Những con số đáng báo động về ô nhiễm nhựa
Ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất. Đây không chỉ là vấn đề đối với động vật hoang dã hay quản lý rác thải mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sức khỏe con người và cả hành tinh.
Ô nhiễm nhựa tác động đáng kể đến sức khỏe con người, hệ sinh thái và gần như không thể khắc phục được
Ô nhiễm nhựa là một vấn đề toàn cầu. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), mỗi năm có 19-23 triệu tấn rác thải nhựa rò rỉ vào hệ sinh thái thủy sinh, gây ô nhiễm hồ, sông, biển. Ô nhiễm nhựa có thể làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế, khả năng sản xuất lương thực và phúc lợi xã hội của hàng triệu người.
Theo thống kê của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC), sản lượng nhựa hàng năm trên toàn cầu đã tăng theo cấp số nhân trong 65 năm qua, tăng từ 2 triệu tấn năm 1950 lên 460 triệu tấn vào năm 2019. Số lượng nhựa được sản xuất chỉ trong thập kỷ qua nhiều hơn cả thế kỷ 20. Phần lớn số nhựa này nhanh chóng bị vứt bỏ và rác thải nhựa được tìm thấy ở khắp mọi nơi, kể cả những nơi xa nhất Bắc Cực, đáy biển sâu, thậm chí cả trong mây và khí quyển.
Ước tính có khoảng 242 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra trên toàn cầu mỗi năm và Mỹ là một trong những nước phát thải nhiều nhất. Ít nhất 1.565 loài động vật hoang dã đã được phát hiện vô tình ăn phải nhựa, có thể dẫn đến tắc ruột và tử vong, nhiều động vật hoang dã bị thương hoặc chết mỗi năm do vướng vào nhựa.
Tuy nhiên, ô nhiễm nhựa không chỉ là vấn đề đối với động vật hoang dã hay quản lý rác thải. Đây là một cuộc khủng hoảng đối với sức khỏe con người và của cả hành tinh, đòi hỏi các chính phủ phải có hành động cấp bách và quyết đoán.
Nhựa giải phóng các hợp chất có hại vào không khí, thực phẩm, nước và môi trường của chúng ta trong quá trình sản xuất, sử dụng hàng ngày và khi hết tuổi thọ. Hơn 16.000 hóa chất được sử dụng để sản xuất các loại nhựa khác nhau (chẳng hạn như phthalates, bisphenol A và vinyl chloride) bao gồm chất gây ung thư, chất gây rối loạn nội tiết tố, hợp chất gây béo phì và các chất có thể gây hại cho gan, não, thận, hệ thống tim mạch, miễn dịch và sinh sản,...
Trong quá trình sản xuất, vận chuyển, sử dụng, tái chế, thải bỏ và khi rò rỉ ra môi trường, nhựa sẽ bong ra và phân mảnh thành các hạt vi nhựa - những mảnh nhựa nhỏ có chiều dài dưới 5mm. Theo nghiên cứu, một cuộc điều tra gần đây đã tìm thấy hạt vi nhựa trong 94% mẫu nước máy của Mỹ, đây là tỷ lệ ô nhiễm cao nhất thế giới. Nước đóng chai thậm chí còn chứa hàm lượng cao hơn.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng vi nhựa có thể gây ra các mối nguy hiểm về tiêu hóa, sinh sản và hô hấp ở chuột và có khả năng gây ra các mối nguy hiểm tương tự ở người. Hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong tim, phổi, sữa mẹ, nhau thai, phân, máu và các cơ quan khác trong cơ thể con người. Một nghiên cứu gần đây trên người, nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong cao hơn ở những bệnh nhân có vi nhựa trong động mạch quan trọng của tim.
Ngoài ra, 99% tổng số nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch - một trong những tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Trong suốt vòng đời, nhựa cũng góp phần gây ô nhiễm không khí và nước do các chất độc hại cơ sở sản xuất và xử lý nhựa thải ra.
Ô nhiễm nhựa hầu như không thể khắc phục được. Nó quá phổ biến và lan rộng đến mức không thể loại bỏ những chất gây ô nhiễm như vậy khỏi máu và mô của hàng tỷ sinh vật. Nhựa không chỉ gây hại cho sức khỏe con người và môi trường mà còn có thể gây nguy hiểm cho hoạt động lành mạnh của toàn bộ hệ thống Trái đất.
Điều quan trọng chúng ta cần nhận thức được là không thể tái chế để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Có đến hàng nghìn loại nhựa khác nhau và phần lớn trong số chúng không thể tái chế được.
Cái mà ngành công nghiệp hóa chất và nhựa gọi là "tái chế hóa học" hay "tái chế nâng cao" không phải là giải pháp cho vấn đề này.
