Ô nhiễm không khí đang làm thế giới mất tới 17 tỉ năm tuổi thọ

Anh Thư
10:09 - 24/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Gần như toàn bộ dân số trên thế giới đều đang hít thở bầu không khí bị ô nhiễm. Tình trạng này khiến cư dân trái đất trung bình giảm hơn 2 năm tuổi thọ. Điều đó có nghĩa loài người chúng ta đang mất đi tổng cộng tới 17 tỉ năm tuổi thọ.

Ô nhiễm không khí đang loàm thế giới mất đi tới 17 tỉ năm tuổi thọ - Ảnh 1.

Các nhà hoạt động nữ đeo khẩu trang để biểu tình về tình trạng ô nhiễm môi trường tại Sarajevo, Bosnia. Nguồn: Eldar Emric/Copyright 2020 The Associated Press.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ con người

Tại các thị trấn hay thành phố lớn, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu chính là phương tiện giao thông, thường xả thải các loại chất như nito dioxit và bụi mịn. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây ô nhiễm không khí khác phải kể đến là đốt nhiên liệu, khí thải từ sản xuất điện, xả thải từ các nhà máy công nghiệp, tình trạng cháy rừng xảy ra ngày càng nhiều hơn do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.

Các chất ô nhiễm trong không khí có thể dễ dàng vượt qua hàng rào bảo vệ của cơ thể, đi sâu vào hệ thống tuần hoàn và hô hấp, gây hại cho phổi, tim và não, làm gia tăng số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi hay bệnh tim mạch. 

Không khí ô nhiễm đang cướp đi sinh mạng của hàng triệu người mỗi năm. Những ảnh hưởng của ô nhiễm tới tuổi thọ trung bình của con người thậm chí cao gấp ba lần so với việc sử dụng các loại nước có cồn, gấp sáu lần căn bệnh HIV/AIDS và hơn tới 89 lần so với xung đột và khủng bố.

Ô nhiễm không khí đang loàm thế giới mất đi tới 17 tỉ năm tuổi thọ - Ảnh 2.

Ô nhiễm nặng nề tại New Dehli, Ấn Độ. Ảnh: Anushree Fadnavis/Reuters

Ông Micheal Greenstone, trưởng nhóm nghiên cứu Chỉ số chất lượng không khí trong cuộc sống, thuộc Đại học Chicago (Mỹ), cho biết, thiệt hại về sinh mạng do ô nhiễm mỗi trường cần phải được đặt ngang hàng về mức độ khẩn cấp như là một cuộc xâm lược không gian. Lý giải điều này, ông nói, hãy hình dung nếu người sao Hoả đến trái đất và phun một loại hoá chất khiến loài người trên hành tinh giảm bình quân hơn hai năm tuổi thọ thì chắc chắn đó sẽ được coi là một tình huống khẩn cấp toàn cầu. Đây cũng chính là điều đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Chỉ có điều, chính chúng là những người phun thuốc độc.  

Đông Nam Á và châu Phi là những nơi ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất

Theo nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 99% người dân đang sinh sống tại các khu vực có mức độ ô nhiễm cao quá mức an toàn. Trong đó, chất lượng không khí kém nhất ở Nam Á và Đông Nam Á, nơi 99,9% người dân phải hít thở không khí không an toàn.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago (Mỹ), người dân ở Nam Á có thể sẽ mất trung bình khoảng 5 năm tuổi thọ nếu mức độ ô nhiễm cao như hiện nay vẫn tiếp diễn. Tại các khu vực xung quanh các thành phố, như Mandalay (Myanmar), Hà Nội (Việt Nam) và Jakarta (Indonesia), người dân sẽ giảm trung bình từ 3-4 năm tuổi thọ.

Trong khi đó, tại các nước thuộc Trung Phi, người dân địa phương sẽ mất đi trung bình khoảng 5 năm tuổi thọ.

Thế giới cần làm gì ?

Hiện chính phủ các nước đang nỗ lực đưa ra nhiều phương pháp cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, như đánh thuế về việc tạo ra chất phát thải cao, đưa ra các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn, hay đầu tư vào các nguồn nhiên liệu xanh, nhờ đó phần nào giúp giảm lượng ô nhiễm trong không khí.  

Ví dụ, Tại Trung Quốc, mức độ ô nhiễm đang được cải thiện tuy chậm nhưng khá đều đặn kể từ khi Chính phủ nước này triển khai "cuộc chiến chống ô nhiễm" vào năm 2013. Năm 2020, mức độ ô nhiễm không khí thực sự đã giảm 40% so với trước đó. Theo các nhà khoa học, nếu Trung Quốc có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn của WHO về chất lượng không khí, người dân nước này sẽ tăng trung bình 2,6 năm tuổi thọ. Tương tự, việc thực hiện đồng đều các chính sách chống ô nhiễm không khí mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu đã làm giảm đáng kể lượng bụi mịn trong không khí.

Hiện thế giới vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Nhưng các nhà khoa học tin rằng, với những cam kết mà các nước đã đề ra, hướng tới đảm bảo tiêu chuẩn của WHO, nhân loại có thể giành lại hàng trăm triệu năm tuổi thọ do ô nhiễm không khí.

Nguồn: euronews