Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển"

Phóng sự của Trịnh Thông Thiện
16:46 - 09/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đảo Cù Lao Chàm (Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ mà còn là nơi được giới khoa học quan tâm đặc biệt, bởi nơi đây còn có những loài san hô lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam.

Tuy nhiên, những rạn san hô ở đây một thời gian dài bị tàn phá trong cuộc sống mưu sinh của người dân xã đảo Tam Hiệp. Việc những ngư dân Tam Hiệp được ví như "những chiến binh thầm lặng" dưới đáy biển tham gia nuôi trồng và phục hồi thành công những rạn san hô, dọn rách dưới đáy biển không chỉ tạo kế sinh từ du lịch mà còn tạo môi trường cho các loại thủy sản quý hiếm hồi sinh.

Những "chiến binh" thầm lặng dưới đáy biển

Năm 2009, khi được UNESSCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, Cù Lao Chàm nhanh chóng trở thành một địa danh du lịch biển nổi tiếng của miền Trung và cũng được giới khoa học quan tâm. Cũng thời gian này, Thành phố Hội An đã có kế hoạch xây dựng hòn đảo này thành một địa điểm du lịch biển lý tưởng nằm trong tam giác du lịch nổi tiếng của xứ Quảng cùng với Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An. 

Hơn 10 năm sau, Cù Lao Chàm đã thành công với việc xây dựng đảo xanh thành một địa điểm du lịch biển hấp dẫn với loại hình du lịch chủ đạo là lặn ngắm san hô.

Nhưng ít người biết rằng, trước đây những rạn san hô của hòm đảo xinh đẹp này đã bị tàn phá nặng nề. Huỳnh Đức, cán bộ Khu bảo tồn biển thuộc Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm hướng dẫn chúng tôi đi tham quan trên đảo. Anh kể rằng, trước năm 1996, anh vốn là ngư dân chuyên lặn bắt tôm hùm, bào ngư và khai thác san hô mang về nung làm vôi làm vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trên đảo. 

Huỳnh Đức cho biết: "Ngày mới thành lập Khu bảo tồn biển, dân đảo chúng tôi hoang mang lắm, vì Ban quản lý đã khoanh vùng bảo vệ, cấm không cho đánh bắt thủy sản thủy sản ở các rạn san hô. Dân chúng tôi xưa nay chỉ quen dùng thuyền nhỏ đánh bắt thủy sản ở các rạn san hô ven đảo, bây giờ không được đánh bắt nữa, đi làm nghề phục vụ du lịch liệu có sống nổi không?".

Nói về sự đa dạng của những rạn san hô quanh đảo Cù Lao Chàm, bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, từ năm 1996, các nhà khoa học đã điều tra và phát hiện được ở đây có 135 loài san hô với 35 giống, trong đó có 6 loài mới tìm thấy lần đầu ở vùng biển Việt Nam. Ngoài ra kết quả điều tra còn cho thấy rạn san hô là "ngôi nhà" trú ẩn và sinh trưởng của 202 loài thủy sản và 4 loài tôm hùm. 

Các rạn san hô ở Cù Lao Chàm phân bố chủ yếu ở phía Tây và Tây Nam đảo Hòn Lao và xung quanh các đảo nhỏ với tổng diện tích khoảng 165 ha mặt nước, nhưng đều bị hư hại do người dân trên đảo khai thác để nung vôi.

Trước thực trạng đó, Khu bảo tồn đã phối hợp với các chuyên gia của Viện hải dương học Nha Trang triển khai dự án nuôi cấy phục hồi lại các rạn san hô để phục vụ các hoạt động du lịch và bảo tồn các nguồn gien quý hiếm tại vùng biển này.

