Nỗi niềm đồng phục

15:13 - 26/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những bộ quần áo không thể mua được ở ngoài chợ, bộ sử dụng tốt cũng không thể cho em nhỏ hơn; chất liệu nóng, may ẩu trở thành “nỗi niềm đồng phục" của không ít bậc phụ huynh khi con bước vào năm học mới.

Tốn tiền vì những bộ đồng phục “nóng, ngứa, khó chịu”

Xác định việc mua đồng phục cho con là chuyện đương nhiên, nhưng chị H ở một huyện ngoại thành Hà Nội không nén được tiếng thở dài bởi năm nay nhà trường thay đổi mẫu đồng phục, bởi nhà chị có 2 cháu học lớp 6 và lớp 9. Theo gợi ý của nhà trường, mỗi học sinh cần 2 bộ đồng phục áo trắng quần xanh, 1 bộ thể thao, 1 áo khoác. Như vậy, chị H bắt buộc phải mua cho cả 2 đứa, không thể tận dụng những bộ đồng phục năm ngoái còn dùng tốt của đứa lớn cho em. Dù hoàn cảnh khá khó khăn, nhà trường cũng không bắt buộc mua đủ số lượng, nhưng chị H cũng phải cố mua cho đủ, theo giá mà nhà trường và đơn vị cung cấp đưa ra bởi các đồng phục này được thiết kế riêng, có thêu logo nhận diện nhà trường mà trên thị trường không có bán. 

Thế là ngoài tiền sách bút, các khoản đóng góp, xã hội hóa đầu năm, số tiền đồng phục trong cả năm học của hai đứa con chị cũng không thể trì hoãn được. Tròm trèm, chị cũng mất gần một tháng lương công nhân của mình cho mọi khoản chi đầu năm của 2 đứa.

Nỗi niềm đồng phục! - Ảnh 1.

Chị H phải bỏ bộ đồng phục màu đỏ của con do năm nay đổi sang đồng phục xanh. Ảnh: NVCC

Với mỗi bậc phụ huynh Hà Nội, nghe câu chuyện của chị H hẳn ai cũng thấy quen thuộc, bởi đó là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đúng là đồng phục các trường học thường được thiết kế riêng, cải màu cầu kỳ, nhiều chi tiết nhận diện trường mà phụ huynh khó, thậm chí không thể mua được ở bên ngoài. Mặc dù nhà trường không bắt buộc phụ huynh phải mua đầy đủ những bộ đồng phục đã gợi ý, nhưng vì quy định mặc đồng phục cả tuần nên nhiều người dù kinh tế eo hẹp cũng cố thu xếp mua đủ cho con mặc.

Đắn đo suy nghĩ, bỏ tiền ra mua đồng phục cho con, nhưng nhiều phụ huynh cũng hoàn toàn không hài lòng về chất lượng của những bộ đồng phục so với giá tiền đã bỏ ra bởi chất liệu nóng, không thấm hút mồ hôi, gia công ẩu, có đăng ký kích thước nhưng con mặc không vừa... Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng vì “các con phải mặc đồng phục cả tuần trong những bộ đồ vừa dày vừa nóng”. Và thực tế là, đã có nhiều học sinh cảm thấy không thoải mái trong những bộ đồng phục, thậm chí còn không muốn mặc đồng phục đến lớp vì “nóng, ngứa, khó chịu”, nhiều học sinh bị trừ điểm thi đua vì “không mặc đúng đồng phục” khi đến lớp.

Đừng để đồng phục bị lợi dụng thu lợi bất chính hay làm khó phụ huynh

Cũng từ đó, nhiều phụ huynh đặt dấu hỏi “liệu nhà trường có hoa hồng trong việc bán đồng phục không”, khi mà nhà trường độc quyền về mẫu mã, giá đồng phục, chất liệu thì không tương xứng với giá tiền, vài năm lại thay đổi mẫu mã một lần? Câu hỏi được đặt ra không phải không có cơ sở khi mà trước đó vụ việc một nhóm thầy cô chia nhau hoa hồng bán đồng phục ở Sóc Trăng bị phanh phui; và việc đấu thầu, mua bán đồng phục của các trường rất ít chịu sự kiểm tra, giám sát, việc thông qua ý kiến của đại diện cha mẹ học sinh cũng chỉ làm lấy lệ.

