ảnh 1.

Anh hùng Lao động, Kiến truc sư trưởng nền Thể thao Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang. Ảnh: Dân Trí

Hoàng Vĩnh Giang là một nhân tài của đất nước. Anh được coi là "kiến trúc sư trưởng" của nền Thể thao Việt Nam, từng là Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Châu Á, Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam. Anh được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những đóng góp đối với nền thể thao Việt Nam và là người đầu tiên trong ngành Thể dục - Thể thao được phong tặng danh hiệu này.

Hoàng Vĩnh Giang quê làng Đông Ngạc, xưa gọi là Kẻ Vẽ, nay thuộc quận Bắc Từ Liêm,  Thành phố Hà Nội. Làng Đông Ngạc nổi tiếng là làng khoa bảng, là đất học truyền thống của Kẻ Chợ Thăng Long. Họ Hoàng là một trong năm dòng họ nổi tiếng ở Kẻ Vẽ

Từ xưa, người Thăng Long có câu "đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ".

Kẻ Giàn là làng Trung Kính Hạ thuộc quận Cầu Giấy bây giờ, xưa nỏi tiếng về đất đai rộng rãi, phì nhiêu.

Kẻ Vẽ nổi tiếng vì đã nhiều đời có nhiều người làm quan. Ngày xưa, muốn làm quan chỉ có con đường học hành, thi cử, đỗ đạt.

Làng Kẻ Vẽ, nay là phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) có năm dòng họ lớn: Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn, Hoàng. Cả năm dòng họ này đều có nhiều người đỗ đạt.

Họ Hoàng - dòng họ hiếu học đất Kẻ Vẽ - Ảnh 2.

Kẻ Vẽ - Làng khoa bảng hôm nay. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại

Họ Phạm có 16 vị tiến sĩ; họ Phan có 7 tiến sĩ, 28 cử nhân và 50 tú tài; họ Nguyễn có 5 tiến sĩ, 30 cử nhân và 40 tú tài.

Họ Hoàng dù đến làng khá muộn nhưng cũng đóng góp cho làng 3 tiến sĩ thời phong kiến, được biết đến là một dòng họ hiếu học, có nhiều hiền tài. Đời nối đời, dòng họ luôn gìn giữ gia phong, nếp nhà hiếu học, con cháu trước hết phải tu thân, tề gia

Trong cuốn "Mộc bản triều Nguyễn - Chiếu dời đô và một số kiệt tác" và "Khoa bảng Thăng Long-Hà Nội qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn", có ghi chép về công trạng của những hiền tài họ Hoàng.

Trong đó, có cụ Hoàng Nguyễn Thự từng làm quan dưới triều Tây Sơn đến chức Hình bộ Tả Thị lang, tước Thuận Đình hầu; cụ Hoàng Tế Mỹ quản Hàn Lâm viện năm 1848 dưới thời vua Tự Đức và sau khi mất được truy tặng Lễ bộ Thượng thư; cụ Hoàng Tướng Hiệp làm Tuần phủ Tuyên Quang năm 1882, sau khi mất được truy tặng Lễ bộ Thượng thư; Phó bảng, nhà yêu nước Hoàng Tăng Bí, người tham gia thành lập phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, làm trợ bút của Báo Trung Bắc Tân Văn, là thân phụ cụ Hoàng Minh Giám...

Theo Sử triều Nguyễn, cụ Hoàng Tướng Hiệp là đồng niên, đồng tuế với hai vị Tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Cụ được vua Duy Tân truy tặng nhà theo kiến trúc Huế và cho chở ra Hà Nội theo đường thủy. Ngôi nhà cổ, từ đường, không gian vườn tược mang khung cảnh của làng quê Bắc Bộ xưa, nay vẫn giữ gìn được vẹn nguyên.

Gia phả họ Hoàng làng Đông Ngạc ghi tên tuổi nhiều người nổi tiếng đương thời: 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo sư Hoàng Minh Giám; 

Giáo sư, Bác sĩ vi trùng học, Bộ trưởng Bộ Y tế trong những năm 1946-1958 Hoàng Tích Trí,  

Nữ Tiến sĩ khoa học đầu tiên của Việt Nam Hoàng Thị Nga; 

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. 

 Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Giang Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 

Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh Hoàng Thủy Nguyên, người  đặt nền móng cho việc Việt Nam tự chủ sản xuất vaccine, có công lớn trong việc phát triển hệ thống y tế dự phòng tại Việt Nam. 

Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân  Hoàng Thủy Long, người có công lớn trong sự nghiệp y tế dự phòng của đất nước.

Cùng với nhiều dòng họ hiếu học trên đất nước, dòng họ Hoàng Đông Ngạc đã góp phần duy trì và phát triển nền nếp hiếu học, trở thành truyền thống quý báu của người Việt Nam ta

Nguồn: Tổng hợp