Chuyện trồng phục hồi lại những rạn san hô đã chết dưới đáy biển ở Cù Lao Chàm cũng lắm gian truân. Năm 2006, khi bắt đầu dự án trồng, cấy mới san hô, các cán bộ của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã gặp không ít thất bại. Lúc bấy giờ những ngư dân tại đảo được tuyển dụng vào Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm như Huỳnh Đức, Trần Giòn, Võ Hữu Sinh… được hướng dẫn lặn xuống biển tách các mẫu san hô đem về trồng lại ở các vùng đã bị khai thác nhưng một thời gian sau san hô đều bị chết hoặc bị sóng biển cuốn trôi. 

Không nản chí, các anh tiếp tục trồng đi, trồng lại nhiều lần nhưng rồi công sức vẫn đổ biển vì san hô lại bị đánh bật bởi sóng lớn. Khi đó, Huỳnh Đức mới nghĩ rằng, trồng san hô dưới biển cũng như trồng cây ở trên đất liền, phải ươm giống cho cây khỏe mạnh phát triển tốt rồi mới đem gieo trồng đại trà.

Huỳnh Đức nêu ý tưởng và được lãnh đạo Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đồng ý cho làm thí điểm. Anh và các đồng nghiệp đã chọn được vùng biển thuộc Rạn Mè, Bãi Tra và Bãi Mần là nơi lặng sóng, khuất gió thuận lợi cho việc làm vườn ươm. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của các chuyên gia Viện hải dương học Nha Trang, các anh đã thiết kế khung nuôi để có thể ươm giống san hô được nhiều và thuận lợi cho việc chăm sóc. 

Kết quả thật bất ngờ, san hô sau khi ươm đem trồng đã phát triển rất tốt.

Tính đến hết năm 2019, "những chiến binh thầm lặng" của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phát triển được 30 khung ươm trồng san hô phục vụ đắc lực cho việc trồng phục hồi thành công 165 ha diện tích rạn san hô bị hư hại. Đặc biệt, các cán bộ và nhà khoa học của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tiến hành thành công việc trồng mới 146 ha diện tích rạn san hô ở khu vực biển Cù Lao Chàm, nâng tổng diện tích các rạn san hô ở đây lên 311 ha diện tích mặt nước.

Trên một chiếc thuyền được trang bị các phương tiện lặn biển chuyên nghiệp, Huỳnh Đức đưa chúng tôi đến Mũi Đá Trắng, nơi được mệnh danh là "thiên đường dưới đáy biển" ở Cù Lao Chàm, để tham quan vẻ đẹp huyền ảo của những rạn san hô. Rạn san hô ở Mũi Đá Trắng rộng khoảng 30ha, là điểm lặn ngắm san hô lý tưởng nhất ở Cù Lao Chàm. 

Dưới độ sâu chừng 5 mét, qua chiếc kính lặn, ẩn hiện trong làn nước trong xanh là cả một thế giới đầy màu sắc của các loài động, thực vật biển, trông như chốn thủy cung huyền bí.

Ngồi bên mạn thuyền, cúi nhìn chăm chú vào những rạn san hô ẩn hiện trong làn nước biển trong xanh, Huỳnh Đức tâm sự: "Bỏ được nghề khai thác san hô nung vôi chuyển sang làm công tác bảo tồn biển, tôi như trả được món nợ với biển của quê hương. Ở Khu bảo tồn biển này, chúng tôi đã làm hồi sinh những rạn san hô tuyệt đẹp, giúp Cù Lao Chàm trở thành một điểm du lịch lặn ngắm san hô hấp dẫn nhất ở Việt Nam".

Từ giữa năm 2019, Ban quản lý Khu bảo tồn biển đã thực hiện giám sát nhanh trên hiện trường và phát hiện 2 khu vực có san hô cứng mọc, hồi sinh và phát triển tương đối tốt tại nền các bờ kè bê tông tại Cù Lao Chàm. Việc san hô hồi sinh tại các khu vực vốn chịu nhiều tác động từ các công trình đang xây dựng được xem là tín hiệu đáng mừng cho thấy môi trường và chất lượng nước biển ở Cù Lao Chàm đang từng bước được cải thiện.

