"Nô lệ thời hiện đại" tăng gần 10 triệu người trong vòng 5 năm qua

Trúc Phong
10:36 - 14/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tình trạng "nô lệ thời hiện đại" được công bố hôm 12/9 cho biết: Trong vòng 5 năm qua, số nạn nhân bị cưỡng ép kết hôn hoặc lao động đã tăng thêm gần 10 triệu người, lên khoảng 50 triệu người.

"Nô lệ thời hiện đại" là khái niệm được nhắc nhiều trong những năm gần đây khi mà nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, lao động cưỡng bức, bóc lột tình dục hay các hoạt động như bắt làm nô lệ để trả nợ, hôn nhân ép buộc... vẫn là những vấn đề nhức nhối trên toàn cầu.

Những người bị coi là "nô lệ hiện đại" là những người "không thể từ chối hoặc không thể rời đi vì bị đe dọa, bạo lực, lừa dối, lạm dụng quyền lực hoặc các hình thức ép buộc khác".

Số "nô lệ hiện đại" gia tăng

Liên hợp quốc đã đặt ra mục tiêu xóa bỏ tất cả các hình thức nô lệ hiện đại vào năm 2030. Tuy nhiên trong vòng 5 năm qua, số nạn nhân bị cưỡng ép kết hôn hoặc lao động đã tăng thêm gần 10 triệu người, lên khoảng 50 triệu người. Số liệu này được công bố ngày 12/9 trong Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế về tình trạng "nô lệ thời hiện đại".

Theo Báo cáo, số nạn nhân là "nô lệ thời hiện đại" năm 2021 tăng khoảng 9,3 triệu người so với năm 2016. Trong số khoảng 50 triệu người nói trên, số người bị cưỡng ép lao động là 27,6 triệu người, bao gồm cả hơn 3,3 triệu trẻ em, và số người bị cưỡng ép kết hôn là 22 triệu người. Điều này có nghĩa là cứ 150 người trên thế giới lại có gần 1 người trở thành nạn nhân của các hình thức nô lệ thời hiện đại.

Theo báo cáo, khoảng 86% các trường hợp lao động cưỡng bức được tìm thấy trong các ngành công nghiệp tư nhân, bao gồm sản xuất, xây dựng và nông nghiệp, trong đó châu Á và Thái Bình Dương là nơi chiếm hơn một nửa tổng số lao động toàn cầu.

Phụ nữ và trẻ em vẫn là những người dễ bị tổn thương nhất

"Nô lệ thời hiện đại" tăng gần 10 triệu người trong vòng 5 năm qua - Ảnh 2.

Trẻ em có thể bị các hình thức cưỡng bức và lạm dụng nghiêm trọng. Ảnh: Mohammad Shajahan / Anadolu Agency / Getty Images/ CNN

Nghiên cứu cho thấy sự khác biệt về giới tính khi nói đến lao động cưỡng bức, bao gồm cả các ngành sử dụng họ và bản chất của việc cưỡng bức.

Tẻ em chiếm 1/5 số người bị lao động cưỡng bức, với hơn một nửa trong số đó bị mắc kẹt trong bóc lột tình dục vì mục đích thương mại. Trẻ em có thể bị "các hình thức cưỡng bức và lạm dụng nghiêm trọng, bao gồm bắt cóc, đánh thuốc mê, bị giam cầm, lừa dối và thao túng nợ”. Theo Báo cáo,"Một số hành vi lạm dụng tồi tệ nhất xảy ra trong các tình huống xung đột vũ trang."

Hơn 2/3 trong số những người bị ép buộc kết hôn là phụ nữ và trẻ em gái, khiến họ có nguy cơ bị bóc lột và bạo lực tình dục nhiều hơn.

Báo cáo cũng cho biết, phụ nữ bị cưỡng bức lao động có xu hướng làm công việc gia đình nhiều hơn nam giới, trong khi nam giới có khả năng làm việc trong lĩnh vực xây dựng.

Trong khi phụ nữ có nhiều khả năng bị cưỡng bức lao động thông qua lạm dụng và không được trả tiền, nam giới có nhiều khả năng nhận được các lời đe dọa bạo lực và các hình phạt tài chính.

"Nô lệ hiện đại" hiện diện ở mọi quốc gia

Báo cáo của ILO cho thấy hơn 50% số các nạn nhân bị bóc lột sức lao động và 25% số các trường hợp cưỡng ép kết hôn xảy ra tại các quốc gia có thu nhập trên trung bình hoặc thu nhập cao. Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nói với hãng tin AFP: "Sẽ là sai lầm nếu tin rằng lao động cưỡng bức chỉ là vấn đề của các nước nghèo.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: "Thật là sốc khi tình trạng nô lệ hiện đại không được cải thiện" và "Không gì có thể biện minh cho sự dai dẳng của sự lạm dụng nhân quyền cơ bản này".

ILO cho rằng các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu khiến công việc và học tập gián đoạn chưa từng thấy trong khi làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói cùng cực và di cư bất hợp pháp. Báo cáo trên cảnh báo "nô lệ thời hiện đại" là vấn đề lâu dài và các ước tính cho thấy tình trạng bóc lột sức lao động có thể kéo dài nhiều năm và cưỡng ép kết hôn thường kéo dài "cả đời người".  

Xung đột, bất ổn chính trị, nghèo đói, thiếu cơ hội giáo dục, biến đổi khí hậu… đều có thể là lý do khiến nhiều người trở thành nạn nhân của nạn buôn người và bị biến thành "nô lệ thời hiện đại". Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán.

Liên hợp quốc cũng cảnh báo đại dịch COVID-19 làm thụt lùi nỗ lực chung trong việc chấm dứt tình trạng nô lệ thời hiện đại cũng như làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ nghèo đói, đồng thời gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương, khiến nhiều người trở thành nạn nhân bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, lạm dụng. Đặc biệt, đại dịch đã gây ra "những tác hại đáng lo ngại về vấn nạn buôn người" khi những kẻ buôn người lợi dụng khủng hoảng dịch COVID-19 để lôi kéo, lừa đảo những người bị rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực, buộc phải di cư.

ILO cho biết, lao động nhập cư có nguy cơ bị ảnh hưởng cao gấp 3 ần so với người dân địa phương. Mặc dù lao động di cư có những tác động tích cực đến các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và xã hội, nhưng di cư không thường xuyên hoặc được quản lý kém, hoặc việc tuyển dụng không công bằng và phi đạo đức khiến người di cư đặc biệt dễ bị tổn thương. 

Đề xuất các hành động để chấm dứt tình trạng "nô lệ hiện đại"

Báo cáo của ILO đưa ra các đề xuất để nhanh chóng chấm dứt tình trạng "nô lệ hiện đại". Đó là cải thiện và thực thi luật pháp và thanh tra lao động; chấm dứt lao động cưỡng bức do nhà nước áp đặt; thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để chống lại lao động cưỡng bức và buôn người; mở rộng bảo trợ xã hội và tăng cường bảo vệ pháp luật, bao gồm cả việc nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp lên 18.

Báo cáo cũng đưa ra các biện pháp khác liên quan đến việc giải quyết nguy cơ bị buôn bán và lao động cưỡng bức gia tăng đối với lao động nhập cư, thúc đẩy tuyển dụng công bằng và có đạo đức, đồng thời hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ, trẻ em gái và các cá nhân dễ bị tổn thương.

Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) António Vitorino cho biết: "Báo cáo này nhấn mạnh mức độ cấp thiết của việc đảm bảo rằng mọi hoạt động di cư đều diễn ra an toàn, trật tự và thường xuyên".