Nghiên cứu của NRDC đã chỉ ra rằng các cơ sở "tái chế hóa học" hiện đang hoạt động hầu hết không sản xuất hoặc có kế hoạch sản xuất nhựa mới mà đang thực hiện hình thức đốt nhựa - biến nhựa thành nhiên liệu bẩn bằng các quy trình tiêu tốn nhiều năng lượng hoặc sử dụng chúng để tạo ra năng lượng cho các quy trình của họ. Quá trình biến nhựa thành nhiên liệu này không mang lại bất kỳ lợi ích kinh tế và sinh thái nào giống như việc tái chế thực sự, tức là trả lại nguyên liệu cho chu trình sản xuất. Các cơ sở "tái chế hóa học" khác không tạo ra nhiên liệu từ nhựa thải vẫn đang tạo ra chất thải nguy hại, làm trầm trọng thêm những vấn đề về môi trường và tái chế rất ít nhựa (nếu có).
Cần có những biện pháp thiết thực để ngăn chặn ô nhiễm nhựa
Ô nhiễm nhựa đã trở nên nghiêm trọng đến mức, năm 2022, các quốc gia trên thế giới đã đồng ý bắt đầu đàm phán về một hiệp ước nhựa toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa. Phiên đàm phán thứ tư dự kiến diễn ra tại Ottawa, Canada vào cuối tháng 4 năm 2024. Vẫn còn phải xem một thỏa thuận như vậy cuối cùng sẽ làm giảm các mối đe dọa do nhựa gây ra như thế nào, nhưng quá trình đàm phán hiệp ước là một cơ hội chưa từng có để hành động hướng tới mục tiêu này. Điều rõ ràng là cần có hành động khẩn cấp ở mọi cấp độ để giảm cả việc sản xuất và sử dụng nhựa, đặc biệt là những loại nhựa không cần thiết và những loại nhựa độc hại nhất.
Năm nay, chủ đề của Ngày Trái Đất (ngày 22/4/2024) là "Hành tinh và Nhựa" (Planet vs. Plastics), như một lời kêu gọi nâng cao nhận thức về những tác hại mà ô nhiễm nhựa gây ra cho sức khỏe con người, động vật và đa dạng sinh học nói chung. Để hưởng ứng chủ đề này, Tổ chức phi lợi nhuận Earthday.org đã cam kết chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái Đất, đặt mục tiêu giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040.
Theo NRDC, để bảo vệ sức khỏe của các cộng đồng ở tuyến đầu trong sản xuất và xử lý nhựa, cũng như người dân toàn cầu, động vật hoang dã và hệ sinh thái, cần có các quy định ở cấp chính sách quốc tế, khu vực và quốc gia để ngăn chặn làn sóng ô nhiễm nhựa, bằng cách hạn chế sản xuất, loại bỏ các loại nhựa độc hại và đầu tư vào các giải pháp thiết thực để bảo vệ Trái đất.
Chúng ta cũng phải giảm thiểu tác hại do nhựa còn sót lại gây ra bằng cách giảm ô nhiễm từ quá trình sản xuất và thải bỏ nhựa. Cụ thể, trong các cuộc đàm phán hiệp ước nhựa toàn cầu đang diễn ra, các nước nên áp dụng các biện pháp kiểm soát nhằm giảm sản xuất nhựa, xác định và loại bỏ các hóa chất độc hại trong sản xuất nhựa, cấm sản xuất và kinh doanh các loại nhựa có vấn đề và yêu cầu nhà sản xuất công bố hàm lượng hóa chất trong nhựa.
Theo khuyến nghị của NRDC, các nhà hoạch định chính sách nên xem xét áp dụng các biện pháp sau:
Cấm các dạng nhựa độc hại, không cần thiết. Giảm thiểu mọi hình thức và cách sử dụng nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch để thay thế bằng các giải pháp thay thế an toàn và bền vững. Điều này có thể áp dụng dưới hình thức luật cấm nhựa sử dụng một lần, đặc biệt là nhựa độc hại.
Yêu cầu sự minh bạch đầy đủ của các hóa chất trong nhựa trong suốt quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ.
Yêu cầu kiểm tra vi hạt nhựa trong nước uống và tìm kiếm giải pháp để ngăn chặn ô nhiễm vi hạt nhựa ở sông, hồ, đại dương, đất, cơ thể và nước uống của chúng ta.
Tăng cường đầu tư vào việc phát triển các hóa chất và vật liệu an toàn hơn và bền vững hơn, cũng như các giải pháp giảm sản xuất nhựa như hệ thống tái sử dụng và nạp lại không độc hại.
Áp dụng các mục tiêu giảm thiểu nhựa, tương tự như các kế hoạch hành động về khí hậu đặt ra mục tiêu giảm khí thải nhà kính.
Ngừng hỗ trợ, cấp phép cho các phương pháp xử lý và tiêu hủy chất thải nhựa tạo ra chất thải độc hại gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Hợp tác cùng với các cộng đồng công lý môi trường để đảm bảo rằng mọi giải pháp đều giúp giảm bớt các tác động không cân xứng và tác hại đến sức khỏe mà các cộng đồng thu nhập thấp, cộng đồng da màu và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương khác tiếp tục gặp phải.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google