Vào mùa hè, trung bình ngày hơn 3.500 khách nước ngoài ra Cù Lao Chàm tắm biển và lặn ngắm san hô. Vì thế, cứ theo như cách tính đơn giản của Huỳnh Đức thì mỗi người dân trên đảo phục vụ hơn một du khách nên nguồn thu nhập chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với nghề đi biển như trước đây.

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 1.

Những rạn san hô tuyệt đẹp dưới biển Cù Lao Chàm là địa điểm du lịch lặn ngắm san hô lý tưởng và là nơi bảo tồn gen thủy sản quý hiểm, đặc hữu làm nên sự đa dạng sinh học của biển Việt Nam. Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 2.

San hô Cù Lao Chàm sinh trưởng trong làn nước trong xanh. Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 3.

Mầu sắc rực rỡ của biển. Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 4.

"Vân" của tự nhiên. Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 5.

Một cây san hô Cù Lao Chàm có dáng như cây trên mặt đất. Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 6.

Sắc màu biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 7.

Sinh sôi trong lòng biển. Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 8.

Cá nhỏ kiếm sống trong rạn san hô Cù Lao Chàm. Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 9.

Sau khi phục hồi và trồng mới thành công 311 ha diện tích san hô, theo ghi nhận của các nhà khoa học, đây là môi trường tốt cho các loài thủy sản quý hiếm sinh trưởng và phát triển đặc biệt là các loài tôm hùm. Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Bảo vệ san hô - "lồng ấp nở" cho các loài thủy sản

Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, các vệt san hô lớn với vai trò như "một lồng ấp nở" cho các thủy hải sản, trong đó có nhiều loài lần đầu được tìm thấy trong vùng biển Việt Nam. Khoảng chục năm gần đây, rác thải đại dương đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm. Rác biển đang từng bước xâm hại đến những rạn san hô mà công sức của Đội tuần tra kiểm soát biển đã tiến hành gần 20 năm trời mới được hồ sinh. 

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 10.

Cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đưa các thiết bị nuôi trồng san hô xuống đáy biển.

Ảnh: Trịnh Thông Thiện

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 11.

Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm khoanh khoanh vùng biển Rạn Mè để làm vườn ươm san hô. Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 12.

Khung ươm san hô dưới đáy biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Trịnh Thông Thiện

Các cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã dùng các biện pháp như dùng đinh cố định, dùng dây buôc san hô mới trồng để chống lại sóng lớn. Ảnh: Trịnh Thông Thiện

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 14.

Cán bộ Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm kiểm tra tiến độ sinh trưởng san hô được gieo trồng dưới đáy biển thuộc khu vực Mũi Đá Trắng. Ảnh: Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Nguyễn Thị Hồng Thúy, nữ cán bộ trẻ có nhiều năm công tác tại Phòng tuần tra kiểm soát của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, những loại rác thải này có sức tàn phá rất lớn đến sự phát triển của rạn san hô, thảm cỏ biển và cả loài rùa biển. Đây đều là những đối tượng có giá trị đặc biệt mà Khu Bảo tồn đang đầu tư công sức, tiền của để nghiên cứu bảo vệ.

Tháng 3 năm 2021, nhân dịp đang dịch COVID vắng khách ra đảo, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phát động triển khai thực hiện chương trình dọn vệ sinh, bắt sao biển gai, bảo vệ vùng rạn san hô ở vùng biển Cù Lao Chàm và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng trên đảo.

Chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tình nguyện viên, vốn là người dân sinh sống trên đảo. Trong một thời gian dài, lực lượng bảo tồn biển cùng với đông đảo tình nguyện viên đã thực hiện dọn vệ sinh đáy biển, lặn tìm bắt sao biển gai, một loại thiên địch nguy hại, tàn phá san hô rất nhanh tại Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Xếp và Bãi Bắc. 

