Những "khu rừng nhiệt đới" dưới đáy đại dương
Các rạn san hô thường được ví như những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển. Chúng là một trong những hệ sinh thái lâu đời và đa dạng nhất về mặt sinh học trên Trái đất. Rạn san hô có vai trò rất quan trọng với hệ sinh thái đại dương và đời sống con người.
Hệ sinh thái đa dạng nhất nhưng dễ bị tổn thương của đại dương
Các rạn san hô tuy chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích đại dương nhưng lại có 25% số sinh vật biển sống ở đó. Các rạn san hô đóng vai trò như một hệ thống bảo vệ bờ biển và là ngôi nhà cho các mảng hệ sinh thái. Chúng còn hỗ trợ mối quan hệ cộng sinh (cùng có lợi) giữa các sinh vật trong thế giới tự nhiên.
Rạn san hô là hệ sinh thái đa dạng nhất của đại dương và là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên hành tinh chúng ta. Trong thế giới đại dương, rạn san hô giống như những thành phố thu nhỏ của các loài sinh vật biển, là nơi cư trú và cung cấp thức ăn cho khoảng 4.000 loài cá, 800 loài san hô và hàng trăm sinh vật biển khác.
Tuy nhiên, san hô rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi tác động của môi trường. Hoạt động của con người cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của rạn san hô.
Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với san hô chính là hiện tượng tẩy trắng san hô. Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ nước biển bề mặt tăng lên ảnh hưởng tới sự sống của tảo zooxanthellae cộng sinh với san hô. Quá trình acid hóa đại dương cũng khiến san hô khó có thể hình thành khung xương calcium carbonate. Nếu quá trình acid hóa diễn ra với tốc độ nhanh hơn, những cấu trúc xương đã hình thành của các rạn san hô cũng có thể bị phá vỡ.
Ngoài ra, tác động trực tiếp gây suy thoái rạn san hô là hoạt động của con người như: khai thác san hô, đánh bắt hải sản quá mức, du lịch, san lấp, nạo vét,… ở những vùng biển có rạn san hô. Các tác nhân này còn làm giảm khả năng thích ứng, chống chịu của san hô với các tác động do biến đổi khí hậu. Nạn phá rừng cũng làm xói mòn đất, nước mang đất ra biển và tạo thành trầm tích bao phủ lên các rạn san hô.
Những rạn san hô đẹp nhất thế giới
Rạn san hô Great Barrier (Australia)
Rạn san hô Biển Đỏ
Rạn san hô Rainbow (Fiji)
Rạn san hô Tubbataha (Philippines)
Rạn san hô Palancar (Mexico)
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng tới san hô
Trong kịch bản xấu nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, hơn 50% số rạn san hô trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2035.
Các nhà khoa học tại Đại học Hawaii, Mỹ đã sử dụng các mô hình biến đổi khí hậu toàn cầu và tiến hành so sánh các kịch bản có thể xảy ra do 5 yếu tố dự báo ảnh hưởng đến môi trường từ những năm 1950 của thế kỷ trước đến năm 2100. Các yếu tố này bao gồm nhiệt độ bề mặt nước biển, hiện tượng acid hóa đại dương, các cơn bão nhiệt đới, vấn đề sử dụng đất và dân số.
Dự báo đến năm 2055, khoảng 99% hệ sinh thái rạn san hô trên thế giới sẽ phải đối mặt với các điều kiện sống không phù hợp, khiến san hô chết và làm gián đoạn chuỗi thức ăn nuôi sống các sinh vật biển khác.
Hiện các nhà khoa học đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tiếp theo của công trình nghiên cứu, theo đó đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các loài san hô.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google