Đến ngày “hái quả” từ chứng khoán, SeaBank bị thanh tra liên quan đến đầu tư trái phiếu
Chứng khoán nợ mang lại lợi nhuận khủng cho SeaBank nhưng bất ngờ ở chỗ, vì đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (một phần quan trọng của chứng khoán nợ), SeaBank cùng 7 ngân hàng khác bị thanh tra.
Đến ngày "hái quả" từ chứng khoán
Vài năm gần đây, đầu tư vào chứng khoán (trong đó phần lớn là trái phiếu doanh nghiệp) đang là xu hướng của rất nhiều ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank).
2022 là thời điểm mảng đầu tư này mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 của SeaBank, trong kỳ, lợi nhuận sau thuế của SeaBank lên đến 1.049 tỉ đồng, tăng 494 tỉ đồng, tương đương 89% so với quý 1/2020.
Các chỉ tiêu kinh doanh của SeaBank đều đi lên vượt bậc như thu nhập lãi thuần tăng từ 1.105 tỉ đồng lên 1.565 tỉ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ 124 tỉ đồng lên 274 tỉ đồng.
Thế nhưng, chứng khoán mới là lĩnh vực có tốc độ bứt phá mạnh nhất. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 146 tỉ đồng dù cùng kỳ năm ngoái lỗ 6,6 tỉ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 279 tỉ đồng, tăng 189 tỉ đồng, tương đương 210% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với lãi thuần 425 tỉ đồng, chứng khoán đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận sau thuế 1.049 tỉ đồng quý 1/2022 và bằng 40,5% chỉ tiêu này.
Trước đó, trong năm 2021, chứng khoán đóng góp ít hơn vào tổng thể hoạt động của ngân hàng.
Năm 2021, SeaBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 2.607 tỉ đồng, tăng 1.301 tỉ đồng, tương đương 99,6% so với năm 2020. Trong đó, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh chỉ đạt 58,5 tỉ đồng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng từ 172 tỉ đồng lên 306 tỉ đồng.
Như vậy, cả năm 2021, hoạt động mua bán chứng khoán chỉ mang về cho SeaBank gần 365 tỉ đồng, bằng 14% lợi nhuận sau thuế năm 2021, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 40,5% của quý 1/2021.
Như vậy, hoạt động mua bán chứng khoán (trong đó, có phần không nhỏ là trái phiếu) đang ngày càng quan trọng với SeaBank.
Bị thanh tra liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Trong vài năm gần đây, ngân hàng có xu hướng đầu tư nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong nhóm "tứ đại gia ngân hàng", chỉ ngoại trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), 3 cái tên còn lại là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đổ rất nhiều tiền vào kênh này và góp mặt trong Top 10 ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất.
BIDV, Vietcombank, VietinBank đều đổ rất nhiều tiền vào trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Vietnamplus, BIDV, Vietcombank
Cùng với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác, nhóm "bộ tam" đã nắm giữ tới 75% trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường. Các đơn vị đó chính là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).
Mới đây, ngoại trừ nhóm "bộ tam", đa số các đơn vị góp mặt trong Top 10 ngân hàng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất đã vào tấm ngắm của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống.
Có 8 ngân hàng thương mại gồm Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVComBank, VietBank, SeABank và Baoviet Bank bị thanh tra đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Đến tháng 4, cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng, trừ Baoviet Bank, do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra. Sau thanh tra, đoàn thanh tra giám sát đã báo cáo người ra quyết định thanh tra và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, kết quả này chưa được công bố công khai.
Trong Top 10 này, SeaBank nằm Top cuối về vốn điều lệ nhưng lại mạnh tay đổ tiền vào trái phiếu doanh nghiệp.
Tại thời điểm cuối năm 2021, SeaBank đứng trong Top 10 ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất với con số 7.624 tỉ đồng, chiếm 3,6% tổng tài sản ngân hàng, cao hơn mức trung bình 2,16% toàn hệ thống do Ngân hàng Nhà nước công bố và chiếm 6% tổng dư nợ tín dụng, cao hơn mức trung bình 2,63%.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google