Ngoài ra, lực lượng tình nguyện còn tiến hành thu gom lưới bị hỏng, dây cước, bao tải, chất thải chìm dưới đáy biển nơi các loài san hô sinh sống nhằm có những đánh giá kịp thời, chính xác, đưa ra các giải pháp cụ thể bảo vệ sự phát triển tốt cho hệ sinh thái biển, các rạn san hô, các loại tôm cá.

Ông Nguyễn Văn Vũ – Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp tổ chức thu gom rác thải, giám sát vùng biển theo bộ công cụ hướng dẫn của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Sắp tới, chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện hằng năm nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương góp phần bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học".

Thấy người dân trên đảo hưởng ứng nhiệt tỉnh, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp và nhóm Hành động vì môi trường biển duy trì định kỳ công việc dọn rác dưới đáy biển trong những năm tiếp theo.

Tháng 5/2021, TS Lê Xuân Ái, cố vấn kỹ thuật Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, có sự xuất hiện của đàn cá heo lên đến cả trăm con trên vùng biển Cửa Đại rồi vui đùa với du khách. Theo ông Ái, qua quan sát đoạn clip ghi lại cảnh đàn cá heo bơi tung đang lan truyền trên mạng xã hội thì có thể khẳng định rằng đàn cá heo này thuộc họ Delphinidae. Đây là loài lớn thứ 3 của họ cá heo đại dương với chiều dài khoảng 1 m và cân nặng dao động từ 40 - 50 kg. 

"Sự xuất hiện của đàn cá heo là một tín hiệu tích cực. Điều này cho thấy môi trường vùng biển thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm đang được bảo tồn tốt. Hệ sinh thái ở đây chắc chắc đang hết sức đa dạng. Bởi lẽ, theo thuộc tính, cá heo thường di chuyển theo các con mồi và thức ăn của chúng thường là những loại cá nhỏ…", ông Ái cho biết.

Cũng theo ông Ái, việc đàn cá heo lại xuất hiện tại vùng biển Cù Lao Chàm cho thấy có một sự trùng hợp đến kỳ lạ, bởi cả hai địa phương đều có hệ sinh thái đa dạng, phong phú là khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và Vườn Quốc gia Côn Đảo. "Chắn chắn một điều rằng, 2 nơi này đang làm tốt công tác bảo tồn rạn san hô, phát triển hệ sinh thái vùng biển. Bởi lẽ, môi trường biển của chúng ta có tốt thì cá heo mới tìm tới để săn mồi", ông Ái khẳng định.

Phương châm Thành phố Hội An phát triển du lịch thiên nhiên ở cụm đảo Cù Lao Chàm bằng tư duy "phát triển ở Cù Lao Chàm là không phát triển gì, chỉ giữ nguyên vẹn những gì sẵn có
Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 16.

Đội tuần tra kiểm soát biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Tất Sơn

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 17.

Đội tuần tra kiểm soát biển Cù Lao Chàm nhặt rác biển bảo vệ những rạn san hô.

Ảnh: Tất Sơn

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 18.

Lặn xuống đáy biển nhặt rác, bảo vệ những rạn san hô. Ảnh: Tất Sơn

Ngắm san hô tuyệt đẹp ở Cù Lao Chàm và chuyện "trồng rừng dưới biển" - Ảnh 19.

Ông Joan Tubbs du khách đến từ Mỹ cùng tham gia bắt cầu gai, loài sinh vật gây hại cho san hô ở biển Cù Lao Chàm. Ảnh: Trịnh Thông Thiện

Cù Lao Chàm đã hút lượng lớn khách du lịch ra đảo ngắm san hô nhưng thành phố Hội An chỉ cấp "quota" 3.000 - 5.000 du khách ra đảo/ngày để đảm bảo lượng khách không quá tải, ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái biển.