Những số điện thoại không nên nghe và cách nhanh nhất để phản ánh cuộc gọi rác, lừa đảo

Minh Châu
09:23 - 28/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nghe số máy lạ có thể dẫn đến việc người dùng bị trừ toàn bộ số tiền hiện có trong tài khoản di động hoặc bị kẻ xấu thu thập thông tin cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những số điện thoại không nên nghe và cách nhanh nhất để phản ánh cuộc gọi rác, lừa đảo- Ảnh 1.

Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156. Ảnh minh họa: mashable.com

Gia tăng các cuộc gọi rác, lừa đảo

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, cuộc gọi quảng cáo không mong muốn, cuộc gọi mạo danh, có dấu hiệu lừa đảo là hiện tượng không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Báo cáo của Công ty cung cấp giải pháp Hiya khảo sát trong Quý II/2023, hệ thống của Hiya trên toàn cầu đã ghi nhận 6,5 tỷ cuộc gọi bị phản ánh là cuộc gọi không mong muốn (cuộc gọi rác/cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo) - tương ứng trung bình 70 triệu cuộc/ngày).

Ở Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đài 5656/156 của Bộ TT&TT đã tiếp nhận hơn 570 nghìn phản ánh trong đó có hơn 104 nghìn phản ánh về các cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo (chiếm ~ 18% tổng số phản ánh).

Cụ thể, thời gian gần đây, một số đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo xưng danh là Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng, Nhà mạng viễn thông … gọi điện đến số điện thoại cố định, di động của người dân.

Mục đích của các đối tượng là để thu thập thông tin nhằm hù dọa, lừa đảo, để từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Những số điện thoại không nên nghe

Dưới đây là các đầu số điện thoại lừa đảo có thể là danh sách những số điện thoại không nên nghe ở cả quốc tế và Việt Nam mà bạn cần lưu ý:

Các đầu số điện thoại không nên nghe quốc tế như: 224; 231; 232; 252; 247; 371; 375; 381; 563; 370; 255.

Những đầu số điện thoại không nên nghe tại Việt Nam như: +1900, +024, +028.

Ngoài những số điện thoại không nên nghe trong danh sách trên, bạn có thể nhận biết số điện thoại lừa đảo qua một số đặc điểm sau: Cuộc gọi không rõ nguồn gốc, yêu cầu thông tin cá nhân, sử dụng mã khu vực quốc tế lạ, cảnh giác với các cuộc gọi đến từ các quốc gia khác ở xa.

Nghe số máy lạ có thể dẫn đến việc người dùng bị trừ toàn bộ số tiền mình có trong tài khoản di động. Nghe số điện thoại lạ có thể bị kẻ xấu đánh cắp thông tin hoặc lừa đảo để thu thập thông tin cá nhân.

Khi nghe các số máy lạ có thể dẫn đến rủi ro giả mạo yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP xác thực qua điện thoại để rút sạch toàn bộ số tiền trong tài khoản.

Định danh các cuộc gọi của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng

Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT… Giải pháp này cũng sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.

Những số điện thoại không nên nghe và cách nhanh nhất để phản ánh cuộc gọi rác, lừa đảo- Ảnh 2.

Bộ Thông tin và Truyền thông cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT… để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh hay tin nhắn rác. Ảnh: Minh Châu

Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được biết, kể từ ngày 27/10/2023, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ có hiển thị tên định danh "BO TTTT". Việc này đã được các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành từ ngày 20/10.

Từ ngày 27/10/2023, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đều hiển thị tên định danh. Chẳng hạn như VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone), VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT), LOCAL (nhà mạng ASIM)…

Các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gồm Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tần số Vô tuyến điện; xưng danh là doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Viettel, FPT..), nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.

Cách nhanh nhất để phản ánh cuộc gọi rác, lừa đảo

Khi nhận cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, người dân cần phản ánh tới các đầu số tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của Bộ Thông tin và Truyền thông là 156, 5656 hoặc phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao của mình để yêu cầu xử lý.

Cụ thể, khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua hai cách: Gửi tin nhắn hoặc gọi điện thoại tới đầu số 156 như sau:

Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156, đối với tin nhắn rác, soạn tin theo cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, soạn tin theo cú pháp: V (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, soạn tin theo cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

Cách 2: Gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...). Nội dung phản ánh theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông, VTC News, dangcongsan.vn
Bình luận của bạn

Bình luận