Theo Công văn số 2475/SGDĐT-VP ngày 23/8/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động đầu năm học 2022-2023, Sở lưu ý các nhà trường không bắt buộc học sinh mua đồng phục mới, có thể cung cấp mẫu để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh. Sở cũng yêu cầu, đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương, được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận. Nhà trường có thể cung cấp mẫu (kiểu dáng, màu sắc, logo...) để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh. Các trường không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học. Các trường cũng thực hiện nghiêm túc các quy định tại Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên.

Còn theo Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT ngày 30/9/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đồng phục học sinh - sinh viên, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục cả tuần. Hiệu trưởng quyết định việc mặc đồng phục và kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần; việc thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh; phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức may hoặc mua đồng phục.

Như vậy, so với tinh thần của hai văn bản này, rõ ràng nhiều trường đã “cố thực hiện triệt để” việc mặc đồng phục mà không tính đến tiêu chí “khuyến khích tiết kiệm”, “tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Hơn nữa, dường như nhiều trường cũng “bỏ qua” một số quy định khi thay đổi đồng phục, lựa chọn mẫu mã, chất liệu bởi sẽ không có Ban đại diện cha mẹ học sinh nào lại chọn cho con mình đồng phục có chất liệu cứng, nóng bức. Mọi khâu trong quá trình này dường như đều do nhà trường thực hiện, phụ huynh chỉ được thông báo và nộp tiền.

Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc triển khai nhiều nội dung dạy và học là đúng; việc học sinh mặc đồng phục đến trường “nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hoá” là đúng, nhưng phải đảm bảo việc thực hiện không bị lợi dụng để thu lợi bất chính, không làm khó cho đa số các bậc phụ huynh mỗi đầu năm học khi phải cân đối từng khoản chi để lo cho con. Bất cứ người cha, người mẹ nào cũng sẵn lòng bỏ ra những đồng tiền cuối cùng để lo cho con, nhưng nó phải phù hợp và xứng đáng với số tiền bỏ ra.

Cả 2 văn bản trên đều nêu rõ, khi mua sắm đồng phục trách nhiệm của cơ sở giáo dục phổ thông là phải được cha mẹ học sinh đồng thuận về chủ trương; còn Thông tư 26 thì giao trách nhiệm cho Giám đốc sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện mặc đồng phục, nhưng dường như những nội dung này vẫn chưa được thực hiện tốt, việc quản lý đồng phục học sinh cho các trường chưa được giám sát chặt chẽ, và các trường vẫn “mạnh ai lấy làm”.

Nghiêm túc nhìn nhận, những "nỗi niềm" này không chỉ có ở những phụ huynh Thủ đô Hà Nội. Thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này, cần có thanh kiểm tra quy trình mua bán đồng phục, quy định việc thay đổi, sử dụng đồng phục của các trường học, đặc biệt là sự phối hợp giữa Nhà trường và Đại diện cha mẹ học sinh khi thống nhất về giá cả, chất liệu, mẫu mã nếu thay đổi đồng phục. Niềm vui con trẻ khi đến trường phải được hòa cùng niềm vui của các bậc cha mẹ, các con phải được đến trường trong trang phục đẹp, thoải mái, tạo được niềm vui, sự tự tin mỗi bước chân tới trường, và “nỗi niềm đồng phục” không còn là nỗi canh cánh của mỗi bậc cha mẹ mỗi đầu năm học mới.

Nguồn: Dangcongsan.vn
Bình luận của bạn

Bình luận