Những "khu rừng nhiệt đới" dưới đáy đại dương

06:00 - 23/10/2022

Các rạn san hô thường được ví như những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển. Chúng là một trong những hệ sinh thái lâu đời và đa dạng nhất về mặt sinh học trên Trái đất. Rạn san hô có vai trò rất quan trọng với hệ sinh thái đại dương và đời sống con người.

Hệ sinh thái đa dạng nhất nhưng dễ bị tổn thương của đại dương

Các rạn san hô tuy chỉ chiếm chưa tới 1% diện tích đại dương nhưng lại có 25% số sinh vật biển sống ở đó. Các rạn san hô đóng vai trò như một hệ thống bảo vệ bờ biển và là ngôi nhà cho các mảng hệ sinh thái. Chúng còn hỗ trợ mối quan hệ cộng sinh (cùng có lợi) giữa các sinh vật trong thế giới tự nhiên.

Rạn san hô là hệ sinh thái đa dạng nhất của đại dương và là một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên hành tinh chúng ta. Trong thế giới đại dương, rạn san hô giống như những thành phố thu nhỏ của các loài sinh vật biển, là nơi cư trú và cung cấp thức ăn cho khoảng 4.000 loài cá, 800 loài san hô và hàng trăm sinh vật biển khác. 

Tuy nhiên, san hô rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi tác động của môi trường. Hoạt động của con người cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của rạn san hô.

Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với san hô chính là hiện tượng tẩy trắng san hô. Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ nước biển bề mặt tăng lên ảnh hưởng tới sự sống của tảo zooxanthellae cộng sinh với san hô. Quá trình acid hóa đại dương cũng khiến san hô khó có thể hình thành khung xương calcium carbonate. Nếu quá trình acid hóa diễn ra với tốc độ nhanh hơn, những cấu trúc xương đã hình thành của các rạn san hô cũng có thể bị phá vỡ.

Ngoài ra, tác động trực tiếp gây suy thoái rạn san hô là hoạt động của con người như: khai thác san hô, đánh bắt hải sản quá mức, du lịch, san lấp, nạo vét,… ở những vùng biển có rạn san hô. Các tác nhân này còn làm giảm khả năng thích ứng, chống chịu của san hô với các tác động do biến đổi khí hậu. Nạn phá rừng cũng làm xói mòn đất, nước mang đất ra biển và tạo thành trầm tích bao phủ lên các rạn san hô.

Những rạn san hô đẹp nhất thế giới

Rạn san hô Great Barrier (Australia)

Hơn 50% số rạn san hô trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2035 - Ảnh 1.

Rạn san hô Great Barrier nằm trong khu vực Biển San Hô, ngoài khơi bờ biển Queensland, đông bắc Australia.

Ảnh: Reinhard Dirscherl/ullstein bild/Getty Images

Hơn 50% số rạn san hô trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2035 - Ảnh 2.

Đây là hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới, bao gồm hơn 2.900 rạn san hô riêng lẻ và 900 hòn đảo trải dài trên 2.300 km, với tổng diện tích 344.400 km2. Ảnh: Catalystsolutions

Hơn 50% số rạn san hô trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2035 - Ảnh 3.

Great Barrier cũng là cấu trúc sống lớn nhất thế giới, có thể được nhìn thấy từ ngoài vũ trụ. Nơi đây là môi trường sống của hơn 400 loài động thực vật. Ảnh: National Geographic

Hơn 50% số rạn san hô trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2035 - Ảnh 4.

Rạn san hô Great Barrier được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1981 và được CNN coi là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Tuy nhiên, san hô ở Great Barrier đang phải đối mặt với nguy cơ bị tẩy trắng trên diện rộng khi nhiệt độ nước biển ở khu vực ngoài khơi phía Đông Bắc Australia tăng cao. Ảnh: Nytimes

Rạn san hô Biển Đỏ

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 5.

Rạn san hô Biển Đỏ nằm giữa hai sa mạc khô cằn và nóng nhất thế giới là sa mạc Sahara và sa mạc Ả Rập. Ảnh: Stunybrook

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 6.

