Ông chủ Golden Land: Chây ì nợ thuế, bổ sung tiền đất 2 năm chưa xong

Vân Anh
14:56 - 16/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản CRV, ông chủ của Golden Land (Thanh Xuân) “quen mặt” trong danh sách nợ thuế của Cục thuế Hà Nội. Không chỉ có vậy, khi điều chỉnh quy hoạch dự án, giá trị bổ sung tiền đất 2 năm vẫn chưa nộp xong.

Chây ì nợ thuế

Ngày 15/6/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) cho biết đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản CRV, công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) và Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS).

Như vậy, sắp tới, trên thị trường chứng khoán, hệ sinh thái Hoàng Huy sẽ có 3 cổ phiếu là TCH, HHS và CRV.

CRV là cái tên xa lạ. Tuy nhiên, trên thực tế, CRV đã “lột xác” từ Công ty cổ phần Thương mại Hưng Việt, đơn vị “quen mặt” trong danh sách chây ì nộp thuế của Cục thuế Hà Nội. 

Ông chủ Golden Land: Chây ì nợ thuế, bổ sung tiền đất 2 năm chưa xong - Ảnh 1.

Chủ đầu tư Dự án Golden Land nợ thuế hơn 73 tỉ đồng. Ảnh: Internet

Đầu năm 2012, dư luận xôn xao với danh sách các công ty chây ì nộp thuế do Cục thuế Hà Nội công bố. Trong đó, một cái tên nhận được sự chú ý là Công ty cổ phần Thương mại Hưng Việt, chủ đầu tư Dự án Golden Land với số nợ thuế hơn 73 tỉ đồng, chưa kể số tiền phạt nộp chậm gần 26 tỉ đồng.

Ông Đỗ Hữu Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Hưng Việt và cũng là con trai ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Công ty Hoàng Huy cho hay, dự án Golden Land gồm 2 giai đoạn. 

Trong giai đoạn 1, chủ đầu tư đang triển khai 3 tòa nhà chung cư và đã đóng thuế tiền sử dụng đất là 166 tỉ đồng.

Tiền nợ sử dụng đất 73 tỉ đồng thuộc về giai đoạn hai của dự án được triển khai sau năm 2012. Lý do nợ thuế là công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, đến tận cuối năm 2011 doanh nghiệp mới giải phóng xong khu vực trung tâm thương mại nên chưa thể triển khai cũng như có phương thức chuẩn bị nguồn vốn nộp thuế. 

Ông Đỗ Hữu Hậu khẳng định khi cơ quan thuế nhắc nhở, công ty sẽ thu xếp để nộp thuế ngay trong tháng 3.

Bổ sung tiền đất 2 năm chưa xong

Trước thềm lên sàn chứng khoán, CRV đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021. Báo cáo này có nhắc tới tiền sử dụng đất. 

Theo đó, tại thời điểm cuối năm (ngày 31/3/2022 – kỳ báo cáo của công ty), công ty phải bổ sung tiền đất dự án Golden Land Building do thay đổi chi tiết với khoản phải trả gần 63,8 tỉ đồng. Đây cũng là con số được ghi nhận tại thời điểm 1/4/2021. Tuy nhiên, cần phải biết, con số này đã xuất hiện từ trước đó rất lâu. 

Cụ thể, dự án Golden Land thuộc trường hợp được UBND Thành phố Hà Nội cho phép vừa điều chỉnh quy hoạch chi tiết, vừa điều chỉnh mục đích sử dụng đất. Ngày 27/12/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội đã có tờ trình liên quan đến nghĩa vụ tài chính của dự án này. Theo đó, tiền sử dụng đất phải nộp bổ sung là gần 63,8 tỉ đồng. 

CRV cho biết công ty sẽ điều chỉnh lại giá trị tiền đất phải nộp bổ sung sau khi có quyết định chính thức của UBND thành phố Hà Nội.

Cho đến cuối tháng 3/2022, 63,8 tỉ đồng vẫn được ghi nhận ở “Phải trả”. Số tiền này chưa được ghi nhận vào Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước. 

Lợi nhuận cao hơn doanh thu

Trước thềm niêm yết, Công ty CRV công bố báo cáo tài chính năm 2021 (niên độ từ 1/4/2021 tới 31/3/2022) với lợi nhuận tăng đáng kể.

Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của CRV đạt 433 tỉ đồng, tăng 59 tỉ đồng, tương ứng 15,8% so với năm 2020. Đáng chú ý, chỉ tiêu này cải thiện mạnh bất chấp doanh thu đi lùi. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2021 của CRV chỉ đạt 410 tỉ đồng, giảm giảm 133 tỉ đồng, tương đương 24,5%.

Như vậy, có thể thấy trong năm 2021, lợi nhuận CRV thậm chí cao hơn cả doanh thu. 

Có được điều này là do CRV phụ thuộc vào hoạt động tài chính. Năm 2021, doanh thu hoạt động tài chính của công ty lên tới 334 tỉ đồng, nhiều hơn 242 tỉ đồng lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Doanh thu hoạt động tài chính chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và lãi cho vay. Trong đó, CRV tăng vốn từ 1.090 tỉ đồng lên 6.592 tỉ đồng nhưng dòng tiền này không được đưa vào sản xuất kinh doanh mà CRV lại “ôm” 5.811 tỉ đồng đi gửi ngân hàng với lãi suất từ 4,8%/năm đến 6,15%/năm.