Cần làm gì để tránh rơi vào "bẫy lừa đảo" khi nộp hồ sơ du học?

Lam Linh
21:09 - 22/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trước khi đi du học, học sinh thường tìm đến trung tâm tư vấn du học để được hỗ trợ hoàn tất hồ sơ du học. Tuy nhiên, bên cạnh những trung tâm uy tín thì vẫn có không ít trung tâm du học lừa đảo, gây hậu quả nghiêm trọng đối với học sinh, cũng như thiệt hại kinh tế gia đình các em.

Cần làm gì để tránh rơi vào "bẫy lừa đảo" khi nộp hồ sơ du học? - Ảnh 1.

Một trung tâm tư vấn du học uy tín phải là nơi tư vấn dựa vào các điều kiện mà người mong muốn đi du học cung cấp: nhu cầu, kết quả học tập, khả năng tài chính. Ảnh: freepik

Theo thống kê mới nhất của UNESCO, năm 2020, Việt Nam có 132.560 học sinh đăng ký đi du học.
Còn theo thống kê gần đây nhất của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm học 2019-2020, Việt Nam có khoảng 190.000 sinh viên học tập ở nước ngoài. Các điểm đến phổ biến là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ và Canada.

Nhìn vào số lượng hàng trăm nghìn người Việt Nam đang đi du học có thể thấy, du học là định hướng, là lựa chọn của nhiều gia đình cũng như học sinh để mở ra nhiều cơ hội trong học tập cũng như phát triển tương lai.

Trong đó, trước khi đi du học, nhiều học sinh cần phải tìm đến sự tư vấn, hỗ trợ từ các trung tâm tư vấn du học để có thể tìm hiểu về chương trình đào tạo, chi phí, đặc biệt là hoàn tất hồ sơ du học. 

Từ thực tế này, bên cạnh những trung tâm uy tín thì cũng có không ít trung tâm kém chất lượng, lợi dụng tâm lý muốn đi du học của học sinh để lừa đảo với chiêu trò tinh vi.

Nguyên nhân khiến các bạn trẻ rơi vào bẫy lừa đảo khi nộp hồ sơ du học

1. Nguyên nhân đến từ phía người có nhu cầu đi du học

Theo ông Nguyễn Thế Ghi - Giám đốc Công ty Nhật Vinh ETS (một đơn vị chuyên tư vấn du học nhiều năm, hiện đã và đang tư vấn du học nghề, có trụ sở tại Hà Nội), để tránh "sập bẫy" lừa đảo du học, điều quan trọng nhất là học sinh phải chủ động tìm hiểu thông tin, lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp với mình và tham khảo về chi phí dịch vụ.

Nhưng hiện nay, nhiều người lười suy nghĩ và có tâm lý ỷ vào người khác, luôn thụ động, không chịu tìm hiểu thông tin. Điều này vô hình trung dẫn đến việc họ sẽ trở thành "miếng bánh ngon" và trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo từ các trung tâm tư vấn du học kém chất lượng.

Chẳng hạn như, ngày nay, có nhiều thông tin về du học hay học bổng du học được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, kênh truyền thông,.. Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin chung chung. Do đó, để xác định được thông tin này có chính xác hay không, học sinh cần truy cập vào website của trường mà mình muốn đăng ký đi du học hoặc tổ chức cung cấp học bổng để kiểm tra. Bởi đây là nguồn thông tin tra cứu chính xác nhất.

Sau khi tìm được nguồn thông tin chính thống, học sinh phải đọc thật kỹ "application guideline" (hướng dẫn và quy định) để nắm bắt được thủ tục đăng ký và yêu cầu của trường học. Tuyệt đối không được bỏ qua bước này hay đọc một cách qua loa để tránh có cái nhìn phiến diện.

Đồng thời, để định hướng được tương lai nghề nghiệp sau khi đi du học, học sinh nên đọc hết tin tức trên website của trường để tìm hiểu về các chuyên ngành đào tạo.

Ngoài ra, để nắm bắt thông tin được trọn vẹn cũng như biết được trường mình định đăng ký đi du học có chất lượng hay không, các bạn học sinh nên tham khảo những ý kiến từ thầy cô, chuyên gia giáo dục, những cựu học sinh của trường đó thông qua các hội nhóm. 

Có thể thấy, trông chờ vào người khác trước hết sẽ gây mất thời gian, mọi việc bị ùn tắc. Đồng thời, nếu học sinh "mù" thông tin lại gặp đúng trung tâm tư vấn "không có tâm", tư vấn đại một trường cho xong mà không quan tâm đến khả năng học tập của bạn để định hướng chọn ngành, nghề cho phù hợp thì rõ ràng, bạn đã tự đánh mất quyền lợi của chính mình.

Cần làm gì để tránh rơi vào "bẫy lừa đảo" khi nộp hồ sơ du học? - Ảnh 4.