Rạn san hô Biển Đỏ đã hơn 5.000 năm tuổi, dài khoảng hơn 1.930km và là nơi sinh sống của 300 loài san hô cứng và khoảng 1.200 loài cá (10% trong số chúng chỉ được tìm thấy ở khu vực này). Ảnh: Gettyimages

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 7.

Rạn san hô Biển Đỏ rất "mạnh", có khả năng chống chịu cao với nhiệt độ ấm lên của nước biển và nhiều thay đổi

khắc nghiệt của môi trường. Ảnh: Alarmy

Rạn san hô Rainbow (Fiji)

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 8.

Rạn san hô Rainbow nằm giữa 2 hòn đảo Vanua Levu và Taveuni của đất nước Fiji. Ảnh: Jordanrobins

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 9.

Rạn san hô Rainbow đầy màu sắc như một chiếc kính vạn hoa dưới biển, là nhà của 230 loài san hô và gần 1.200 loài cá.

Ảnh: Markus Roth

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 10.

Rạn san hô Rainbow là một trong những địa điểm lặn biển nổi tiếng trên thế giới. Ảnh: Markus Roth

Rạn san hô Tubbataha (Philippines)

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 11.

Rạn san hô Tubbataha hay Công viên tự nhiên Tubbataha là một khu bảo tồn tự nhiên nằm trong Tam giác san hô (Coral Triangle - khu vực địa lý giống hình tam giác tại vùng biển nhiệt đới của Indonesia, Malaysia, Papua New Guinea, Philippines, quần đảo Solomon và Timor-Leste), một trọng tâm toàn cầu về đa dạng sinh học của loài san hô. Ảnh: Tet Lara

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 12.

Rạn san hô Tubbataha có diện tích khoảng 96.828ha, là nơi sinh sống của 374 loài san hô (chiếm gần 90% các loài san hô tại Philippines), 11 động vật biển có vú, 11 loại cá mập và khoảng 478 loài cá. Ảnh: Yvette Lee

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 13.

Rạn san hô Tubbataha được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1993. Ảnh: Zenrooms

Rạn san hô Palancar (Mexico)  

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 14.

Rạn san hô Palancar là một rạn san hô lớn ở phía tây nam của đảo Cozumel, thuộc Vườn quốc gia Arrecifes de Cozumel, Mexico. Ảnh: Travelyucatan

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 15.

Rạn san hô Palancar là một phần của hệ thống rạn san hô lớn thứ 2 thế giới Mesoamerican. Ảnh: Travelyucatan

Những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển - Ảnh 16.

Hệ thống rạn san hô Palancar là một kỳ quan đa sắc với các sắc độ khác nhau (hồng sáng, xanh lục, cam và vàng) của các loài động thực vật biển. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài cá kỳ lạ như cá bướm, cá sóc, cá vẹt, quạt biển,...

Ảnh: Goatsontheroad

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng tới san hô

Trong kịch bản xấu nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, hơn 50% số rạn san hô trên thế giới có nguy cơ biến mất vào năm 2035.

Các nhà khoa học tại Đại học Hawaii, Mỹ đã sử dụng các mô hình biến đổi khí hậu toàn cầu và tiến hành so sánh các kịch bản có thể xảy ra do 5 yếu tố dự báo ảnh hưởng đến môi trường từ những năm 1950 của thế kỷ trước đến năm 2100. Các yếu tố này bao gồm nhiệt độ bề mặt nước biển, hiện tượng acid hóa đại dương, các cơn bão nhiệt đới, vấn đề sử dụng đất và dân số.

Dự báo đến năm 2055, khoảng 99% hệ sinh thái rạn san hô trên thế giới sẽ phải đối mặt với các điều kiện sống không phù hợp, khiến san hô chết và làm gián đoạn chuỗi thức ăn nuôi sống các sinh vật biển khác.

Hiện các nhà khoa học đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tiếp theo của công trình nghiên cứu, theo đó đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các loài san hô.


Link nội dung: https://congdankhuyenhoc.vn/nhung-khu-rung-nhiet-doi-duoi-day-dai-duong-179221014124329593.htm