Học viên cần chủ động tìm hiểu thông tin, tỉnh táo, đề cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của những công ty, đơn vị tư vấn du học kém chất lượng. Ảnh: freepik

2. Nguyên nhân đến từ phía trung tâm tư vấn du học

Chia sẻ về việc tư vấn đi du học, Giám đốc Công ty Nhật Vinh ETS Nguyễn Thế Ghi cho biết, một trung tâm tư vấn du học uy tín phải là nơi tư vấn dựa vào các điều kiện mà người mong muốn đi du học cung cấp: nhu cầu, kết quả học tập, khả năng tài chính... 

Từ đó, giúp học sinh cũng như gia đình họ nhận ra vấn đề đang gặp phải như: điểm GPA thấp, điều kiện kinh tế không đủ, chuyên ngành muốn đi du học không phù hợp...

Bên cạnh đó, trung tâm cũng cần nhấn mạnh về việc đi du học không phải là con đường "trải thảm hoa hồng", thậm chí sẽ có nhiều thách thức và khó khăn tiềm ẩn phía trước. Bởi học tập và sinh sống tại nước ngoài không phải là một điều dễ dàng và không có một ngôi trường hay quốc gia nào là điểm đến hoàn hảo, lý tưởng tuyệt đối.

Trái lại, một trung tâm tư vấn du học không uy tín là trung tâm chỉ "chăm chăm" kiếm được lợi nhuận là các khoản hoa hồng từ các trường có liên kết và tiền phí dịch vụ từ phụ huynh. Đồng thời, mục đích duy nhất của họ là lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền bạc.

Chẳng hạn như, bằng những lời quảng cáo "hoa mỹ", trung tâm tư vấn du học kém chất lượng có thể hối thúc gia đình học viên ký hợp đồng sớm để hưởng những ưu đãi như: chương trình chi phí trọn gói trong hành trình chuẩn bị hồ sơ du học, bao gồm nhận học bổng 80% từ trường đại học và cam kết đậu visa 100%.

Sau khi ký xong hợp đồng dịch vụ, "bút sa gà chết", phụ huynh và học sinh không còn cách nào khác ngoài việc chấp thuận và không được hoàn tiền cho dù thực tế đã biết không có ưu đãi nào như trung tâm du học đã tư vấn bằng cách hỏi tổng lãnh sự.

"Chỉ đưa những lời tư vấn "màu hồng" về chi phí chương trình và hứa hẹn tương lai rộng mở mà không đề cập đến những hạn chế và khó khăn, hay đưa ra những chương trình trọn gói, sau đó cam kết gia đình và học sinh không cần lo gì nữa - đây là những điều vô lý và cần xem xét", ông Nguyễn Thế Ghi nói.

Trong thực tế, các học viên thường "sập bẫy" các công ty tư vấn du học kém chất lượng khi tin vào các lời quảng cáo như: Trường thuộc top đầu, bằng cấp được chấp nhận toàn thế giới nhưng thực tế là trường chỉ ở top cuối, cơ sở vật chất kém; Được phép đi làm thêm để tăng thêm thu nhập, nhưng thực tế làm thêm ở đất nước đó sẽ vất vả đến mức nào thì trung tâm không đề cập; Không cần giỏi ngoại ngữ vẫn có thể đi du học vì cứ sang nước ngoài, được giao tiếp với người bản địa là sẽ cải thiện khả năng ngôn ngữ...

Cần chủ động tìm hiểu và đề cao cảnh giác

Để tránh việc trở thành "miếng mồi béo bở" của các công ty, đơn vị tư vấn du học, trước hết, học viên cần chủ động tìm hiểu thông tin về trường học, chi phí, visa cũng như luật pháp, văn hóa của nước mình muốn đi thông qua đại sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán của nước đó.

Bên cạnh đó, khi có dự định đi du học thông qua các công ty, trung tâm tư vấn du học thì khách hàng cần tìm hiểu kỹ về độ uy tín, kinh nghiệm của cơ sở này trong lĩnh vực giáo dục và định hướng nghề nghiệp thông qua thời gian thành lập. Đồng thời, kiểm tra lại giấy phép hoạt động bằng nhiều nguồn. Bởi không phải đơn vị nào cũng thực sự có đủ năng lực hoạt động trong lĩnh vực tư vấn dịch vụ du học.

Ngoài ra, học viên cũng như gia đình không nên nghe vào những lời quảng cáo rồi ký hợp đồng ngay và chuyển tiền luôn. Thay vào đó, phải đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Bởi chiêu trò của những trung tâm tư vấn du học kém chất lượng là thường "cài cắm" các điều khoản bất lợi cho khách hàng, thậm chí không có điều khoản về trách nhiệm của trung tâm khi xảy ra sự cố khách quan đối với khách hàng.

Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của mình, phụ huynh nên có yêu cầu: Nếu mọi việc trong quá trình đi du học không giống như tư vấn của trung tâm trước đó, phụ huynh có quyền ngưng ngay hợp đồng và được hoàn 100% chi phí.